Với các chị - những người vợ lính hải quân, cái Tết vắng bóng chồng không chỉ đã quá quen thuộc mà còn là lúc gửi gắm tất cả tình cảm yêu thương, để chồng yên tâm làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng…
Đón giao thừa cùng nhau qua điện thoại
Những ngày cuối năm, chị Nguyễn Thị Hà (Phù Yên, Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội) bận rộn với mớ lá dong, gạo nếp, thịt mỡ… chuẩn bị gói bánh chưng đón Tết. Bên cạnh, bà Ngô Thị Đề, mẹ anh lính Nguyễn Văn Quynh (phân đội trưởng đảo Song Tử Tây) đang hí húi cắt tỉa cành đào. Hai người phụ nữ trong gia đình đã rất thành thạo với những “công việc đàn ông” ấy.
Anh Quynh, chị Hà |
Tình yêu của Hà với Quynh chớm nở khi trái tim Hà rung lên trước bộ quân phục lính hải quân màu trắng rất đẹp mà anh lính mặc về làng dịp nghỉ phép. Tình yêu ấy lớn dần qua những lá thư nối liền khoảng cách. Năm 2009, anh Quynh xin về phép để cưới Hà. Gần vợ chưa đến 10 ngày, Quỳnh lại về vào đơn vị tiếp tục nhiệm vụ, để cô vợ trẻ trống trải với căn phòng hạnh phúc.
Hai tháng sau, Hà lên tàu vào Khánh Hòa “tìm” chồng, ở lại 10 ngày. May mắn, hạnh phúc đã đến với anh chị khi “mầm non” trong Hà được nhen nhóm. “6 năm yêu và lấy anh Quynh, chúng tôi ở bên nhau không đến 10 lần, tính ra chưa đến 100 ngày gần nhau. Nhưng chúng tôi tin vào tình yêu đó” – chị Hà khẳng định.
Mang thai khi đang học năm cuối trường Trung cấp dược Hà Nội khiến chị vô cùng vất vả. Ba tháng đầu ốm nghén, Hà phải nằm trong bệnh viện truyền 4 lần/ tuần. Biết anh Quynh hay lo, Hà hài hước ví bụng mình to lên như quả táo, như nắm đấm, có vẻ… sẽ giống bố…
Đôi lúc tủi thân, chạnh lòng vì bạn bè có chồng đỡ đần, làm bờ vai vững chắc để nương tựa, nhưng cảm giác đó nhanh chóng tan biến khi nghe giọng nói của chồng nơi xa gọi về động viên, an ủi đầy thương yêu. Tết năm 2010, được về phép, anh Quynh đứng sững trước nhà, ngạc nhiên vì “mình đã thành bố”.
Vắng chồng, việc to việc nhỏ trong nhà, chị tự tay làm hết. Cái nồi cắm cháo cho con rò điện, chị tự sửa lấy. Ổ điện hỏng, chị dùng tua vít tháo ra lắp lại. Bé Nguyễn Chấn Hưng thể trạng yếu, hay ốm vặt, có hôm bé sốt cao, bế con đến bệnh viện, chị vẫn kịp nhắc mẹ đừng báo tin cho chồng vì sợ anh không yên tâm công tác.
Mỗi lần trò chuyện với con, Hà nhắc nhiều đến “bố cu”, chỉ tay lên tấm ảnh cưới chụp chung trên tường, bảo “bố con đấy”. Chấn Hưng hiểu được những gì mẹ nói, nên mỗi khi bố Quynh gọi điện về, cháu đều cười hớn hở, ai hỏi “bố con đâu”, bé chỉ tay hoặc ngước mắt lên bức ảnh như ý: “bố con đấy”.
Nhớ cái Tết 2011 xa chồng, 29 tết vẫn chưa có bánh chưng, mình lại không biết gói chị đi mua lá dong, rồi mang gạo nếp, thịt, đỗ sang nhà hàng xóm… học. Giao thừa năm đó, hai em gái của anh Quynh học xa cũng về tụ họp. Thương chồng đón Tết ở đảo xa nhà, Hà giấu mẹ và em chồng những giọt nước mắt.
“Tôi biết Tết khóc là “dông” cả năm nhưng không thể kiềm chế được cảm xúc. Tôi bế con ra sau nhà gọi điện cho chồng nhưng nghẽn mạng. Mãi đến 30 phút sau Giao thừa, nghe được giọng anh Quynh trên điện thoại, tôi bật khóc nức nở, cả hai vợ chồng chỉ im lặng và đón giao thừa bằng những phút xúc động nghẹn ngào nhưng trong lòng trào dâng hạnh phúc, vô cùng ấm áp…”.
“Hậu phương” phải vững mạnh
Trong khu phố 1, phường Phú La, quận Hà Đông, chị Trịnh Thị Hồng Nhung – vợ anh Nguyễn Văn Huấn (trợ lý công binh đảo Trường Sa lớn) cùng con gái Nguyễn Thị Thùy Trang (10 tuổi) và cháu gái Trịnh Thị Diệu Hương (10 tuổi) đang tất bật với công việc cuối năm và chuẩn bị đón Tết. Chị Nhung mỉm cười, chị đã quen với những cái Tết vắng chồng, với những câu chúc Tết của anh qua điện thoại và những lá thư dài ngậm ngùi cảm xúc của anh khi vắng nhà rồi.
Gia đình anh Huấn, chị Nhung |
Sau tám năm gói ghém tình yêu trong những phong thư nối hai đầu nỗi nhớ Bắc - Nam, đến năm 2001, anh chị thành vợ chồng. Chị ở nhà tự mình mua đất, xây nhà. Thời gian đó cũng là lúc chị ốm nghén. Chồng công tác ở xa, một mình làm nhà, một mình sinh con, đó là nghị lực phi thường của một người vợ trẻ.
Có lẽ phải có tình yêu và sự hy sinh lớn lao mới giúp chị có chỗ dựa tinh thần để vượt qua. “Lúc ấy, tôi rất thèm có chồng bên cạnh động viên, an ủi, nhưng sợ anh không yên tâm công tác. Tôi không được khoẻ khi mang thai, và quá vất vả lo toan, nên còn lo sợ đứa con sinh ra có khiếm khuyết gì, sinh cháu xong, tôi ngóc đầu dậy ngay rồi thở phào nhẹ nhõm: Ơn trời, cháu lành lặn!”.
Giờ Thùy Trang đã 10 tuổi, học giỏi và rất ngoan. Lúc nhớ bố, em lại viết lên tấm bảng mẹ mua cách đây 5 năm để dạy học cho con: “Ba ơi, con yêu ba lắm! Lúc nào ba về thì ba điện thoại cho mẹ để con ra đón nhé! Mẹ, con và chị (tức Diệu Hương – tác giả) đều rất nhớ ba. Con sẽ học thật giỏi để ba vui yên tâm công tác”.
“Anh biết, từ khi chúng mình cưới nhau đến giờ, bản thân anh tự thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm của người chồng mà em và những người con gái đi lấy chồng mong muốn. Anh là lính hải quân, vợ chồng mình sẽ không được gần nhau như những cặp vợ chồng khác và chắc chắn sẽ có rất nhiều điều buộc cả hai phải mạnh mẽ để đối mặt. Những công việc gia đình, mình em sẽ phải tự xử lý lấy. Anh biết, lấy chồng xa là khổ, nhưng anh tin em đủ bản lĩnh và niềm tin vào anh để vượt qua, em hãy tin rằng có anh luôn bên cạnh em để cổ vũ động viên em vượt qua khó khăn vất vả…” – Thư anh Quynh gửi chị Hà hồi mới cưới (14.4.2009)
“Ngoài này, anh rất lo cho con và em nên em làm gì và đi đâu cũng phải thận trọng. Anh sẽ luôn ở bên cạnh, là điểm tựa vững chắc cho em và con, cho gia đình nhỏ bé mà chúng ta đang xây dựng. Bố mẹ đều rất thương yêu và khen em là con dâu tuyệt vời. Anh tự hào về điều đó…” – Thư anh Huấn gửi chị Nhung hồi chị mang thai con gái (15.8.2002).