Dân Việt

Có quy định nào cấm người dân tự ra đếm xe ở trạm BOT Ninh Lộc?

Đình Việt 04/03/2019 06:03 GMT+7
Mấy ngày gần đây, một nhóm hơn 10 người dân thực hiện công việc đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Họ nói sẽ gửi số liệu đếm được về Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước. Vậy việc này pháp luật có cấm?

Thông tin trên báo chí, ông Nguyễn Minh Hùng - 39 tuổi, đại diện nhóm đếm xe - cho biết từ ngày 26.2, ông  cùng gần 10 người khác lập nhóm thực hiện việc đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc.

Nhóm này sẽ kiểm đếm xe tại trạm BOT Ninh Lộc trong thời gian một tuần, từ ngày 26.2 đến 4.3. Các thành viên trong nhóm chủ yếu là tài xế và người dân sống tại TP Nha Trang và quanh khu vực trạm BOT Ninh Lộc.

img

BOT Ninh Lộc, nơi người dân tự ra đếm xe.

Đại diện trạm BOT Ninh Lộc, ông Vũ Hải Long - Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả Khánh Hòa cho rằng, việc người dân giám sát ảnh hưởng đến an ninh trật tự của trạm, tâm lý nhân viên, tâm lý lái xe và an toàn giao thông khu vực trạm.

Sự việc này đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của dư luận, nhiều người đặt câu hỏi, liệu việc làm này có bị pháp luật cấm không?

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo tinh thần chung của pháp luật Việt Nam là người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Và hiện này, không có quy định nào liên quan đến việc cấm người dân đi ra đếm lưu lượng xe đi qua một nơi, khu vực nào đó.

"Như vậy, nhóm người dân chủ động ra đếm xe ở trạm BOT Ninh Lộc là điều mà pháp luật không cấm, và không có một cơ quan nào có quyền cản trở việc này của người dân cả. Đây là xét về góc độ người dân có được làm và pháp luật có cấm hay không" - luật sư Tuấn Anh cho biết.

Theo luật sư Tuấn Anh, xét về góc độ giám sát, người dân là đối tượng có quyền giám sát cao nhất đối với các hoạt động hành chính, tư pháp cũng như các hoạt động kinh tế. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, người dân chủ động thực hiện quyền giám sát của mình.

“Theo quan điểm của tôi, đây là điều đáng mừng, vì người dân chưa vô cảm trước các sự kiện kinh tế, xã hội. Người dân đang ngày càng thể hiện rõ vai trò giám sát của mình trước các hoạt động của đất nước. Việc này rõ ràng không làm lợi cho bất kì một cá nhân nào, cũng không làm lợi cho những người thực hiện việc đếm xe”, vị luật sư nói.

Luật sư Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, nếu việc đếm xe mà tìm ra được các vi phạm của chủ đầu tư, rõ ràng là một điều đáng hoan nghênh vì nó có ích cho toàn xã hội.

“Ở đây phải đặt câu hỏi tại sao người dân phải làm những việc như thế. Tôi cho rằng, cực chẳng đã mới phải thực hiện biện pháp như thế vì thời gian gần đây các dự án BOT có quá nhiều bất cập.

Nếu như việc đầu tư BOT, việc thu chi, thời gian thu, mức thu được công khai ngay từ khi chuẩn bị thực hiện rõ ràng sẽ không có câu chuyện như ở BOT Ninh Lộc”, ông Tuấn Anh nêu quan điểm.

Vị luật sư cho biết, hiện nay người dân đang rất sợ trường hợp có sự gian lận tại các BOT. Trước đây, không phát hiện ra trường hợp gian lận nào. Tuy nhiên, sau khi có sự đấu tranh của người dân, và sự tham gia của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ nhiều công trình BOT đã phải giảm thu phí, rút ngắn thời gian thu thậm chí phải tháo dỡ trạm.

Điều này chứng minh một điều, việc đầu tư BOT đang bị quản lý lỏng lẻo, như vậy cần thiết phải có sự giám sát của người dân như ở trạm BOT Ninh Lộc. Người dân ngoài việc bảo vệ quyền lợi ích của mình, cũng đang bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước và góp phần làm minh bạch tại các dự án BOT.

Ngoài ra, luật sư Tuấn Anh cũng cho biết thêm, việc người dân đếm xe là hợp pháp nhưng nếu có hành vi quá khích dẫn đến cản trở hoạt động giao thông, cản trở người tham gia giao thông hay gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tổ chức có thể dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

Chính vì thế, những người dân tham gia việc này cũng cần có nhận thức pháp luật đầy đủ, cần thực hiện hành vi trong khuôn khổ pháp luật cho phép chứ không nên quá khích làm ảnh hưởng đến quyền giám sát của mình và hoạt động của các cơ quan tổ chức.

Trả lời báo chí, ông Trịnh Văn Trí, chủ tịch UBND xã Ninh Lộc cho biết, việc người dân kiểm đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc bắt đầu từ ngày 25.2, đến ngày 26.2 người dân đã dựng một lán trại nhỏ trên phần đất thuộc UBND xã Ninh Lộc quản lý.

"Việc dựng lán này là trái quy định nên UBND xã đã báo cáo thị xã Ninh Hoà và thống nhất lập biên bản tiến hành cưỡng chế lán trại này. Sau khi cưỡng chế tháo dỡ lán trại, người dân lại chuyển lán trại đó đến một nhà khác. Khu vực vườn nhà dân dựng lán trại hiện tại có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  nên không vi phạm quy định pháp luật", ông Trí thông tin.