Anh Phạm Hoài Nam (38 tuổi, là một thợ xăm ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) cho biết, ngoài việc làm thợ xăm ở tiệm thì vào các dịp lễ, Tết anh cùng nhiều cộng sự khắc họa lên dưa hấu để kiếm sống.
Anh Nam cho rằng, việc khắc hình, chữ lên dưa hấu dễ hơn so với khắc lên gỗ. Tuy nhiên, để học được nghề này tốn rất nhiều thời gian, phải chăm chỉ và chịu khó. Để chạm khắc được những hình hoa văn cầu kỳ, trung bình một người thợ phải mất hơn 30 phút mới hoàn thiện.
“Đầu tiên, phải tập vẽ phác họa sau đó cắt tỉa bằng dao. Đây là công đoạn khó nhất, đòi hỏi người thợ phải có tính sự tỉ mỉ và kỹ lưỡng, vì dưa hấu vỏ giòn, mềm chỉ cần sơ sảy một chút sẽ hỏng hết cả tác phẩm và trái dưa hấu đó coi như vứt bỏ đi”, anh Nam cho hay.
Thường thì, sẽ có khuôn sẵn chỉ cần vẽ và khắc theo, nhưng dần làm quen thì người thợ chỉ cần đặt tay vào và khắc theo thói quen.
Với mỗi quả dưa đã khắc, người bán sẽ cân ký và tính tiền. Thông thường, người mua sẽ phải trả khoảng 200.000-300.000 đồng/quả dưa đã khắc. Tùy vào hình thù, độ khó và cầu kỳ của quả dưa sẽ có giá cả khác nhau.
Sau khi khắc xong chữ thì người thợ sẽ phủ lên dưa hấu lớp sơn nhũ để tạo điểm nhấn, thu hút khách hàng.
Mọi công đoạn được làm rất tỉ mỉ.
“Nghề khắc dưa hấu cũng giống như nghề xăm vậy, mỗi người sẽ cho ra sản phẩm riêng. Ngoài sự cố gắng thì cái đòi hỏi nhiều nhất ở người thợ là phải thực sự có năng khiếu hội họa”, anh Nam nói.