Lượng ít nhưng tỷ trọng xuất khẩu cao
Theo bản tin “Đầu tư nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam: Bức tranh thực trạng” do Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương nghiên cứu và công bố tại Hội thảo công bố báo cáo thường niên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam diễn ra chiều nay 21/2, tại Hà Nội, năm 1989, dự án FDI đầu tiên trong ngành gỗ đã xuất hiện, nhưng phải đến năm 2000 số doanh nghiệp FDI mới có sự tăng trưởng đáng kể.
Tính đến hết năm 2018, tổng số dự án FDI đăng kí trong ngành gỗ là 984 dự án. Tuy nhiên, đã có 117 doanh nghiệp đóng cửa. Số doanh nghiệp còn đang hoạt động là 867 đơn vị với tổng số vốn đăng ký đến hết năm 2018 khoảng 5,5 tỷ USD.
Doanh nghiệp FDI chiếm 47% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Ảnh: I.T
Các doanh nghiệp FDI có các hoạt động đa dạng, trong đó chủ yếu hoạt động trong mảng chế biến đồ gỗ xuất khẩu, tiếp đến là mảng công nghiệp phụ trợ và sản xuất ván. Trong số 867 doanh nghiệp FDI hiện đang hoạt động chỉ có 61% (529 doanh nghiệp) trực tiếp có hoạt động xuất khẩu.
Nói tới đầu tư FDI trong ngành gỗ, điểm dễ thấy là có sự mất cân đối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa. Cụ thể, ngay trong năm 2018, trong tổng số 3.200 doanh nghiệp ngành gỗ trực tiếp có các hoạt động xuất khẩu với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 8,47 tỷ USD, số doanh nghiệp FDI là 529, chiếm gần 20% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu và kim ngạch gần 4 tỷ USD, chiếm gần 47% trong tổng kim ngạch. Trong khi đó, trên 80% số doanh nghiệp Việt Nam lại chỉ chiếm khoảng 53% tổng kim ngạch xuất khẩu.
“Điều này cho thấy sự chênh lệch đáng kể giữa 2 nhóm. Sự chênh lệch này có lẽ phản ánh những khác biệt về một số khía cạnh giữa 2 nhóm, bao gồm quy mô vốn đầu tư, trình độ khoa học công nghệ, chất lượng lao động và tiếp cận thị trường xuất khẩu sản phẩm” - TS. Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trend đánh giá.
Chưa có cái bắt tay với DN nội
Một trong những kỳ vọng quan trọng nhất của Chính phủ trong việc thu hút vốn đầu tư FDI vào Việt Nam nói chung là thông qua môi trường thể chế và chính sách cởi mở, khối doanh nghiệp nội địa sẽ có được sự kết nối với khối doanh nghiệp FDI.
Kết nối này trong môi trường thông thoáng sẽ tạo ra luồng dịch chuyển chất lượng về trình độ khoa học công nghệ, năng lực quản lý, tiếp cận thị trường từ khối doanh nghiệp FDI sang khối doanh nghiệp nội địa, tạo đà cho các doanh nghiệp nội địa phát triển theo hướng hiệu quả, chất lượng và bền vững.
Xoáy sâu phân tích nội dung này, ông Phúc cho hay: “Các kết nối giữa các doanh nghiếp khối FDI và doanh nghiệp nội địa rất hạn chế. Đến nay hầu như không có sự chuyển dịch về khoa học công nghệ, vốn, trình độ sản xuất, quản lý, tiếp cận thị trường giữa 2 khối này”.
Một trong những vấn đề được đề cập, nhận được sự quan tâm tại hội thảo chiều ngày 21/2 còn là lo ngại về lợi ích thực sự của ngành gỗ thông qua kênh đầu tư FDI.
“Số lượng, quy mô vốn đầu tư và kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ sở hữu bởi các quốc gia thuộc thiên đường thuế như British Virgin Islands, Hồng Kông, Singapore và Samoa có thể là vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng và ngành gỗ cần có sự quan tâm sát sao hơn. Đầu tư FDI vào Việt Nam thông qua các thiên đường thuế đã làm phát sinh một số nghi ngại về lợi ích thực sự của hình thức đầu tư FDI theo kênh này”, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến cáo.
Một số chuyên gia nêu quan điểm: Động lực mở rộng đầu tư FDI trong ngành gỗ vẫn đang được duy trì. Tuy nhiên, trong thời gian tới, kỳ vọng đặt ra là Chính phủ sẽ thực sự có những thay đổi về các cơ chế chính sách về thu hút vốn đầu tư FDI, nhằm thu hút đầu tư về công nghệ cao, lao động chất lượng, nhấn mạnh vào hiệu quả giá trị gia tăng của vốn đầu tư…