Dân Việt

Điều ý nghĩa nhất sau chuyến đi Việt Nam của ông Kim Jong-un

Lương Kết (thực hiện) 02/03/2019 16:24 GMT+7
“Chuyến đi của ông Kim Jong –un và phái đoàn Triều Tiên đến Hà Nội không chỉ có ý nghĩa đàm phán vấn đề liên quan đến hạt nhân và cấm vận. Điều có ý nghĩa hơn với Triều Tiên là qua chuyến thăm có được điều gì đó từ thực tiễn của Việt Nam”- Thiếu tướng Lê Văn Cương nói với PV Dân Việt.

img

Ông Kim Jong -un vẫy chào người Việt Nam để lên tàu hỏa về nước (ảnh Đàm Duy).

Trưa 2.3, Nhà lãnh đạo Kim Jong –un và phái đoàn Triều Tiên đã lên tàu về nước kết thúc chuyến thăm Việt Nam. Đánh giá về chuyến thăm này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho biết: Việt Nam và Triều Tiên vốn có quan hệ thân tình, thủy chung được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành vun đắp.

Triều Tiên đang là quốc gia bị bao vây cấm vận, theo ông chuyến thăm của Nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un tới Việt Nam có ý nghĩa gì?

- Triều Tiên đang trong vòng bao vây cấm vận, nghĩa là đang gặp nhiều khó khăn nhưng khi Nhà lãnh đạo và phái đoàn Triều Tiên sang Việt Nam đã được đón tiếp rất chân thành, trọng thị. Chúng ta thể hiện tình cảm chân thật. Tôi tin ông Kim Jong –un và phái đoàn Triều Tiên đều thấy rõ tình cảm chân thành của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Khi ra về ông Kim Jong-un đã hạ kính ô tô vẫy tay chào người dân Việt Nam có lẽ cũng chứng minh phần nào cho nhận định trên. Có thể thấy chuyến thăm của ông Kim Jong –un càng củng cố thêm mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Triều Tiên.

Chuyến đi của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và đoàn Triều Tiên đến Hà Nội không chỉ có ý nghĩa giải quyết vấn đề liên quan đến hạt nhân và cấm vận. Điều có ý nghĩa hơn với Triều Tiên là qua chuyến thăm họ có điều gì đó từ thực tiễn của Việt Nam. Tôi tin rằng những thông tin, những hình ảnh Đoàn Triều Tiên thấy được  khi tới thăm nơi này, nơi kia ở Việt Nam có thể sẽ gợi mở hoặc tạo ra cơ sở khoa học để họ hoạch định những chính sách đối nội, đối ngoại trong thời gian tới đây.

img

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong -un tại Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần 2 (ảnh IT).

Việc các phái đoàn Triều Tiên đến thăm nhiều nơi trong những ngày ở nước ta, điều đó cho thấy họ có sự chuẩn bị kỹ, chứ không đơn thuần chỉ là chuyến đi để họp Thượng đỉnh Mỹ -Triều và thăm mang tính ngoại giao Việt Nam thưa ông?

- Nói về điều này cần quay lại lịch sử, Triều Tiên chiến tranh với Mỹ có 3 năm (1950 -1953), còn Việt Nam trải qua chiến tranh với Mỹ tới 20 năm. Nhưng Việt Nam từ lâu đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ và sự hợp tác giữa hai quốc gia ngày càng phát triển. Tôi nghĩ điều này cũng để lại suy nghĩ nào đó cho Nhà lãnh đạo Kim Jong –un và phái đoàn của Triều Tiên.

Việt Nam từng là quốc gia áp dụng mô hình tập trung quan liêu bao cấp, nhưng từ năm 1986, bắt đầu đổi mới, đến nay đã hơn 30 năm đi theo quỹ đạo của kinh tế thị trường. Việc đổi mới này đã tạo ra sự thay đổi rất lớn trong quá trình phát triển đất nước. Những chuyến thăm của phái đoàn Triều Tiên tới nơi này, nơi kia trong những ngày ở Việt Nam có thể họ sẽ có ấn tượng. Như tôi đã nói ở trên, điều này có thể gợi mở cho phía bạn khi hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại.

img

Thiếu tướng Lê Văn Cương (ảnh IT).

Về kết quả Thượng đỉnh Mỹ -Triều tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho là rằng không thành công, còn ông có nhìn thấy điểm sáng nào không?

- Đánh giá về kết quả của Thượng đỉnh Mỹ -Triều tại Hà Nội có nhiều người cho rằng không thành công. Phía Mỹ căn cứ vào mục tiêu lâu dài để yêu cầu bên phía Triều Tiên, đó là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên đây là vấn đề không đơn giản, có thể phải tiến hành hàng thập niên. Nếu lấy mục tiêu lâu dài để áp vào trong Thượng đỉnh lần này dẫn tới không đạt kết quả là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên theo tôi, Thượng đỉnh Mỹ -Triều tại Hà Nội cũng có thành công, tất nhiên hai bên không ra được tuyên bố chung nghĩa là không trọn vẹn. Còn so sánh với Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần thứ nhất tại Singapore (tháng 6.2018) thì sau Thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2 tại Hà Nội, Mỹ đã hiểu hơn những mong muốn, những yêu cầu của Triều Tiên. Ngược lại Triều Tiên cũng hiểu đầy đủ hơn những mong muốn của Mỹ. Chính tại Hà Nội họ hiểu nhau hơn, nhưng nhu cầu khác nhau cho nên phải tiếp tục đối thoại.

Một điều cũng có thể coi là điểm sáng đó là những vấn đề chưa thống nhất được nhưng không làm cản trở quan hệ giữa Mỹ -Triều Tiên. Kết thúc Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần 2, hai bên có những cam kết bằng miệng, phía Triều Tiên nói không thử thêm tên lửa và chương trình hạt nhân, Mỹ cũng nói giảm bớt việc tập trận với Hàn Quốc, Mỹ cũng tính toán có thể gỡ bỏ một phần nào đó trong chương trình cấm vận.

Sau Thượng đỉnh Mỹ -Triều tại Hà Nội, ít ra năm 2019, 2020, bán đảo Triều Tiên vẫn duy trì hòa bình, đây là điều rất quan trọng. Tôi cho rằng đây là thành công, là điểm sáng sau Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần 2.

Xin cảm ơn ông (!)