Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn - chuyên gia Phật giáo, phong tục, tập quán, tín ngưỡng Viện Hán Nôm
- Tục lệ đi cúng sao giải hạn đầu năm hiện nay rất được mọi người quan tâm và làm theo. Theo anh, đây có phải là mê tín dị đoan không?
- Cúng sao giải hạn được người dân thực hành chủ yếu vào mùa xuân, và cũng trong khoảng 20 năm nay ở Hà Nội, và chủ yếu ở chùa Phúc Khánh. Hiện nay, chùa chiền các địa phương hầu như không có việc cầu cúng dâng sao giải hạn như ở thành thị. Và ở thành phố thì không phải chùa nào cũng có việc dâng sao giải hạn. Dâng sao giải hạn là vấn đề mê tín dị đoan, không hề có trong văn hóa, giáo lý của nhà Phật.
- Cúng sao giải hạn nên được hiểu và được làm như thế nào? Thật sự có thể biết trước được hạn và giải được không?
- Cúng sao giải hạn là cách làm sớ, cúng Phật đầu năm, cầu mong chư Phật phù hộ độ trì cho cá nhân từng người, để người đó vượt qua sao xấu trong một năm. Sao xấu, sao tốt, là quan niệm dựa trên hệ thống sao từ thuật số, văn hóa Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa của Trung Quốc truyền thống, ảnh hưởng sang Việt Nam và không hề có trong giáo lý, vũ trụ quan, thế giới quan của Phật giáo. Đạo Phật khuyến thiện, trừng ác, lý nhân và quả, chứ không mang tính chất dự đoán, hay giải được oan khiên hoặc tai ách trong năm đó của con người. Nhân nào quả đấy ở chỗ anh làm việc thiện, làm tốt thì anh hưởng quả báo, phúc báo là sự tốt đẹp, may mắn!
Không phải thuần trong Phật giáo, nên dâng sao, giải hạn không được phổ biến trong tự viện, tín ngưỡng từ bắc đến nam ở nước ta.
- Cúng sao giải hạn không phải là tín ngưỡng của Phật giáo, nhưng các chùa vẫn nhận cúng sao giải hạn cho người dân?
- Cúng sao giải hạn đương nhiên không phải tín ngưỡng Phật giáo. Hiện nay, nó là sự giao thoa giữa tín ngưỡng Đạo giáo với tín ngưỡng Phật giáo. Bởi vì không phải thuần trong Phật giáo, nên dâng sao, giải hạn không được phổ biến trong tự viện, tín ngưỡng từ bắc đến nam ở nước ta.
Các chùa cúng dâng sao giải hạn có hai vấn đề. Thứ nhất nhu cầu của người dân, của tín đồ, cũng từ đó để tự viện có kinh tế sinh hoạt, tích lũy và trùng tu sửa sang, cũng như các hoạt động Phật sự. Phần nữa, là nhu cầu của nhà chùa, để giữ tín đồ, giữ kinh tế và tạo uy thế ảnh hưởng của sơn môn với đời sống xã hội.
Khi xã hội phát triển kinh tế văn hóa rất nhanh, đời sống tinh thần có nhiều bất cập, rủi ro từ gia đình, kinh tế và xã hội khiến người ta tin vào thế lực siêu nhiên để bảo hộ và giữ giúp cho họ sự tốt đẹp, yên ổn và mạnh khỏe, thậm chí thăng tiến trên đường công danh.
Có cung, có cầu, và biến tướng ắt khó tránh khỏi.
Dâng sao giải hạn là vấn đề mê tín dị đoan, không hề có trong văn hóa, giáo lý của nhà Phật
- Đi lễ đầu năm, vãn cảnh chùa đầu xuân là một nét đẹp trong văn hóa của ta từ trước đến nay để hướng đến chân thiện mĩ. Nhưng hiện nay nhiều nơi lợi dụng tâm linh để kiếm lời, thúc đẩy mê tín dị đoan để thu lời. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
- Có nhiều vấn đề phía sau, đôi khi liên quan nhiều thứ đến xã hội, đến kinh tế, văn hóa. Đi lễ hội là văn hóa, nhưng thúc đẩy mê tín rõ ràng là có tính chất lợi ích, chứ không còn trong văn hóa Phật giáo nữa. Sự tiếp biến văn hóa, tương thích và phát triển, đẩy xã hội văn minh lên đã bị những biến tướng mang hình thức mê tín dị đoan, lợi ích nhóm đẩy người ta thêm u mê, xã hội thêm bất định. Thiết nghĩ, các cơ quan ban ngành, đặc biệt Giáo hội Phật giáo cần có chấn chỉnh. Bởi không sớm thì muộn, các nếp văn hóa văn minh, sự minh bạch tín ngưỡng và tôn giáo cũng dần dần được thiết lập.