Nữ diễn viên Kim Nam Joo từng là đề tài chỉ trích của dư luận Hàn Quốc khi công khai chuyện sửa nhan sắc
Cách đây khoảng 20 năm, khi nữ diễn viên Kim Nam Joo của Hàn Quốc công khai chuyện mình từng “đập mặt xây lại” để có được ngoại hình xuất sắc, cô đã nhận phải không ít lời xì xèo công chúng. Bởi với người dân Hàn Quốc ở thời điểm ấy, vẻ đẹp tự nhiên vẫn là thứ họ tôn sùng. Vậy nên sự dị ứng của họ với bất cứ mỹ nhân nào động chạm đến “dao kéo” là điều dễ hiểu.
Nhưng 20 năm sau, tình thế đã thay đổi. Từ một đất nước e dè với chuyện thẩm mỹ, Hàn Quốc trở thành điểm đến yêu thích của phái đẹp trên khắp thế giới khi muốn tìm những địa chỉ chỉnh hình với giá cả phải chăng và chất lượng vượt trội.
Song cũng chính trào lưu thẩm mỹ tại xứ kim chi đã khiến đất nước này đối mặt với một thực tế: Có quá nhiều người sở hữu ngoại hình xinh đẹp nhưng giống nhau như đúc, như thể từ cùng một khuôn mà ra.
Những cuộc thi nhan sắc khiến người hâm mộ đau đầu, mỏi mắt
Vài năm trở lại đây, cứ mỗi dịp cuộc thi nhan sắc danh giá nhất xứ củ sâm - Hoa hậu Hàn Quốc diễn ra là một dịp dân tình được phen đau đầu, mỏi mắt, đơn giản vì lẽ ra phải là cuộc thi tập hợp những nhan sắc ấn tượng, nổi trội nhất trong nước thì các thí sinh giờ đây lại toàn những gương mặt na ná nhau. Cô nào cô nấy da trắng, mũi cao, mắt to, miệng chúm chím, đến cả cách trang điểm cũng từa tựa, đến nỗi khiến khán giả nhầm tưởng là chị em sinh đôi, sinh ba, sinh nhóm nếu như ban tổ chức không chú thích thông tin khác nhau của từng người.
Nguyên do dẫn đến việc này có lẽ chỉ gói gọn trong hai chữ: dao kéo! Chính dao kéo chứ không phải thứ gì khác đã khiến các cô gái, dù đại diện cho một cuộc thi nhan sắc tầm cỡ nhưng lại chẳng ai nhận ra nổi một nét riêng biệt. Nên trong mắt công chúng Hàn Quốc giờ đây, ai đăng quang ngôi Hoa hậu, Á hậu cũng chẳng còn quan trọng, vì rốt cuộc thì người thắng cuộc hay thua cuộc có điểm gì khác nhau đâu?
Sự ra đời của những “mỹ nhân Gangnam”
Cùng với sự phát triển của ngành thẩm mỹ, chuyện chỉnh sửa nhan sắc tại Hàn Quốc từ chỗ bị coi rẻ, là chuyện đáng xấu hổ và phải giấu giếm nay trở thành “món quà” mà nhiều phụ huynh dành tặng cho con gái khi họ đủ tuổi lên bàn mổ.
Nếu ai đã từng theo dõi bộ phim “Mỹ nhân Gangnam” chắc biết điều này, khi mà nhân vật chính Kang Mi Rae, vốn là một cô gái với ngoại hình trung bình, sau khi tốt nghiệp trung học đã được mẹ đầu tư cho một số tiền lớn để chỉnh sửa khuôn mặt và trở thành mỹ nhân tại trường đại học. Tên của bộ phim đồng thời cũng là một thuật ngữ nhạy cảm ở Hàn Quốc, ám chỉ những người đẹp với nhan sắc nhân tạo, được nhào nặn từ đôi bàn tay của các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở khu Gangnam, nơi ước tính có tới 500 phòng khám, thực hiện gần một triệu cuộc phẫu thuật mỗi năm.
Một cuộc khảo sát năm 2015 của Gallup Korea cũng cho thấy cứ 3 người phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19-29 thì có một người từng phẫu thuật thẩm mỹ. Thẩm mỹ giờ đây với người Hàn trở nên phổ biến và nhẹ tênh đến nỗi các cô gái coi việc đi làm mắt chỉ như…trang điểm.
Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc vào cuộc
Theo Mydaily, Bộ bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc (MOGEF) mới đây đã gửi công văn tới các đài truyền hình, yêu cầu người tham gia các show truyền hình nên có ngoại hình đa dạng thay vì na ná nhau, khó nhận biết. Cũng theo cơ quan này, trong nhiều chương trình âm nhạc, ngoại hình các thần tượng trông chẳng khác nhau là mấy. Ai nấy đều da trắng, dong dỏng, trang điểm và làm tóc cùng một kiểu. Đến cả phần phục trang cũng tương đồng.
Dù vấp phải nhiều tranh cãi và đã phải rút lại đề nghị trên song hành động của MOGEF cho thấy Hàn Quốc đã ở vào thời điểm đáng báo động, khi mà giới trẻ đều bị ám ảnh bởi cái gọi là “vẻ đẹp chuẩn” và đổ xô đi gặp bác sĩ chỉnh hình, dẫn đến hậu quả là cả một thế hệ với vẻ ngoài y chang nhau, đẹp thì đẹp đấy nhưng đơ cứng, vô hồn và không ai còn nhận ra nữa.
Nỗi ám ảnh mang tên “thẩm mỹ” và hậu quả
Năm 2016, một bộ phim ngắn của Hàn Quốc có tên Human Form (Tạm dịch: Hình dạng con người) đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dùng mạng toàn cầu ngay sau khi ra mắt.
Phim kể về Inhyung, một nữ sinh có khuôn mặt ưa nhìn nhưng sống trong một gia đình mà ai ai cũng từng trải qua dao kéo đến nỗi cô bé cũng bị ám ảnh theo và muốn được sở hữu mặt V-line, mắt to, mũi cao như mẹ và chị.
Một ngày kia, khi giao phó gương mặt cho một cơ sở thẩm mỹ chui, Inhyung đã phải trả giá bằng chính tính mạng của mình ngay trên bàn phẫu thuật. Nhưng đáng buồn và ám ảnh hơn cả là khi cơ sở kia gửi một cô gái xa lạ nhưng có vẻ bề ngoài na ná Inhyung tới nhà của cô, chẳng có ai nhận ra sự vắng mặt của con gái và vẫn điềm nhiên ngồi ăn với người lạ kia như bình thường…
Nỗi ám ảnh về những gương mặt vô hồn, giống nhau như cùng một khuôn “đúc” ra đối với khán giả có thể kết thúc ngay khi bộ phim kể trên khép lại. Nhưng với những người đã trót dành cả đời mình để chạy theo những tiêu chuẩn vẻ đẹp do xã hội, do các cơ sở thẩm mỹ tạo dựng nên thì nỗi ám ảnh mới chỉ thực sự bắt đầu khi họ bước lên bàn phẫu thuật.
Kylie Jenner tạo nên một đế chế mỹ phẩm tỷ đô nhờ một sự cố khi hôn.