Nóng thực phẩm bẩnThực tế được chỉ ra trong cuộc họp cho thấy, năm 2013, 54 Chi cục An toàn thực phẩm trong cả nước thực hiện giám sát hơn 24.000 mẫu thực phẩm thì có tới 45,3% mẫu thực phẩm bị nhiễm bào tử nấm mốc, tỷ lệ nhiễm các vi khuẩn gây tả và ngộ độc thực phẩm cũng khá cao như nhiễm Coliforrms 26,5%, E.coli 18,4%, Pseudomonas aeruginosa 18%. Có tới 23% thực phẩm bị chiên rán qua dầu ôi khét, 12% mẫu nhiễm Cyclamete, 8,4% mẫu có hàn the, 7,9% có chất “chết người” Methanol và chất “ngâm xác” formol có trong 4% mẫu.
Các mặt hàng được tăng cường kiểm tra dịp Tết nguyên đán là bia rượu, bánh kẹo, thịt tươi sống, rau củ quả
Báo cáo của Bộ NNPTNT cũng cho thấy, vẫn còn tình trạng mẫu thủy sản nuôi nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt giới hạn tối đa cho phép (22/2.653 mẫu chiếm 0,8%). 2,1% mẫu thủy hải sản khô vượt chi tiêu hóa học về chất bảo quản, 5,3% mẫu thịt cá vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật và 10% thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh vật.
Theo ông Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế, nóng nhất năm nay chính là các vụ ngộ độc về rượu với 5/20 vụ ngộ độ tập thể, khiến 36 người phải nhập viện và 14 người tử vong. “Trung bình mỗi người dân Việt uống tới 5 lít rượu và 20 lít bia/năm. Nếu “văn hóa” uống rượu vẫn như hiện nay thì tình hình ngộ độc rượu vẫn khó giảm” – ông Long nhận định.
Tẩy chay thực phẩm “bẩn”
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh (thành viên Ban chỉ đạo liên ngành ATTP) gay gắt: “Thực phẩm bẩn là tác nhân của nhiều bệnh hiểm nghèo, là đầu độc sức khỏe, làm hại tính mạng con người nên cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn”. Theo Thứ trưởng Minh, với danh mục thuốc bảo vệ thực vật dài dằng dặc như hiện nay (800 hoạt chất và hơn 2.700 tên thương mại chưa kể danh mục các chất hạn chế và cấm sử dụng) thì việc kiểm nghiệm cũng khó. Vì vậy, Bộ NNPTNT cần hạn chế danh mục thuốc bảo vệ thực vật để dễ kiểm tra, kiểm soát hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Nhiều cử tri đã phàn nàn với tôi “không ăn cũng chết mà ăn thì chết dần chết mòn”. Tuy nhiên, giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn không phải chỉ một mình 3 bộ làm là xuể mà còn cần sự vào phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ khác, ban ngành khác.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, không nên cứ đến dịp tết lại tăng cường kiểm tra tràn lan, ngẫu hứng mà cần làm có trọng tâm, trọng điểm. Trong nhiều giải pháp đưa ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Cần tuyên truyền các cơ sở vi phạm để người dân biết và tẩy chay thực phẩm bẩn. Đó là hình thức xử phạt cao nhất, nếu doanh nghiệp không có khách hàng tự khắc dẫn đến triệt tiêu, tự đóng cửa”.