Việc đảm bảo đầu ra, siết chặt đầu vào có giải quyết được vấn đề về chất lượng, thừa thiếu GV hiện tại không, thưa ông?
Theo tôi, đạo đức và trình độ của GV là hai việc cần phải liên tục được quan tâm, kiểm tra, bồi dưỡng. Bởi hai yếu tố này sẽ hình thành nên chất lượng của GV. Thời gian vừa qua, nhiều vụ việc có liên quan tới sự sa sút của chất lượng GV nói chung và đạo đức nhà giáo nói riêng đã làm ảnh hưởng tới uy tín của ngành giáo dục. Vì vậy, tôi thấy rằng việc liên tục thảo luận các biện pháp để tăng cường chất lượng của đội ngũ GV là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện tại.
Tuyển sinh ngành sư phạm bây giờ cần phải có những tiêu chí riêng, bởi đặc thù nghề nghiệp ngành này càng ngày càng thay đổi. Điều tôi thấy bất ổn nhất trong việc đào tạo sinh viên sư phạm ở nước ta hiện nay đó là đào tạo tràn lan, nhưng ra trường thì sinh viên không có việc làm. Do sự thay đổi về môi trường, yêu cầu tuyển GV cũng khắt khe hơn, các sinh viên tốt nghiệp ra trường lại phải làm ngành nghề trái với những gì được đào tạo.
Đối chiếu với thời điểm trước đây khi ngành giáo dục còn “nóng”, nhiều người vẫn rất tâm huyết khi thi tuyển vào ngành sư phạm bởi đầu ra của họ được đảm bảo, dễ dàng xin việc, cơ hội làm việc cao hơn. Vì vậy, việc đảm bảo đầu ra không phải là giải pháp toàn diện trong việc giải quyết thừa thiếu cục bộ, chất lượng GV trên cả nước nhưng nó là một yếu tố vô cùng quan trọng.
Ngày hội việc làm tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. ảnh: VIỆT NGA
- Theo ông vai trò của Bộ GDĐT và các cơ quan chức năng như thế nào trong việc này thế nào?
Ý kiến tuyển sinh ngành sư phạm cũng giống như quân đội là rất hay, tức là nhu cầu tuyển dụng gắn liền với công tác đào tạo. Cần bao nhiêu thì đào tạo bấy nhiêu, thiếu chỗ nào thì cử người đi chỗ đó. Tuy nhiên, Bộ GDĐT và địa phương phải thể hiện rõ được vai trò của mình.
Cụ thể, Bộ GDĐT cần phải thể hiện được khả năng bao quát, kiểm định được chất lượng đào tạo đối với sinh viên ngành sư phạm. Đầu vào rất tốt rồi, nhưng đào tạo làm sao để đầu ra có những GV giỏi lại là một quá trình đòi hỏi một kế hoạch dài hạn. Bộ có thể nắm vai trò là đơn vị chủ quản đào tạo, hoặc có thể “khoán” cho địa phương tự cung cấp con số GV cần, rồi tự đào tạo sau đó Bộ GDĐT chỉ việc kiểm tra các khâu đầu vào, đầu ra. Phương án này có một điều hay đó là sinh viên ở tỉnh nào sẽ tốt nghiệp, làm việc ở tỉnh đó, nếu thiếu thì mới điều từ tỉnh khác sang.
- Nhiều ý kiến cho rằng lương thấp không đủ sống của GV khiến việc tuyển sinh ngành sư phạm khó khăn, GV không yêu nghề?
Chất lượng của GV theo tôi không phụ thuộc vào thu nhập. Nhiều ý kiến cho rằng nghề giáo thua kém về thu nhập so với nhiều nghề khác nhưng lương GV trên toàn thế giới cũng như vậy. Đã là GV thì khó có thể giàu được như người làm kinh doanh.
Theo tôi, mỗi người có vai trò và vị trí riêng trong xã hội, nếu anh muốn làm giàu thì có thể nghỉ dạy học để làm nghề khác, đâu có ai ép được đâu. Còn ai yêu nghề, có khả năng theo đuổi thì tôi tin rằng lương GV hiện tại vẫn đủ sống.
Xin cảm ơn ông!