Dân Việt

Khi đồng nghiệp “choảng” nhau trên Facebook

26/02/2012 08:35 GMT+7
Hậm hực vì đồng nghiệp đột nhiên được thăng chức, anh Q.B (nhân viên một công ty truyền thông) viết lên tường Facebook của mình: “Chó ngáp phải ruồi” mà quên rằng nhiều người trong công ty cũng là thành viên mạng xã hội này.

Đưa nhau lên Facebook... kể tội

Trút hết bực dọc vào mạng xã hội, kể tội đồng nghiệp trên mạng xã hội, than thở chuyện công ty cũng trên mạng xã hội nhưng nhiều người đã quên mất tính năng “xã hội” của công cụ này.

img
Facebook tuy mang tính “xã hội” nhưng cũng dễ khiến một số người “xa” nhau - Ảnh: Guardian

Trường hợp của anh Quang B., sau khi đưa lên mạng câu “chửi khéo” này đã gặp ngay một câu đáp trả không kém phần cay cú của anh bạn đồng nghiệp vừa được thăng chức. Thế là cả hai không ngừng lời qua tiếng lại, biến Facebook thành "chiến trường".

Kết quả là cả cơ quan ai cũng biết chuyện bất hòa giữa họ. Người thì hùa theo, kích động trên Facebook. Người ngấm ngầm theo dõi diễn biến của cuộc tranh cãi này và biến nó thành đề tài để “tám” mỗi ngày.

Riêng hai nhân vật chính thì dù chưa từng lớn tiếng cãi vã nhau nhưng sau sự việc này thì không ai nhìn mặt ai nữa.

Chị K.H. (nhân viên một công ty vật liệu xây dựng) cho biết: “Thường những bức xúc về đồng nghiệp nếu nói thẳng với nhau lại ngại căng thẳng ở nơi làm và nếu để việc đến tai sếp thì rắc rối to. Bởi vậy, có chuyện gì bực dọc, tôi lại “xả” trên Facebook một cách khéo léo theo kiểu người trong cuộc có biết cũng không nói được”.

Cũng vì cách nói ám chỉ này, không khí nơi làm của chị K.H. chẳng những không bớt phần căng thẳng mà còn khiến quan hệ giữa chị H. với đồng nghiệp trở thành một cuộc chiến ngầm vì ai cũng hậm hực mà chẳng thể mặt đối mặt giải tỏa cùng nhau.

Trong khi đó, thường xuyên mang những thông tin theo kiểu hôm nay công ty có chuyện gì, đồng nghiệp có gì mới lên Facebook lại là một thói quen của chị B.T. (nhân viên văn phòng).

Dù không soi mói, chỉ trích ai nhưng thói quen này vô tình khiến chị T. trở thành đối tượng bị... lánh xa vì ai cũng sợ mình xuất hiện trên Facebook của chị T. rồi trở thành đề tài bàn tán của mọi người.

Sếp cũng lên Facebook

Nhiều người cho rằng các sếp bận rộn, làm sao có thời gian lên Facebook nhưng họ... nhầm to.

Bạn T.Linh (sinh viên ĐH Ngoại thương) chia sẻ kinh nghiệm “xương máu” của mình. Là một “tín đồ” của mạng xã hội, Linh thường hay chia sẻ những câu chuyện vui vui, những hình ảnh nghịch ngợm của mình với mọi người trên Facebook.

Cứ nghĩ những việc này chỉ nhằm gây cười cho bạn bè, chẳng ảnh hưởng gì hình ảnh của mình. Thế nhưng, trong một lần đi phỏng vấn xin việc bán thời gian tại một công ty, Linh gặp ngay một vị trưởng phòng khá khó chịu.

“Cứ nghĩ biểu hiện của mình hôm đó chưa tốt mới khiến người ta không hài lòng, không ngờ cuối buổi mình được vị trưởng phòng đó nhắc là nếu xem thường cấp trên thì đừng có đến xin việc hay mang việc này ra bêu rếu trên Facebook”, Linh thuật lại.

Giật mình, Linh xem lại danh sách bạn bè trên Facebook của mình. Thì ra, Linh đã kết bạn với vị trưởng phòng này lúc nào không rõ. Trong khi trước ngày đi phỏng vấn, Linh lại đưa bức ảnh mình diện trang phục đi xin việc kèm theo câu nói đùa là sẽ dùng nó để… chinh phục sếp.

Ứng xử chuyên nghiệp trên Facebook

1. Chú ý khi cập nhật trạng thái (status)

Đăng tải một dòng thông báo trạng thái mới trên trang Facebook là cách để mọi người chia sẻ với nhau những câu chuyện, cảm xúc cuộc sống hằng ngày. Nhưng trước khi đăng tải, hãy xem xét thật kỹ vì đôi khi sự chia sẻ đó khiến bạn trở nên “xấu xí” đi hoặc gây tổn thương đến người khác.

2. Xem ảnh cẩn thận trước khi đăng tải

Chia sẻ những bức ảnh gia đình, du lịch, vui chơi lành mạnh sẽ khiến bạn trở nên năng động hơn trong mắt mọi người. Ngược lại, những hình ảnh liên quan đến rượu chè hoặc những trò lố lăng thì hãy cân nhắc thật kỹ vì sếp có thể đánh giá xấu về bạn khi trông thấy những hình ảnh như thế.

3. Tin nhắn riêng tư

Khi muốn để lại tin nhắn trên trang cá nhân của bạn bè, đồng nghiệp, không nên nói về những vấn đề riêng tư, tế nhị vì đây là nơi mà ai cũng có thể xem được. Nếu đó là vấn đề cá nhân thì tốt nhất bạn nên gửi qua tin nhắn riêng tư để không làm ảnh hưởng đến đối phương.

4. Thận trọng khi “kết bạn”

Hãy giữ một danh sách bạn bè hạn chế để đảm bảo quyền riêng tư không bị xâm phạm hơn là kết bạn một cách bừa bãi và thiếu cân nhắc. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn chế độ riêng tư cho những thông tin cá nhân hoặc hình ảnh, trạng thái của mình.

Theo Thanh niên