Dân Việt

“Hai Phượng” khiến khán giả mãn nhãn với những pha hành động gay cấn

Thu Nga 22/02/2019 19:38 GMT+7
Bộ phim có cốt truyện không mới nhưng mang đậm tính nhân văn. Dù mang đến những pha hành động đẹp mắt nhưng bộ phim vẫn bị khán giả “nhặt sạn”.

Ngày 22.2, bộ phim “Hai Phượng” của đạo diễn Lê Văn Kiệt chính thức ra công chiếu tại các rạp chiếu phim trên toàn quốc. Đây là bộ phim đánh dấu trở lại của Ngô Thanh Vân với hình ảnh đả nữ và cũng là bộ phim hành động cuối cùng của cô.

img

Bộ phim kể về hành trình nghẹt thở, căng thẳng của bà mẹ đơn thân Hai Phượng khi phải đối đầu với cả một đường dây tội phạm bắt cóc và buôn bán nội tạng xuyên quốc gia để cứu đứa con gái bé bỏng tên Mai của mình. Để cứu được con, Hai Phượng chỉ có 14 tiếng đồng hồ, bất kỳ một sơ xuất nhỏ nào cũng sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của cô và bé Mai.

Xuyên suốt bộ phim là hình ảnh Hai Phượng với vẻ dữ dằn của kẻ chuyên đòi nợ thuê cùng bộ quần áo bà ba và đôi giày vải, cô đã khiến cho khán giả mãn nhãn với những pha hành động đa dạng. Lấy bối cảnh từ vùng quê sông nước miền Tây cho đến những con hẻm, hốc đen của TP.HCM, đạo diễn Lê Văn Kiệt cùng ê-kíp thực hiện bộ phim đã vô cùng khéo khi lồng ghép vào đó các pha hành động từ cận chiến, bắn súng đến truy đuổi, đu bám trên thành tàu.

img

Trích đoạn Hai Phượng vừa cưỡi xe máy, vừa quan sát bám theo chiếc ghe chở con gái được dàn dựng sống động. Cảnh vật vùng quê Nam bộ được lồng ghép khéo vào tình huống này. Các tình tiết trong phim diễn ra tương đối nhanh, tuy nhiên với dáng người mảnh mai, cân đối, “đả nữ” Ngô Thanh Vân đã tận dụng lợi thế linh hoạt của mình để thể hiện các thế đánh nhanh, dứt khoát mang đến cho người xem một cảm giác chân thực. Ngoài những tình tiết gay cấn, những cảnh đánh đấm nảy lửa, Hai Phượng còn mang đến nhiều cảm xúc tới khán giả. Những giọt nước mắt rơi cũng là lúc những phút giây lắng đọng xuất hiện.

Tuy vào vai người mẹ với hình ảnh nấu nướng vụng về, chân đấm tay đá, khuôn mặt lạnh lùng nhưng Ngô Thanh Vân vẫn lột tả được tình yêu thương Mai bằng qua những hành động tưởng chừng nhỏ nhặt, đơn giản nhất như: nấu cho bé những món thích ăn nhất, kiên nhẫn lắng nghe và trò chuyện cùng con. Thậm chí còn sẵn sàng bán đi đôi bông tai – món quà kỉ niệm mà cha đã tặng cho cô ngày bé để thực hiện ý tưởng nuôi “ké” bè cá của con gái mình.

Từ lúc con bị bắt đi cho đến khi kể lại câu chuyện với cô y tá, Hai Phượng không hề rơi nước mắt. Chỉ cho đến khi hoàn toàn bất lực, cô tìm đến anh trai với một chút tia hy vọng, một cánh tay giúp sức. Nhưng, thứ cô nhận lại sự ruồng rẫy, lúc này cô đã khóc như muốn vỡ òa. Nước mắt của sự dồn nén bấy lâu nay đã tuôn ra theo cách tự nhiên đã lay động rất nhiều trái tim.

img

“Hai Phượng” được đánh giá cao bởi nhịp phim và cách chuyển cảnh mang đậm phong cách phương Tây, diễn viên giàu kinh nghiệm, lột tả được tính cách và cảm xúc của nhân vật. Điểm trừ của bộ phim này là cốt truyện khá đơn giản và cách giải quyết, tháo gỡ tình tiết cũng vậy. Một văn bản hay bất kỳ giấy tờ quan trọng liên quan đến một chuyên án luôn được bảo mật thật kỹ, không thể ngang nhiên xuất hiện trên bàn. Hay phân cảnh một anh cảnh sát đi lấy thuốc cho Hai Phượng dù không biết cô đau ở vị trí nào. Những câu thoại đơn điệu, lặp đi lặp lại nhiều lần, đôi khi bị cường điệu lên và đưa vào những triết lý làm người xem đôi lúc khó chịu.

“Hai Phượng” đã có các suất chiếu sớm từ ngày 20.2 trước khi chính thức ra mắt. Bộ phim được dán nhãn C18 (không phù hợp khán giả dưới 18 tuổi).