Giá tăng bởi cả năm chỉ có một ngày
Đêm 18, rạng sáng ngày 19/2 (Tức đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng âm lịch), hàng vạn du khách thập phương đổ về lễ hội khai ấn đền Trần Nam Định. Dịch vụ ăn uống cũng rầm rộ hơn bao giờ hết.
Những quán ăn mọc lên xung quanh khu vực diễn ra lễ hội không nhiều, tuy nhiên trong khoảng bán kính từ 4-6km, các quán ăn, nhà hàng dường như không ngớt khách ra vào.
Tại khu lẩu nướng, hải sản (Tân Đệ - Tp. Nam Định), lượng khách đặt bàn trước đó tăng đột biến. Chị Yến, một chủ quán lẩu, nướng hải sản cho biết, phải tăng thêm 15 bàn trong tổng số 60 bàn ăn của nhà hàng nhưng vẫn không đủ phục vụ khách. “Lượng khách không ngờ đông đến vậy, nên cả chủ và nhân viên không kịp trở tay” - Chị Yến chia sẻ.
Cũng theo chị Yến, những ngày này nhà hàng có tăng giá đôi chút bởi năm chỉ có một lần nhưng du khách vẫn hài lòng và ủng hộ chứ không phải là chặt chém. “Một nồi lẩu hải sản thập cẩm, ngày thường nhà hàng bán với giá 450.000 đồng/nồi dành cho 5 thực khách. Tuy nhiên, những ngày như hôm nay có tăng lên đôi chút là 550.000 đồng/nồi. Đối với nồi lẩu cá quả ngày thường là 250.000 đồng thì ngày lễ hội cũng tăng lên 350.000 đồng dành cho 5 thực khách”. Cũng theo lý giải của chị Yến, nhà hàng có tăng thêm chút đỉnh, nhưng bù lại lượng rau hay đồ gia giảm cũng bù thêm cho thực khách.
Những hộ kinh doanh đồ ăn uống tại lễ hội khai Ấn đền Trần hốt bạc
Anh Nguyễn Văn Tuyên, một du khách đến từ tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Đồ ăn đắt hơn đôi chút nhưng ngon và không phải là đắt quá, khách chấp nhận được”.
Còn đối với chị Lê Thị Thủy (Hòa Bình): “Đoàn chúng tôi có 20 người, gọi 4 nồi lẩu hải sản, gà luộc, cơm và thịt rang khi thanh toán cũng chỉ chưa đầy 6 triệu bạc. Tính ra chi phí cho một người, trong một bữa ăn chỉ chưa đầy 300 nghìn kể cả đồ uống. Như vậy là giá chấp nhận được chứ không phải quá đắt so với các lễ hội khác”.
Chỉ tăng 100 nghìn/ nồi lẩu kể cả hải sản hay các loại lẩu khác so với ngày thường - đó là lời khẳng định của chủ những nhà hàng nơi đây.
Bội thu ngày lễ hội
Theo chia sẻ của chị Yến, so với năm ngoái, nhà hàng của chị lượng khách tăng lên từ 20-35% và doanh thu mới chỉ tính đến trưa ngày 19/2 đã xấp xỉ 250 triệu. “Chưa kể các chi phí trừ đi, nhưng nhẩm tính cũng có thể đút túi trên dưới 70 triệu đồng” - chị Yến cho hay.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài các nhà hàng thì các quán xá như phở bò, bún cá, nhậu đêm... cũng thu hút một lượng du khách khá khủng. Dọc trên đường Trần Hưng Đạo, các quán ăn đêm cũng được du khách ghé chân thưởng thức. “Một bát trứng gà chần cho 4 người ăn giá 500.000 đồng, kèm theo bia hoặc rượu. Tính ra mỗi người chỉ hơn trăm bạc” - anh Tiến (Hà Nội) cho biết.
Lượng khách khá đông đổ về nên nhiều người phải chờ đợi khá lâu mới có thể sắp xếp được bàn ăn.
Phở bò là một nét đặc trưng và nổi tiếng của Nam Định cũng được các du khách ghé thăm và thưởng thức. “Dọc trên khu phố Đông A này, các chủ quán phở như chúng tôi không ai bảo ai, cũng chỉ nâng giá cho một bát phở thêm 10 nghìn đồng. Ngày thường chúng tôi bán 30 nghìn/bát, thì ngày lễ là 40 nghìn và không một quán nào bán đắt hơn giá đó” - anh Chung, chủ quán phở tại đây cho biết.
Cũng theo anh Chung, ngày thường quán phở của anh chỉ bán dao động từ 150 -170 bát. Tuy nhiên, chỉ trong ngày 18 và sáng ngày 19/2, quán nhà anh đã bán được hơn 500 bát phở. “Cũng phải thuê thêm người phục vụ chứ làm không xuể và phải mở cửa cả đêm, không có giờ nghỉ” - anh Chung cho biết.
Mặc dù tăng giá từ 2-3 lần so với ngày thường nhưng khách sạn, nhà nghỉ Tp. Nam Định, đặc biệt là khu vực gần đền...