Bài 2: Dọa lập biên bản để vòi tiền
“Làm luật” thì... cho qua
Khoảng 14 giờ 40 ngày 12.1, hết Đà Nẵng, xe vừa chạy tới địa phận huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) thì gặp ngay một chốt CSGT của tỉnh này. Trước xe chúng tôi đã có mấy chiếc xe tải phải dừng, các phụ xe tíu tít nhảy xuống “làm luật”.
Một cảnh sát giao thông lấy tiền kẹp trong sổ. |
Phụ xe của chúng tôi cũng nhảy xuống, chạy tới chỗ viên cảnh sát đang đứng chặn giữa đường. Vẫn câu hỏi cửa miệng: “Xe dư mấy người?”. Vừa trả lời, phụ xe vừa đưa sổ, viên cảnh sát mở ra, thấy chỉ có tờ 200.000 đồng thì dọa “phạt thêm người nữa nhé!”. Phụ xe biết ý, nhét thêm tờ 100.000 đồng nữa vào sổ. Viên cảnh sát liền ngoắc gậy cho xe đi tiếp.
Tiếp đó, xe phải đi qua đoạn đường tránh qua TP.Huế. Cần phải nói thêm là đoạn đường này dài chỉ 30km, nhưng các xe qua đều phải mất tới hơn 2 tiếng đồng hồ bởi đoạn đường đã xuống cấp quá trầm trọng với hàng nghìn ổ gà, ổ trâu và cả ổ voi. Đoạn đường thực sự thách thức sự kiên nhẫn của hành khách và trình độ của bất kỳ tài xế xe khách, xe tải nào.
Hết đoạn đường tránh, gần 17 giờ, khi xe bắt đầu vào địa phận huyện Hương Trà (gần ngã ba Tư Hạ) cũng là lúc chúng tôi gặp một trạm CSGT nữa, là trạm cuối của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khi nghe phụ xe nói xe dư 5, 6 người, viên CSGT tỏ vẻ không tin, trèo lên xe nhìn một lượt rồi bước xuống, tươi cười dặn dò lái xe “chạy từ từ thôi”. Cũng dễ hiểu bởi trước đó, anh này cũng đã kịp rút 200.000 đồng kẹp trong cuốn sổ màu vàng phụ xe đưa.
Lập biên bản nhé?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Xử lý thật nghiêm các cá nhân vi phạm
Sau khi báo đăng bài "Làm luật" trên những cung đường miền Trung", chiều 17.1, PV NTNN đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ và đường sắt. Thiếu tướng Tuyên cho hay: Nếu PV phát hiện có tiêu cực trong lực lượng CSGT, có chứng cứ thì cứ phản ánh trên mặt báo. Còn quan điểm của lãnh đạo Cục là các hành vi tiêu cực thì phải kiên quyết chống đến cùng, phải xử lý thật nghiêm các trường hợp cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CSGT vi phạm. Thiếu tướng Tuyên cũng đề nghị báo hợp tác, cung cấp chứng cứ, tư liệu để lãnh đạo Cục tham khảo và có căn cứ để đề nghị Phòng CSGT các tỉnh, thành phố có cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều tra, xử lý.
Hải Phong
Xe vào địa phận tỉnh Quảng Trị cũng là lúc trời nhá nhem tối, mưa ngày càng nặng hạt. Vào lúc 17 giờ 35, tới địa phận huyện Hải Lăng, chúng tôi thấy một xe CSGT đèn xanh đỏ nhấp nháy bên vệ đường. Phụ xe lại làm công việc thường lệ, nhưng lần này, số tiền có dày hơn bình thường – 400.000 đồng – vì nghe anh H nói CSGT ở Quảng Trị “rắn” hơn.
Tuy nhiên, trái với dự đoán, viên CSGT tỏ vẻ khá niềm nở, hỏi thăm thân mật “xe ra có khách chưa?”, đồng thời cầm cuốn sổ phụ xe vừa đưa, rất nhanh quay lưng lại để “tác nghiệp” rồi hỏi: “Xe dư mấy người? Thật không? để lên kiểm tra xem thử”.
Anh này lên ngó qua cho có rồi bước xuống cười cười khoát tay cho xe đi. Khi đi qua chiếc xe cảnh sát đèn đang nhấp nháy, chúng tôi kịp nhìn thấy BKS xe 80A – 003.35.
Cũng như tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại Quảng Trị cũng có 2 trạm, một trạm chốt đầu tỉnh, một trạm cuối tỉnh. Lúc 18 giờ 20, xe chúng tôi gặp chốt cuối tỉnh này, thuộc địa phận huyện Gio Linh.
Chiếc xe nhấp nháy đèn của CSGT mang BKS 74B - 1559 vừa dừng lại bên vệ đường, ngay lập tức đã thấy một viên CS nhảy xuống giơ gậy ra hiệu lệnh để xe chúng tôi dừng lại, kiểm tra.
Vừa thấy phụ xe, viên cảnh sát đã nắn gân hỏi một chặp với thái độ khá kiên quyết: “Xe dư bao nhiêu đây? Chở hàng trong xe hả? Lập biên bản nhé!”. Nhưng rồi ngay sau đó, thái độ của anh này lại lập tức thay đổi và khoát tay cho xe đi sau khi rút 200.000 đồng từ cuốn sổ nhật ký phụ xe đưa...
Cứ như vậy, đều đều và lặng lẽ qua các tỉnh, chiếc xe dư 10 khách đi trót lọt tới bến cuối cùng và trả khách vào lúc gần sáng hôm sau...
Nhóm P.V