Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị du lịch Thủy Tú (tại TP Đà Nẵng) được cấp giấy phép vào tháng 11.2007 với tổng vốn đầu tư hơn 458 tỷ đồng do Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển DN (FBS, chi nhánh của tập Gami Group ở Hà Nội) làm chủ đầu tư.
Nhưng sau 12 năm “đắp chiếu”, vừa qua (11.2.2019), Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký Quyết định chủ trương đầu tư dự án trên bất ngờ tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1.800 tỷ đồng (gần 4 lần ban đầu) khiến dư luận xôn xao. (Đây là hình ảnh khu vực giai đoạn I gồm nhà ở hình thành trong tương lai và chuyển quyền sử dụng đất).
Theo phê duyệt trên, dự án Khu đô thị du lịch Thủy Tú có diện tích 598.654m2, chia làm các khu chức năng: Đất ở chia lô, đất xây dựng biệt thự, đất công trình công cộng, đất thương mại dịch vụ, đất hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh, mặt nước, đất công viên giải trí, đất miếu hiện trạng, đất giao thông, mương kỹ thuật, đất công trình hạ tầng kỹ thuật.
Trong đó, đất ở 203.760m2 (tỷ lệ 34,04%) gồm đất ở chia lô 50.346m2 (8,41%), đất ở xây dựng biệt thự 153.414m2 (25,63%); đất công trình công cộng (1,44%); đất công trình thương mại dịch vụ (4,09%); đất cây xanh, mặt nước (34,45%)…
Cũng theo quyết định phê duyệt do Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển DN (FBS, chi nhánh của tập Gami Group ở Hà Nội) làm chủ đầu tư, chấp thuận điều chỉnh mục tiêu, quy mô, tăng tổng vốn đầu tư lên 1.823 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Đà Nẵng cho biết, tăng vốn là vì dự án làm thêm một số hạng mục, ví dụ như làm lại cầu dẫn vào dự án nên giá thành đội lên. Cộng thêm đó, các hạng mục hạ tầng cũng đội vốn vì tiền vật liệu, nhân công tăng cao so với cách đây 10 năm.
Cũng theo lãnh đạo Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án Thủy Tú đã có giải trình đầy đủ, chi tiết kèm theo hồ sơ dự án. Sở KH&ĐT đã xem xét rất kỹ lưỡng những điều chỉnh của dự án và xét thấy hợp lý mới chấp thuận và đề nghị TP cấp chủ trương đầu tư.
Theo ghi nhận PV, giai đoạn 2 của dự án Thủy Tú đang tiến hành san lấp mặt bằng.
Như vậy, sau hơn 1 thập kỷ không thể thực hiện xong dự án Khu đô thị du lịch Thuỷ Tú nhưng chủ đầu tư đã liên tiếp được phê duyệt điều chỉnh. Đặc biệt, trong lần tăng vốn khủng gấp 4 lần (tới gần 2.000 tỷ đồng) đang khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về việc, chủ đầu tư có phải đang hợp tác với đơn vị nào khác không. Và với số vốn đầu tư trên, chủ đầu tư có thể huy động được không, hay lại để dự án bỏ hoang.
Theo tìm hiểu của của PV, Công ty CP Tài chính và Phát triển doanh nghiệp (FBS) là chi nhánh của tập Gami Group. Doanh nghiệp này có địa chỉ tại số 11 đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội. Tại Hà Nội, Gami Group còn dính đến lùm xùm tương tự ở dự án Hanoi WestGate (tên cũ là Khu đô thị và dịch vụ phía Tây Quốc Oai) nằm trên địa bàn huyện Quốc Oai, dọc Đại lộ Thăng Long. Dự án Hanoi WestGate được Hà Nội giao đất năm 2008 thuộc thị trấn Quốc Oai và xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai. Tháng 10/2013, UBND TP Hà Nội mới cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tiến độ thực hiện dự án là 5 năm, tổng vốn đầu tư hơn 2.970 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay thời hạn đã vượt quá 5 năm nhưng dự án vẫn "án binh bất động", chỉ là một khu đất hoang, cỏ mọc um tùm, gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân địa phương. |