Trong không khí mừng Đảng, mừng xuân Kỷ Hợi 2019, kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2019) và các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ và đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La (07.5.1959 - 7.5.2019), chiều ngày 26.2, Thường trực tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức gặp mặt, tọa đàm với các nhân chứng lịch sử được gặp Bác Hồ và những cán bộ, giáo viên miền xuôi lên công tác tại Sơn La năm 1959.
Bà Bế Thanh Súy - cô gái mặc bộ áo cóm, đội khăn Piêu đứng trên lễ đài cạnh Bác Hồ trong lễ mít tinh ở huyện Thuận Châu năm 1959.
Các nhân chứng lịch sử từng được gặp Bác Hồ nay đã trở thành những cụ ông, cụ bà.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, tọa đàm với các nhân chứng lịch sử được gặp Bác Hồ, ông Nguyễn Đắc Quỳnh - Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, cho biết: Hôm nay, trong không khí trang trọng và ấm áp tình nghĩa, chúng ta cùng hướng về sự kiện Kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Sơn La - Tây Bắc. Chúng ta xúc động khi được gặp các đồng chí là những nhân chứng lịch sử được gặp Bác Hồ năm 1959 và những cán bộ, giáo viên miền xuôi đã có một thời cống hiến cho sự nghiệp trồng người tại Sơn La.
"Tại buổi gặp mặt hôm nay có hơn 70 đồng chí là nhân chứng lịch sử được gặp Bác Hồ và gần 30 thầy giáo, cô giáo thế hệ năm 1959, hiện đang sinh sống tại các tỉnh miền xuôi và tại Sơn La. Sự có mặt của các ông, bà, các bác hôm nay đã thể hiện tình cảm yêu quý mà các bác, các thầy, cô giáo đã dành cho Bác Hồ và tỉnh Sơn La - Tây Bắc, sau 60 năm vẫn vẹn nguyên và ngày càng sâu nặng" - ông Quỳnh cho hay.
Văn nghệ chào mừng buổi gặp mặt các nhân chứng lịch sử được gặp Bác Hồ năm 1959 ở huyện Thuận Châu.
Theo vị lãnh đạo Tỉnh ủy, các thầy giáo, cô giáo và nhiều nhân chứng lịch sử được chứng kiến giờ phút lịch sử khi Bác Hồ đến với Sơn La đã không ngừng hy sinh, phấn đấu, vượt qua thử thách, khó khăn, vất vả "nơi rừng thiêng, nước độc" trở thành những tấm gương sáng của tinh thần "tình nguyện, xung phong", của quyết tâm và nghị lực "đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn", nhưng trên hết là cả những tình cảm, tâm huyết mà thế hệ các nhà giáo năm 1959 đã mở ra những trang đầu tiên cho sự nghiệp phát triển văn hóa giáo dục, là tấm gương sáng của sức mạnh đoàn kết, của nghị lực phấn đấu, không ngại gian khổ, cống hiến hết mình cho sự phát triển của Sơn La - Tây Bắc.
Đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La bày tỏ lòng tri ân, sự trân trọng, ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các đồng chí và của thế hệ thầy cô giáo, thế hệ mở đầu cho "xung phong, tình nguyện" của nhiều lớp cán bộ sau này, những giáo viên, bác sỹ, kỹ sư đã tận tụy hi sinh, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh nhà.
Bà Quàng Thị Ín (87 tuổi), ở bản Nà Khái (xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), chia sẻ: Tháng 5.1959, Bác Hồ đến tham dự mít tinh của huyện Yên Châu. Lúc đó tôi khoảng 18 tuổi, chỉ được đứng từ xa và nhìn thấy Bác đang được bà con tặng khèn, khăn Piêu...
"Thực hiện lời dạy của Bác, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Người, Đảng bộ và nhân dân Sơn La nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, hoàn thiện hạ tầng cơ sở KT-XH, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; phấn đấu xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc" - ông Quỳnh bày tỏ.
Bà Bế Thanh Súy - người đã vượt hàng trăm cây số từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Sơn La tham dự buổi gặp mặt, tọa đàm với các nhân chứng lịch sử được gặp Bác Hồ.
Bà Bế Thanh Súy - người có dịp được tặng hoa cho Bác Hồ trong Lễ mít tinh ở huyện Thuận Châu năm 1959, đã vượt hàng trăm cây số từ thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến tham dự buổi giao lưu, tọa đàm nhớ lại: Lúc đó tôi mới 13 tuổi, đang học ở Trường thị trấn Thuận Châu. Hôm đó, cô giáo đưa cho chúng tôi mỗi người một bó hoa nhưng vẫn không biết sẽ được gặp Bác Hồ. Tiếp đó, được cô giáo dẫn ra Lễ mít tinh và nói đi đón Bác nên tôi mới biết là mình sắp được gặp Bác Hồ, nhưng trong đoàn đại biểu lúc đó rất đông nên tôi cũng chưa biết ai là Bác Hồ kính yêu của chúng ta vì chưa được gặp Bác bao giờ cả. Đến khi cô giáo nói và chỉ cho tôi là con sẽ được tặng hoa cho Bác. Lúc đó tôi rất sung sướng và chạy đến ngay cạnh và tặng hoa cho Bác. Bác hỏi tôi, cháu dân tộc gì, tôi thưa Bác cháu dân tộc Thái ạ! Bác nói, dân tộc Thái hát hay, múa giỏi lắm đấy. Thế cháu có thích học múa không? Tôi trả lời, cháu có ạ. Đó cũng là cơ duyên đưa tôi trở thành một trong những học viên của Trường múa Việt Nam.