Dân Việt

HTX hoa lan ở Đan Phượng, Chủ tịch Kim có thể thăm, có gì đặc biệt?

Khánh Nguyên 27/02/2019 11:23 GMT+7
Là một trong những mô hình trồng hoa lan công nghệ cao đầu tiên của Hà Nội, Hợp tác xã (HTX) Đan Hoài (Đan Phượng, Hà Nội) được coi là một hình mẫu của mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại. Sau 15 năm phát triển, một sự kiện trọng đại có thể sắp đến với HTX: đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tới thăm.

Cánh chim đầu đàn

Theo đánh giá, HTX Đan Hoài hiện là mô hình kinh tế hợp tác mới, làm ăn hiệu quả trên địa bàn TP.Hà Nội. Bắt đầu từ sự chuyển đổi chăn nuôi gia súc sang trồng hoa, với sự tự nguyện góp đất, góp vốn của các thành viên, những nông dân thế hệ mới của Đan Hoài đã bắt đất nở hoa.

Đó là vào thời điểm đầu năm 2004, nhận thấy lợi thế đất đai màu mỡ ven sông Hồng cùng nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm hoa cao cấp, chị Bùi Hường Bích - Giám đốc HTX Đan Hoài ấp ủ ý định biến vùng đất nơi đây thành địa chỉ cung cấp hoa lan hồ điệp.

img

Chị Bùi Hường Bích - Giám đốc HTX Đan Hoài (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu quy trình trồng lan công nghệ cao.

Sau vài năm tìm hiểu, HTX đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và đặc biệt là Tập đoàn hoa Flora quốc tế từng bước nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính, tưới tiêu tự động, điều chỉnh ngoại cảnh... vào sản xuất hoa lan.

Đến nay, diện tích sản xuất hoa lan của HTX Đan Hoài được mở rộng lên tới 12.500m2, với phòng nuôi cấy mô hiện đại, giúp HTX kiểm soát được nguồn cây giống. HTX cũng có hệ thống làm lạnh, bảo quản hoa sau thu hoạch. Nhờ sự đầu tư bài bản, khoa học, những năm qua, HTX Đan Hoài sản xuất trung bình khoảng 250.000 cây hoa các loại. Doanh thu đạt từ 4 - 5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí sản xuất cho thu lãi hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động, với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. 

img

Quy trình nhân cấy giống hoa lan đã được hiện đại hóa. 

Từ cuối năm 2017, toàn bộ lan của HTX cung cấp ra thị trường đều được truy xuất nguồn gốc, điều không phải HTX nào cũng làm được.

Theo chị Bích, KHCN chính là chìa khóa, là động lực giúp nâng cao giá trị, giảm thiểu rủi ro và củng cố thương hiệu trên thị trường. Việc trồng hoa trong nhà kính đã tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoa phát triển. Bên cạnh đó, hoa còn không bị phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, khiến HTX chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như khắc phục được tính thời vụ, có thể cung cấp hoa quanh năm.

img

HTX Đan Hoài còn chuyển giao giống lan hồ điệp cho nông dân trồng.

Tuy nhiên, chị Bích cho rằng, sự liên kết chặt chẽ của 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - DN - Nhà nông) chính là yếu tố tiên quyết mang lại những bước đi đột phá cho HTX Đan Hoài. Cụ thể, HTX đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ các cơ quan quản lý Nhà nước.

img

Toàn bộ lan được trồng trong nhà kính, kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng....

Từ năm 2006 - 2009, HTX nhận được hỗ trợ đầu tư của Sở KH&CN tỉnh Hà Tây (cũ) để triển khai dự án “Nghiên cứu tổ chức sản xuất và tiêu thụ hoa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hà Tây”.

Năm 2007, Bộ KH&CN chọn HTX Đan Hoài là đơn vị triển khai dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi có tên “Xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp tại huyện Đan Phượng”. Với sự giúp đỡ của Cục Sở hữu trí tuệ, Sở NNPTNT Hà Nội, HTX Đan Hoài còn xây dựng thành công thương hiệu hoa lan hồ điệp “Flora Việt Nam”. 

img

Hệ thống nhà kính rất hiện đại.

Còn nhiều khó khăn

Dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng bà Bích cho biết, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hoa vẫn còn hạn chế. Công nghệ cao mới chỉ được ứng dụng ở một số công đoạn nhỏ trong  chuỗi sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm, dẫn đến năng suất, chất lượng và giá trị nông sản chưa cao, thiếu tính cạnh tranh.

Vì vậy, HTX Đan Hoài cũng như các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất cần sự hỗ trợ, chính sách xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ nhằm tranh thủ các nguồn lực xã hội cùng  đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

img

Nhờ kiểm soát được nhiệt độ nên HTX có thể cung cấp hoa quanh năm cho thị trường.

đối với sản xuất hoa lan hồ điệp, kỹ thuật xử lý ra hoa phải có giai đoạn xuân hóa (xử lý cây trong môi trường nhiệt độ thấp để cây có thể phân hóa được mầm hoa), trong khi điều kiện khí hậu của Hà Nội rất khó cho việc hạ nhiệt độ vào các tháng hè, thu để cây ra hoa như mong muốn. Công nghệ này khá phức tạp và chi phí cao nên rất cần sự hỗ trợ của nhà nước để giúp các cơ sở sản xuất hoa lan có thể làm chủ được công nghệ này.

Đó là chưa kể, HTX lúc nào cũng “đói vốn”. Mỗi năm HTX tăng từ 20 - 30% công suất vườn, tương đương cần từ 8 - 10 tỷ đồng. Trụ sở của HTX là đất của xã viên nên khi vay vốn, tiếp cận nguồn kinh phí của một số tổ chức tín dụng rất khó.

img

Với nhiều màu hoa khác nhau...

Theo bà Bích, hiện HTX đang vướng ở phần quản trị, một khâu rất quan trọng. Quản trị trong nông nghiệp hiện khá yếu kém vì gần như không số hóa được thứ gì. Một năm HTX Đan Hoài đưa ra thị trường gần 1 triệu cây, bài toán quản lý 1 triệu cây như thế này là cả một vấn đề. Cùng với đó là khó khăn về đầu ra. Hiện, lan hồ điệp nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc về khá nhiều nên hoa của HTX rất khó cạnh tranh về giá.

img

HTX tiếp tục mở rộng sản xuất bằng hệ thống nhà kính mới.

Hy vọng, những khó khăn của HTX Đan Hoài sớm được các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ. Từ đó, kích thích nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.