Dân Việt

Đặng Hùng-Vương Linh và những cái Tết ngọt ngào

23/01/2012 08:50 GMT+7
Nhưng hơn hết, Tết luôn là những khoảnh khắc quý giá và tuyệt vời với gia đình nghệ sĩ múa Đặng Hùng - Vương Linh, bởi được quây quần bên nhau, bởi tình yêu thương và hơi ấm gia đình.

Một ngày cuối năm, Hà Nội lạnh se se còn Sài Gòn vẫn đầy nắng, nghệ sỹ Đặng Hùng nhớ về những cái Tết đi qua cuộc đời mình.

Dù đã xa Hà Nội hơn 20 năm rồi, cô con gái nhỏ Linh Nga cũng đã lấy chồng, tôi vẫn không thể nào quên những cái Tết xưa ở Hà Nội, từ khi tôi còn bé đến lúc vào học trườ ng múa Việt Nam. Những cái Tết ấm cúng, dịu dàng trong vòng tay mẹ.

img
Gia đình nghệ sỹ Đặng Hùng – Vương Linh

Nhà tôi thường tự nấu bánh chưng. Trời se se lạnh. Nồi bánh chưng sôi sôi. Lửa ấm. Khói cay cả mắt. Đến bây giờ vẫn nhớ rõ không khí ấm áp, háo hức, vui tươi ấy. Vì còn bé, tôi chỉ được trông nồi bánh đến 11, 12 giờ đêm, không được thức qua đêm.

Sáng mai thức dậy đã thấy mẹ và chị vớt bánh chưng ra, đặt lên một thanh gỗ dài, cho chiếc cối đá lên trên, ép nước. Nước trào ra khỏi bánh, trông thật ngon thật thèm! Những chiếc bánh đẹp nhất, xanh nhất được đưa lên bàn thờ của bố, thắp nhang.

Tết nhà tôi không bao giờ thiếu món chè Bà Cốt mẹ làm. Mẹ ở nhà đãi đỗ xanh, luộc lên rồi giã đậu ra, đánh nhuyễn chè đậu xanh với đường. Chè được cho ra đĩa, rắc vừng lên, ăn trong suốt mấy ngày Tết, mỗi lần ăn lại xắt nhỏ từng miếng. Vị chè mẹ nấu ngọt lịm, thơm lừng mùi đậu và vừng.

img
Linh Nga và mẹ Vương Linh

Sáng mồng 1 Tết, tôi và các anh chị em được mặc quần áo đẹp, xúng xính. Mẹ mừng tuổi các con mỗi người một vài hào, tiền mới cong. Cảnh Tết đầm ấm, háo hức đó, bất cứ gia đình người Bắc nào hồi đó cũng có, cứ đọng lại mãi trong tôi.

Tốt nghiệp trường múa, tôi trải qua cái Tết đầu tiên xa nhà ở thành phố Kiep - nay là thủ đô nước Ukraine - học tiếng Nga một năm trước khi học múa chính ở Matxcơva. Sự lạnh lẽo. Sự cô đơn. Nỗi nhớ nhà.

Một nỗi buồn man mác khi xa mẹ và các anh chị. Nhưng cũng ngay cái Tết đó, nhen nhóm những tình cảm yêu thương đầu tiên với người vợ bây giờ, đó là Vương Linh, làm nguôi đi nỗi buồn xa xứ. Năm 1983 chúng tôi làm đám cưới và những cái Tết sau đó cũng rộn ràng hơn bên người vợ yêu dấu và bạn học.

Chúng tôi đón giao thừa vào lúc 8 giờ tối ở Nga (tương đương với 12 giờ đêm ở Việt Nam), tự nấu món ăn quê nhà, tạo không khí Tết như ở Việt Nam dù đồ ăn chẳng thể ngon bởi thiếu nhiều loại gia vị. Dù vậy, nỗi nhớ không lắng dịu xuống mà càng thêm da diết.

Không gì vui sướng và hạnh phúc hơn Tết năm 1986 khi Linh Nga chào đời. Sinh nhật Linh Nga vào ngày 12.1, đã qua Tết Tây và chưa đến Tết ta. Trong căn phòng riêng dành cho đôi uyên ương đã có thêm chiếc cũi trẻ con và tiếng khóc của Linh Nga.

Lúc đó, vợ chồng tôi cũng chuẩn bị tốt nghiệp, không đi học nhiều, có thời gian dành cho con gái nhỏ. Đôi khi, nghĩ lại thật khó hình dung cô con gái lúc bé sinh non (7 tháng), chỉ nặng 2kg, lớn lên gầy nhẳng, thường xuyên ốm đau lại có thể là Linh Nga bây giờ, đã trưởng thành, bước đi vững vàng và tự tin trong nghề cũng như đời sống.

Tiếp theo đó là những cái Tết buồn. Đối mặt với sự thật. Sau 5 năm học hành miệt mài, về Việt Nam, chúng tôi vẫn không dễ dàng gì để tìm “đất sống” cho múa ở Hà Nội. Cuối năm 1987, hai vợ chồng quyết định vào Sài Gòn, vẫn chưa dám mang theo con.

Cái Tết đầu tiên ở Sài Gòn buồn và “lạnh”. Ở nhà thuê. Tương lai chưa thấy gì phía trước. Nhớ Hà Nội. Nhớ con gái nhỏ. 12 giờ đêm hai vợ chồng mới đi diễn về, hứng nước nấu mì gói ăn cho đỡ đói. Một cái Tết khốn khó không thể quên trong đời. Bây giờ mọi người nhìn vào có thể thấy một gia đình nghệ sỹ thành công và hạnh phúc, nhưng ít ai biết rằng, chúng tôi đã trải qua biết bao khó khăn và khổ luyện.

Có những lúc, tôi phải ngửa mặt lên trời, khóc không thành tiếng, nghĩ sao ông trời lại bất công với mình như vậy, thử thách mình quá nhiều như vậy, cố gắng bao nhiêu cũng không đủ. Nhưng cũng thời điểm đó, ý chí bùng lên mạnh mẽ, phải sống với đam mê nghiệp múa, bằng mọi giá phải trụ vững với nghề. Điều hạnh phúc nhất là, trong những lúc khó khăn nhất, vợ chồng tôi luôn sát cánh bên nhau.

Những cái Tết sau đó đời sống dần ổn định, khấm khá dần lên, đến năm 90 chúng tôi được cấp căn phòng nhỏ ở tầng 5 nhà 146AB đường Nguyễn Thị Minh Khai. Căn phòng chỉ 9m2 , gồm cả bếp và nhà vệ sinh nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy ngập tràn sung sướng bởi đó là ngôi nhà của riêng mình. Những năm đó, chẳng Tết nào chúng tôi đón giao thừa ở nhà. Vương Linh phải làm cơm cúng trước giờ đi diễn.

Thời khắc giao thừa chúng tôi cũng ở ngoài đường, lúc thì công viên 30.4, lúc thì ở Dinh Độc Lập, cả nhà ngẩng mặt lên trời cầu mong hạnh phúc trong năm mới. Trở về nhà sau giao thừa, bao giờ tôi cũng mở cửa, xông nhà trước. Cả Vương Linh và các con đều tin rằng với “vía” của bố Đặng Hùng cả năm đó sẽ yên ấm hạnh phúc.

Năm 1998 c, Linh Nga lúc đó 12 tuổi đi học Trung cấp múa ở Trung Quốc. Con gái nhỏ đi học xa, ngày nào cũng gọi về cho bố mẹ khóc, thương con thắt lòng. Bởi thế, hai vợ chồng quyết tâm cả năm làm việc cật lực để Linh Nga không phải đón Tết xa nhà. Chúng tôi chỉ mong đến ngày 30 Tết, đón con gái về, cùng con ra phố, sắm sửa, trang hoàng nhà cửa. Sáng mồng 1 Tết, tôi lại chuẩn bị những đồng tiền mới cong, mừng tuổi các con, như mẹ tôi đã làm ngày xưa khi tôi còn bé.

Phải hơn 10 năm nay, trừ dịp Tết, gia đình chúng tôi chẳng lúc nào đủ 4 người. Linh Nga đi học 6 năm trở về thì cậu em Hùng Minh lại lên đường đi Singapore du học. Tết là những khoảnh khắc duy nhất trong năm, quý giá và vô cùng hạnh phúc bởi cả nhà được quây quần đoàn tụ. Tết 2011 là cái Tết đầu tiên Linh Nga xa rời vòng tay bố mẹ, đón giao thừa ở nhà chồng.

Con gái nhớ bố mẹ, gọi điện thoại liên tục. Nhớ con và chẳng có cái cớ nào tuyệt vời hơn để trở về Hà Nội, mồng 1 Tết, chúng tôi đã lên máy bay ra Bắc. Đón Tết bên con gái, bên gia đình thông gia, ở mảnh đất Hà Thành vấn vương bao kỷ niệm, thật xúc động và đặc biệt.

Hỏi nghệ sỹ Đặng Hùng về mong ước cho năm mới, Tết Nhâm Thìn, anh thú nhận đã đôi lúc ước ao rằng: “giá có cháu bế thì cũng thích!”, con gái làm nghề múa sẽ nhanh lấy lại dáng, nhanh chóng trở lại với nghề. Dù rằng, lúc nào anh cũng mong muốn con gái múa thật nhiều, cống hiến thật nhiều cho nghệ thuật múa của đất nước. Với vợ chồng anh, vừa là cha mẹ, vừa là người đi trước trong nghề, được nhìn con say mê, bay bổng với những điệu múa trên sân khấu là niềm hạnh phúc lớn lao tột cùng!

Theo Phụ nữ Thủ đô