Nữ sinh đi giao gà ở Điện Biên được gia đình báo mất tích từ ngày 30 Tết, sau đó 3 ngày người dân mới phát hiện thi thể của cô gái. Nhiều người đặt câu hỏi, trong khoảng thời gian này, việc tìm kiếm người được trình báo mất tích được các cơ quan chức năng tiến hành như thế nào?
Trao đổi với Dân Việt về quy trình trình báo người bị mất tích luật sư Nguyễn Thị Yến – Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: Việc trình báo người bị mất tích được quy định rõ tại điều 387 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Theo đó, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự.
Khi lên trình báo mất tích người trình báo cần phải có đơn yêu cầu. Người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 2 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm; trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.
Người thân nữ sinh đi giao gà đăng lời tìm kiếm trên trang facebook. Ảnh: I.T
Cũng theo luật sư Yến, việc chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích được quy định tại Điều 388 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Đó là:
1. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích.
2. Nội dung thông báo và việc công bố thông báo được thực hiện theo quy định tại Điều 384 và Điều 385 của Bộ luật này. Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 4 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên.
3. Trong thời hạn thông báo, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.
4. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo quy định tại khoản 2 Điều này thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
Tại điều 389 Quyết định tuyên bố một người mất tích (BLTTDS 2015) cũng quy định rõ: Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích; trường hợp có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích đó và được chấp nhận thì trong quyết định tuyên bố một người mất tích, Tòa án còn phải quyết định áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người đó theo quy định của Bộ luật dân sự”.
Trong trường hợp nếu người bị Tòa án tuyên bố mất tích trở về hoặc người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật dân sự.
Đối với vụ việc nữ sinh đi giao gà ở Điện Biên, một luật sư đề nghị không nêu tên cho rằng thông tin một người vắng mặt ở địa phương không phải là thông tin về trọng án. Do đó, cơ quan pháp luật chỉ có thể áp dụng các quy trình về tìm kiếm.
"Cơ quan điều tra chỉ có thể áp dụng biện pháp điều tra vụ án khi có dấu hiệu về hình sự xảy ra, chẳng hạn như phát hiện thấy dấu hiệu nạn nhân bị bắt cóc. Còn với thông tin gia đình đưa ra là con gái không trở về, cơ quan công an cũng thể áp dụng các biện pháp điều tra hình sự ngay được" - vị luật sư này nêu quan điểm.