Dân Việt

Chuyện tình ngọt ngào như mùa xuân của chàng Tây và cô gái Việt

24/01/2012 16:23 GMT+7
Quản Thị Hương và Keith, hai con người sinh ra ở hai đất nước cách nhau nửa vòng Trái đất. Nhưng, cuối cùng, họ đã tìm thấy nhau ở Việt Nam như là duyên trời định.

Anh có yêu em không?

Trước khi gặp Hương, Keith là tình nguyện viên dạy Tiếng Anh cho trại trẻ mồ côi ở Đà Nẵng. Năm 2009, Keith muốn “chuyển nhà” ra Hà Nội. Anh nhờ một người bạn tìm giúp ai đó ở “đầu cầu Hà Nội” mà anh cậy nhờ trong ngày đầu lạ nước lạ cái. Chàng trai cô đơn không thể biết câu chuyện đời anh, từ đó, đã bước sang một trang mới…

img

Quán Thị Hương chính là cô gái đã nhận lời giúp Keith. Trong thời gian 3 tháng đợi Keith thu xếp, hai người add nick và bắt đầu “màn chào hỏi” qua chat, facebook… “Tiếng Anh của tôi lúc đó kém lắm nên khi chát, tôi rất kiệm lời. Còn khi trả lời điện thoại của Keith, tôi “nghe mười hiểu một”. Vậy mà Keith không chán”.

Ngày đó, Hương đang làm bán thời gian cho một tổ chức phi chính phủ. Cứ 3 tháng một lần, cô lại bay vào TP HCM để tham gia khóa học nâng cao kiến thức. Đồng lương của Hương chỉ đủ mua vé máy bay qua lại giữa hai miền. Biết chuyện, Keith đặt vấn đề giúp Hương về tài chính để cô tập trung học tập. Tất nhiên là Hương không nhận nhưng cô cũng “cộng cho anh một điểm” vì có lòng tốt.

Keith chọn ra Hà Nội bằng tàu hỏa suốt 2 ngày để được “hóng” chuyện với người Việt hơn là đi máy bay chỉ trong hơn 1 giờ. Chẳng may chuyến tàu gặp bão, gần 10 giờ đêm Keith mới tới Hà Nội thay vì đến từ 8h sáng. Nhưng, Hương đã ở đó, kiên trì đợi để đưa anh về khu trọ dành cho các tình nguyện viên.

“Khi giáp mặt, mình thấy anh đúng là một ông Tây rau muống. Đồ đạc bị mắc lại trên tàu, Keith chỉ có độc bộ quần áo trên người. Thế mà anh vẫn nhớ “cắp nách” một chiếc chiếu và một chiếc mũ bảo hiểm”. Ở Việt Nam lâu ngày, Keith dân dã tới mức có thể “ngả đâu là nhà, ngã đâu cũng thành giường”…

Tốt nghiệp trường cao đẳng Y tế Hà Nội, Hương có mối quan tâm đặc biệt với những phụ nữ nghèo nhiễm HIV hoặc có con nhiễm HIV. Suốt 2 tuần sau đó, thay vì đưa Keith đến các địa danh nổi tiếng, Hương lại dẫn anh tới thăm các bệnh nhân HIV.

Hà Nội, từng bước, hiện lên trong Keith qua những mái nhà đơn sơ, những trung tâm nuôi dạy trẻ HIV/ AIDS nhưng ấm áp tình đồng loại. Từ Việt Nam, Keith gọi điện về cho mẹ, chia sẻ: Việt Nam đẹp và lạ lắm. Nhưng đẹp nhất là người con gái mà con mới quen…

Hương chẳng biết mình yêu Keith từ lúc nào. Chỉ biết sau đúng 2 tuần giáp mặt, một sáng, Hương đột nhiên gọi điện cho Keith, hỏi: Anh có yêu em không? Keith sững người, xấu hổ, miệng lắp bắp: “Anh sẽ… gọi lại cho em” rồi dập máy. Kỳ thực, Keith cũng có cảm tình với Hương nhưng anh không thể ngờ một người con gái Hà Nội lại mạnh bạo như vậy. Keith gọi điện qua hàng triệu km cầu cứu mẹ. “Cô ấy là một người phụ nữ đặc biệt và cô ấy đã làm đúng”, bà nói.

Yêu Việt Nam như anh yêu em

img

Keith “nhận lời” yêu Hương, đồng thời đề nghị cả hai sẽ làm đám cưới trong vòng 1 năm nữa. “Không, 1 năm là quá nhiều, chỉ 6 tháng là đủ”-câu trả lời cương quyết của Hương một lần nữa lại làm Keith… “sốc”.

Theo suy nghĩ của Hương, nam hay nữ đều bình đẳng, kể cả trong tình yêu. “Từ nhỏ, mình đặt ra 3 tiêu chuẩn bất biến và 15 tiêu chuẩn có thể thay đổi về người chồng tương lai. 3 bất biến là: anh ấy phải yêu con người thật của mình, phải xứng đáng là bố của con mình và có cùng đức tin với mình. Còn 15 tiêu chí “phụ” là cao, khỏe mạnh, yêu âm nhạc, thích hương thơm…”.

Gặp Keith, Hương ráp nối các “thông số” và tự tin nhận ra đó là một nửa của mình. “Keith xứng đáng là người cha tốt. Anh yêu trẻ con và có tấm lòng nhân ái. Keith có thể nô đùa với các trẻ HIV mà không sợ hãi, kỳ thị. Nhìn anh tận tình xúc cho trẻ ăn, thậm chí lấy chính mảnh áo của mình để lau nước mắt, mũi cho các bé, trái tim mình như vỡ ra vì… mừng. Nếu bị từ chối, mình sẽ kiên nhẫn chờ tới ngày Keith hiểu rằng, mình cũng chính là vợ của anh ấy”-Hương nhớ lại…

Nếu như cha mẹ Keith bằng lòng để con trai “lấy vợ đằng xa” thì ngược lại, ban đầu gia đình Hương kịch liệt phản đối. Họ sợ Keith sẽ mang Hương về Mỹ. Để nhận được cái gật đầu của bố mẹ Hương, Keith đã thuyết phục bằng câu nói thật giản dị: Con đã rất yêu VN - trước cả khi yêu Hương. Vì thế không có lý do gì để con rời Việt Nam cả.

Chúng tôi là một.. cặp vợ chồng bình đẳng

Gần 1 năm đã trôi qua kể từ khi đôi uyên ương làm đám cưới, “nhưng, hình như chúng tôi vẫn đang trong… tuần trăng mật”, Hương thú nhận. Khi Hương có bầu, Keith muốn cô nghỉ ở nhà để anh đi làm nuôi gia đình. Nhưng, không vì thế mà Keith coi thường vợ.

“Cô ấy là vợ chứ không phải là người giúp việc. Tôi cần phải tôn trọng cô ấy”- Keith luôn luôn công khai điều đó. Trước khi đi làm mỗi sáng (Keith là quản lý cho một trường mẫu giáo quốc tế ở Ciputra), Keith luôn dặn Hương phải nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Các việc khác như lau nhà, giặt quần áo, rửa bát… Keith đều “nhận về mình”. Em bé trong bụng Hương còn chưa chào đời nhưng Keith đã chuẩn bị tinh thần: “Tôi sẽ bận rộn lắm đây. Hương sinh con còn tôi nuôi con”.

“Tại Mỹ, nhiều phụ nữ đòi bình đẳng với chồng theo kiểu chồng đi thì vợ cũng đi. Trong khi đó, ở Việt Nam, người phụ nữ lại vâng lời chồng với mọi giá. Cả hai cách này tôi đều không đồng tình.”, Keith tâm sự và phân tích. Nếu cha mẹ cùng đi thì lấy ai trông con.

Tương tự, người đàn ông cũng không có quyền “đứng cao hơn” phụ nữ. Đối với tôi, bình đẳng là khi hai người cùng được đối xử như nhau, tôn trọng nhau và… nhìn nhau mà sống. Khi cả hai cố gắng làm tất cả cho nhau, chia niềm vui, san vất vả… thì đó chính là công bằng”.

Nhiều người nghĩ, lấy “chồng Tây” là đổi đời nhưng thực sự Hương và Keith đang sống rất tiết kiệm. Hàng tháng, hai vợ chồng chia tiền lương mà Keith kiếm được, bỏ vào từng chiếc phong bì nhỏ, mỗi phong bì chi cho một khoản riêng như tiền thuê nhà, điện, nước…

Quà ăn vặt, đồ trang trí và nhiều thứ khác, nếu không cần thiết đều bị Hương “cắt” khỏi danh mục chi tiêu. Nhưng, có một khoản hai vợ chồng không bao giờ “cắt” là trích ra 10% thu nhập/tháng để giúp đỡ những người khó khăn như phụ nữ, trẻ em, sinh viên nghèo….

Vì “nghĩa vụ cơm áo”, Keith không còn “rảnh rang” theo đuổi các công việc tình nguyện, cho dù lòng anh luôn mong ước. Nhưng, giảm không có nghĩa là không làm. Tuần một lần, thay vì đi dạy thuê ở các trung tâm ngoại ngữ, Keith và Hương dạy tiếng Anh miễn phí cho sinh viên nghèo ở đường Nguyễn Hoàng Tôn, Tây Hồ. Thi thoảng, Keith lại cùng vợ lên miền núi cao như Hà Giang, Lào Cai… để Hương chia sẻ với bà con dân tộc các kiến thức y học.

“Tôi thuộc về nơi này”- Keith nói.

Theo Phụ nữ Thủ đô