Vào Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2), Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cùng các Bộ, ngành liên quan tổ chức phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam.
Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 2.9.2018 nhằm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ Phát động.
Phát động kêu gọi toàn dân thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi người dân hãy duy trì lối sống, hành vi lành mạnh để bảo vệ sức khỏe bản thân và các thành viên trong gia đình, cụ thể như: Tăng cường vận động, đi bộ, đi xe đạp, tập thể dục, thể thao; Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia; Có chế độ ăn uống hợp lý, giảm ăn muối, giảm đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây; Khám sức khỏe định kỳ...
"Đúng như lời Bác Hồ đã kêu gọi: "Tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được" và “mỗi một người dân mạnh khỏe tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe". Việc luyện tập nâng cao sức khỏe là hành động thiết thực, có ý nghĩa khi năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Lễ phát động Chương trình sức khỏe Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân đang gặp phải những khó khăn và thách thức rất lớn, cần phải giải quyết đồng bộ, hiệu quả. Thói quen và tâm lý người dân Việt Nam là chỉ quan tâm đến sức khỏe khi có bệnh tật, chưa chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe ngay trong cuộc sống hàng ngày.
Đại diện Tổ chức Y tế thế giới và 3 Bộ cùng cổ động trong Chương trình sức khỏe Việt Nam.
Bên cạnh việc luôn luôn phải chủ động phòng, chống các bệnh, dịch truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, Việt Nam còn phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… là nguyên nhân của hơn 70% số trường hợp tử vong mỗi năm.
Tới tham dự lễ phát động, ông Park Hang Seo - Huấn luyện viên Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam đã chia sẻ về kinh nghiệm nâng cao sức khỏe của bản thân. Theo ông Park: "Muốn có thể lực bền, khỏe, người dân cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng và chế độ luyện tập phù hợp. Hy vọng với sự thành công của Chương trình Sức khỏe Việt Nam và sự tham gia nhiệt tình bền bỉ của người dân, trong tương lai Việt Nam sẽ có nhiều cầu thủ có sức khỏe tốt, thực hiện giấc mơ World Cup trong tương lai". |
Tới tham dự lễ phát động, ông Park Hang Seo - Huấn luyện viên Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam (ngoài cùng bên trái) cùng đạp xe để cổ động cho Chương trình Sức khỏe Việt Nam.
"Chúng ta thiếu nguồn lực để chăm sóc sức khỏe cho hơn 95 triệu người dân Việt Nam, ngân sách Nhà nước của Trung ương và địa phương còn hạn chế. Quỹ bảo hiểm y tế mới chi trả cho khám và điều trị bệnh, không đủ để chi trả cho các hoạt động dự phòng, chăm sóc sức khỏe", Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Bà Thái Hương, Nhà sáng lập và tư vấn đầu tư của Tập đoàn TH, Chủ tịch Quỹ Vì tầm vóc Việt trao tặng 1 triệu ly sữa học đường (trị giá 8 tỷ đồng) cho Bộ GDĐT theo Chương trình Sữa học đường Quốc gia.
Chương trình Sức khoẻ Việt Nam đặt nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó đến năm 2025 và 2030, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi còn lần lượt là dưới 20% và dưới 15%; tăng chiều cao trung bình của thanh niên (18 tuổi) lên mức 167cm và 168,5cm (với nam), 156cm và 157,5cm (với nữ); giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành xuống 37% và 32,5%... Chương trình có sự phối hợp của cả 3 Bộ: Bộ Y tế, Bộ VHTTDL và Bộ GDĐT.
Lễ Phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam sẽ được kết nối trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Tại sự kiện, nhiều hoạt động được diễn ra đồng thời tại tất cả các điểm cầu trên toàn quốc như: Tổ chức đo huyết áp, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm nhanh đường máu và tư vấn sức khỏe để tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe phát hiện sớm bệnh tật; Tổ chức chương trình tập thể dục trực tuyến tại các điểm cầu và đi xe đạp, đi bộ diễu hành để quảng bá, hưởng ứng phong trào toàn dân tăng cường vận động thể lực nâng cao sức khỏe. |