Dân Việt

Thương lượng tập thể yếu, công nhân dễ đình công

Minh Nguyệt 09/03/2019 05:10 GMT+7
Thống kê của Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho thấy, mới đầu năm đã có hàng chục cuộc đình công. Nguyên nhân là do doanh nghiệp cắt giảm chế độ phụ cấp, cắt giảm lương và sâu xa chính là do vấn đề thương lượng tập thể tại các doanh nghiệp chưa được coi trọng.

Mâu thuẫn về chế độ lương thưởng

Gần đây nhất, vào sáng 27.2, hàng nghìn công nhân của Công ty TNHH HAIVINA Kim Liên (xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đã đồng loạt nghỉ việc, tập trung giữa sân công ty để phản đối việc chế độ phụ cấp bị cắt giảm quá mạnh.

Nhiều công nhân cho biết, mới đây công ty thông báo tăng lương cơ bản thêm 200.000 đồng/tháng. Cùng với đó, công ty cũng giảm một số khoản phụ cấp. Vì vậy, dù được tăng lương nhưng số tiền thực nhận của công nhân vẫn như cũ.

img

Công nhân Công ty TNHH Giầy Venus Việt Nam đình công đòi quyền lợi.  Ảnh: M.N

Theo luật thì tổ chức Công đoàn phải đứng ra lãnh đạo nhưng thực tế rất nhiều vụ đình công đang diễn ra tự phát. Tuy nhiên khi các vụ đình công xảy ra, các bên trong đó Công đoàn cũng có mặt sớm để phối hợp giải quyết các mâu thuẫn. Từ đó nhằm giải quyết vấn đề, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết với người lao động và hỗ trợ lao động quay lại làm việc”.

Ông Lê Đình Quảng

Chị N.T.T (công nhân công ty) cho hay: "Chúng tôi thấy thực sự không công bằng khi thời gian công tác của tôi ở công ty đến 7 năm, nhưng khoản lương và chế độ của tôi chỉ bằng công nhân mới vào làm việc, mặc dù tăng lương nhưng lại giảm mạnh các chế độ cấp thiết, ảnh hưởng đến rất nhiều đời sống sinh hoạt của chúng tôi".

Cho rằng chính sách của công ty không đảm bảo quyền lợi của người lao động, hàng nghìn công nhân đình công, tập trung trước công ty để bày tỏ sự phản đối. Đồng thời, họ gửi kiến nghị đến ban lãnh đạo công ty, yêu cầu giải quyết thỏa đáng.

Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An cho biết : “Chúng tôi đang chỉ đạo xử lý giải quyết những cấp thiết cho công nhân, đồng thời giải thích rõ cho công nhân hiểu và ổn định tình hình để hoạt động sản xuất”.

Còn ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho hay: "Chúng tôi đã đến làm việc với lãnh đạo Công ty HAIVINA Kim Liên để giải quyết vấn đề. Bước đầu làm việc cho thấy phía công ty không làm sai quy định. Trước có một số phụ cấp, nay tăng lương, công ty giảm phụ cấp. Công nhân chưa hiểu và đã đồng loạt nghỉ việc...".

Riêng tại Long An chỉ trong 4 ngày từ 15 - 18.2, trên địa bàn tỉnh này xảy ra 4 vụ ngừng việc tập thể của hàng ngàn công nhân lao động.

Doanh nghiệp cần đảm bảo quyền lợi

Số liệu của Tổng LĐLĐ Việt Nam trong những năm qua cho thấy số cuộc ngừng việc tập thể xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn liên kết với nước ngoài (FDI) có xu hướng tăng. Hầu hết các vụ đình công xảy ra trong các doanh nghiệp FDI (chiếm 78,4%), còn lại là của các doanh nghiệp dân doanh. Riêng doanh nghiệp nhà nước không xảy ra cuộc ngừng việc tập thể nào.

Nói về nguyên nhân, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc đan xen tranh chấp lao động tập thể. Trong đó, nguyên nhân chính là do mâu thuẫn như: Nợ lương; không điều chỉnh tiền lương tối thiểu; trả lương không đúng quy định; không theo hợp đồng lao động; hoặc trừ thu nhập trái pháp luật.

Ông Lê Đình Quảng – Phó Ban quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, hiện nay cơ cấu doanh nghiệp tăng cao, quan hệ lao động cũng phức tạp hơn vì vậy, đây cũng là cơ hội để nảy sinh những mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động, khiến ngày càng có nhiều vụ đình công hơn.

Để giải quyết vấn để này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quan tâm, có những chương trình tập huấn để nâng cao thoả ước lao động tập thể, thương lượng tập thể. Tuy nhiên, vấn đề không hẳn do thương lượng tập thể. Nguyên nhân chính dẫn tới đình công là do chủ sử dụng chưa làm tốt công tác chăm lo, thực hiện quyền lợi cho người lao động nên mới xảy ra đình công.