Sản xuất theo hướng hàng hóa
Năm 2011, Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh Hải Dương tổ chức 1 lớp dạy nghề chăn nuôi thú y cho 35 học viên, 2 lớp trồng rau an toàn cho 80 học viên, tổ chức tư vấn hướng dẫn nông dân và làm điểm mô hình sử dụng sản phẩm vườn sinh thái…
Đàn lợn thương phẩm của gia đình anh Mạc Văn Hùng. |
Điểm nhấn đặc biệt là lớp dạy nghề chăn nuôi thú y. Lớp học có 35 người, học liên tục trong 3 tháng mà không ai vắng mặt. Chị Nguyễn Thị Quế - học viên lớp học nói: “Học viên trong lớp đều đang nuôi lợn quy mô công nghiệp nên bà con rất “khát” kiến thức. Từ chuyện chọn giống, chọn loại cám nào phù hợp, tới xử lý vệ sinh chuồng trại”.
Anh Mạc Văn Hùng chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi lợn đã hơn 20 năm, do không được đào tạo cơ bản nên hàng năm thường xuyên xảy ra dịch bệnh ở lợn. Sau khi tham gia lớp học nghề chăn nuôi của huyện, tôi nắm bắt được kiến thức về chọn con giống, vệ sinh chuồng trại, phòng dịch bệnh kịp thời… nên năm nay không còn dịch bệnh nữa. Hiện gia đình tôi nuôi 80 con lợn, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm”.
Đến thị trấn Kinh Môn, dù nơi đây đang tập trung số lượng đàn lợn lên tới hàng ngàn con, nhưng không khí khá trong lành. “Trước kia, bà con chủ yếu xả thải phân ra hệ thống cống của làng xã, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Giờ tình trạng này đã được cải thiện, bà con làm hầm biogas, tổ chức chăn nuôi sạch”- chị Quế nói.
Ông Phạm Văn Thành – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn chia sẻ: “Sau khóa học, nông dân không những hưởng lợi trong việc tổ chức sản xuất mà địa phương cũng thấy sự cần thiết phải có khu xử lý giết mổ gia súc để tạo thêm việc làm, thu nhập. Hiện chúng tôi chú trọng xây dựng khu giết mổ tập trung để bà con có điều kiện tập trung sản xuất, xuất khẩu thực phẩm”.
Chi hội làm giàu
Để kiến thức sau học nghề không bị mai một, thường trực Hội Nông dân thị trấn Kinh Môn đã tập hợp các thành viên lớp chăn nuôi thú y thành lập Chi hội Nghề nghiệp chăn nuôi tổng hợp.
Chi hội thành lập tháng 10.2011, gồm 37 hội viên, mỗi tháng sinh hoạt một lần. Chị Hoàng Thị Thắm – Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp chăn nuôi tổng hợp cho biết: “Sau 3 tháng tham gia lớp dạy nghề, chúng tôi tập hợp nhau lại thành lập chi hội để có cơ hội cùng nhau ôn lại kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, chủ động được trong công tác chăn nuôi. Ngoài ra, chi hội còn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng chăn nuôi thú y, tạo điều kiện nâng cao kiến thức, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.
Chị Nguyễn Thị Quế
Chị Nguyễn Thị Quế khẳng định: “Tham gia chi hội, tôi thấy có nhiều cái lợi. Ví dụ như cả tổ cùng đặt mua thức ăn chăn nuôi tập trung sẽ được chiết khấu cao hơn và được hỗ trợ trả chậm. Do vậy, việc xây dựng được mô hình tập trung sản xuất và phân phối thức ăn trong chăn nuôi là việc làm thiết thực”.
Nói về chi hội của mình, anh Mạc Văn Hùng cũng phấn khởi: “Tham gia vào chi hội, tôi có cơ hội giao lưu học hỏi, trao đổi rút kinh nghiệm trong chăn nuôi đem lại kết quả cao. Ngoài ra, hội thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên các thành viên, những hộ gia đình có điều kiện để mở rộng mô hình sản xuất. Cứ đến ngày 30 hàng tháng là các hội viên hội tụ nhau lại tổ chức tham quan một mô hình của thành viên trong chi hội.
Ngô Xuân