Dân Việt

Chu Du: Một đời tài trí, ngàn năm hàm oan

Tầm Hoan 24/02/2019 12:32 GMT+7
Chu Du là danh tướng thời Tam Quốc. Trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, nhân vật Chu Du xuất hiện từ hồi 15 đến hồi 56. Tuy nhiên, do lấy Thục Hán làm chính thống, La Quán Trung đã có rất nhiều tình tiết mô tả Chu Du sai khác hoàn toàn với con người thật của ông trong lịch sử.

Hình tượng Chu Du dưới ngòi bút của La Quán Trung dù vẫn được thừa nhận là nhà quân sự đại tài nhưng lại có lòng dạ hẹp hòi, sẵn tính đố kị. Thêm nữa, do muốn đề cao Gia Cát Lượng nên Chu Du - nhân vật quan trọng nhất làm nên thắng lợi Xích Bích - đã bị hạ thấp vai trò một cách quá đáng.

img

Chu Du là danh tướng thời Tam Quốc nhưng lại bị La Quán Trung hạ thấp thậm chí bôi bác trong tiểu thuyết "Tam quốc diễn nghĩa"

Chu Du bị La Quán Trung bôi bác quá đáng

Một số tình tiết La Quán Trung viết trong tiểu thuyết như: “Chu Du bị Gia Cát Lượng khích bác nguy cơ mất người vợ đẹp (Tiểu Kiều) về tay Tào Tháo khiến ông nổi giận quyết đánh Tào”; “Chu Du nhờ Gia Cát cầu gió đông nhờ vậy mới dùng được kế hỏa công trong trận Xích Bích”; “Chu Du bị gia Cát Lượng ba lần chọc giận tức hộc máu mà dẫn tới cái chết”; chuyện năm lần bảy lượt dùng mưu giết Gia Cát Lượng vì đố kỵ tài năng hay thậm chí câu than đầy oán hận trước khi chết “Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng”... tất cả đều là hư cấu.

Trong bộ "Tướng soái cổ đại Trung Quốc" của các tác giả Trịnh Phúc Điền, Khả Vĩnh Tuyết và Dương Hiệu Xuân có ghi: "ngoài trừ tài trí thực sự của Chu Du, tất cả những gì La Quán Trung viết về Chu Công Cẩn chỉ là để phục vụ cho lý tưởng riêng của ông ta, hoàn toàn không đáng tin cậy”.

img

Tài trí và đức độ của Chu Du bị La Quán Trung hạ thấp để đề cao Gia Cát Lượng

Chu Du có thật trong lịch sử và theo những ghi chép của chính sử, dĩ nhiên là một người hoàn toàn khác với nhân vật Chu Du trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Chu Du (175 - 210), tự Công Cẩn, đương thời gọi Chu Lang, là danh tướng và khai quốc công thần của Đông Ngô thời Tam Quốc. Ông là một nhà quân sự tài ba, chuyên về thủy chiến, chức vụ Đại đô đốc.

Chu Du nổi tiếng với chiến thắng ở Trận Xích Bích trước quân Tào Tháo, là trận chiến lớn nhất thời Tam Quốc. Sau trận Xích Bích - bước ngoặt quan trọng của thời đại này, cục diện Tam Quốc mới hoàn toàn phân định. Việc Chu Du được xếp trong hàng ngũ những danh tướng bậc nhất lịch sử Trung Quốc, là điều được sử sách ghi nhận.

Chu Du có thật là người tài đức vẹn toàn

Chu Du sinh ra và lớn lên tại huyện Thư, quận Lư Giang. Lư Giang thuộc vùng Hoài Nam của Trung Nguyên, nhưng rất gần đất Ngô Việt (ngày nay là Thư Thành, An Huy). Gia đình Chu Du đều là danh sĩ, cha ông là Chu Dị từng làm quan huyện lệnh Lạc Dương.

Chu Du tuổi trẻ tài cao, nổi tiếng đẹp trai ở Giang Đông. Tam quốc chí chép rằng " Chu Du khôi ngô hùng vĩ, dung mạo tuyệt đẹp" và còn chú thêm "người Giang Đông gọi ông là Chu Lang. Lang là chỉ người đàn ông anh tuấn, kêu bằng Lang là để tán dương vẻ đẹp của người được gọi. Giang Đông chỉ có hai người được gọi là Lang: Chu Du và Tôn Sách". 

img

Tạo hình của Chu Du trong phim truyền hình Tân Tam Quốc 2010

Chu Du là người có chí lớn, phong độ hơn người, cử chỉ đĩnh đạc được coi là chính nhân quân tử bậc nhất Đông Ngô. Ông đối đãi với mọi người rất khiêm tốn, lễ phép và thường lấy đức để thu phục mọi người. Thời Tôn Sách còn sống, Tôn Quyền còn trẻ và không được các tướng lĩnh xem trọng nhưng Chu Du vẫn một mực giữ phép tắc. Trình Phổ lớn tuổi hơn Châu Du và tỏ thái độ bất mãn khi Du có chức vụ cao hơn, nhưng Du không câu chấp, bỏ qua lỗi của Phổ khiến lão thần này về sau tuyệt đối khâm phục.

Sau trận Xích Bích, Chu Du và người bạn thân Lỗ Túc có mâu thuẫn sâu sắc trong việc chủ đánh và chủ hòa tập đoàn Lưu Bị. Nhưng trước khi chết, “Đề cử Lỗ Túc thay mình giữ chức Đại đô đốc Đông Ngô” là việc quan trọng đầu tiên Chu Du viết trong thư gửi Tôn Quyền. Nếu Du là kẻ lòng dạ hẹp hòi thì thiên hạ ai dám nhận mình rộng lượng?

Không chỉ Tôn Quyền, ngay cả Lưu Bị cũng rất khâm phục tài năng của Chu Du. Trong ghi chép của Tam Quốc Chí, Lưu Bị từng nói về Chu Du thế này: “Công Cẩn văn vở sách lược, vạn người không bì kịp”. Trong lịch sử, Gia Cát Lượng chưa từng một lần chọc tức Chu Du và Du cũng chẳng hận Lượng đến mức thổ huyết mà chết.

Một Chu Du được sách sử nhận định là “tài trí, đức độ lại rộng lượng và khí phách hơn người” nhưng lại bị coi là biểu tượng của lòng hẹp hòi, đố kỵ - tất cả chỉ bởi ảnh hưởng quá lớn của tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, đấy quả thực là nỗi oan khuất ngàn năm vậy!

img

Mâu thuẫn về sách lược chính trị với Lỗ Túc nhưng trước khi chết Chu Du vẫn đề cử Lỗ Túc làm Đại đô đốc thay mình

Tầm nhìn quân sự của Chu Du

Năm 2008, Tào Tháo chiếm được Kinh Châu, lấy danh nghĩa Hán đế dụ hàng Tôn Quyền. Lưu Bị cũng cho sứ giả cầu cứu. Chu Du đã phân tích cho Tôn Quyền tình hình chiến lược như sau:

Địa thế: Đất Ngô có sông bao bọc. Tào Tháo không có thủy quân giỏi. Tình thế: Tào Tháo chưa bình định xong vùng Tây Lương, không thể ở lâu. Thời thế: Đang là mùa đông, đất Ngô khí hậu ẩm ướt, quân phương Bắc sẽ sinh bệnh.

Sau đó, Chu Du hợp quân với Lưu Bị, dùng liên hoàn kế (Hỏa công và Hoàng Cái trá hàng) đại thắng quân Tào trong trận Xích Bích, thắng lợi đưa tên tuổi Chu Du vào hàng ngũ những danh tướng bậc nhất lịch sử Trung Quốc.

Đức độ của Chu Du

Năm 209, sau thất bại Xích Bích, Tào Tháo sai Tưởng Cán – vốn là bạn cũ của Chu Du đến dụ hàng ông. Dù Tưởng Cán đóng vai kẻ sĩ nhàn tản đến gặp với tư cách bạn bè, Chu Du vẫn nhận ra dụng ý ngầm. Ông hậu đãi Tưởng Cán mấy ngày rồi nói thẳng quan điểm của mình không bao giờ thay lòng đổi dạ, tuyệt đối trung thành với nhà Tôn. Tưởng Cán biết không thể dụ được ông, đành quay về báo lại cho Tào Tháo. Các danh sĩ Giang Đông vì vậy càng thêm phần kính phục Chu Du.

Tài hoa của Chu Du

Chu Du có đầy đủ khí chất cao thượng, tài hoa. Ông rất chú ý trau dồi nhân phẩm, am hiểu nghệ thuật, nhất là âm nhạc. Ngay cả khi rượu đã 3 tuần, tức đã ngà ngà say, ông vẫn chỉ ra nốt nhạc đánh sai trong dàn nhạc cung đình. Đương thời lưu truyền câu vè nổi tiếng về tài hoa âm nhạc của Du thế này: "Khúc hữu ngộ, Chu Lang cố" (khi nốt nhạc đánh sai, Chu Lang liền ngó về phía đó).