Cho đến lúc này, chưa có đại diện nào của VTV chính thức lên tiếng xác nhận rằng đã ký với VPF bản ghi nhớ hợp đồng bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam có giá trị 76 tỉ đồng như bầu Đức, bầu Kiên đã nói.
Tuy nhiên, trả lời phóng viên Dân Việt cách đây ít ngày, Phó Tổng Giám đốc VTV Nguyễn Thành Lương chỉ nêu chung chung rằng, VTV không chỉ đàm phán với VPF mà còn đàm phán với AVG. VTV chỉ ký hợp đồng mua thương quyền của đơn vị nắm quyền sở hữu bản quyền truyền hình hợp pháp.
Bầu Kiên trả lời báo chí sau cuộc họp của VPF với Tổng cục TDTT |
Trong phát biểu của ông Nguyễn Thành Lương, nếu VPF tạo được sự đồng thuận để các ông chủ các đội bóng đồng ý quảng cáo trong thời lượng 15 phút mà VTV dành ra cho mỗi trận đấu, thì con số không chỉ dừng ở mức như vậy.
Như vậy, có thể hiểu đây là cách ra giá ngầm mà VTV muốn các CLB phải đồng ý nếu VPF bán bản quyền truyền hình cho VTV với giá 76 tỉ đồng trong 3 năm. VTV là đài truyền hình hoạt động 100% sử dụng tiền nhà nước, nên chắc chắn sẽ không thể bỏ ra số tiền gấp 6 lần như đã trả cho VFF những năm trước để mua bản quyền truyền hình cho một mùa giải.
Nếu vậy, tức là các CLB sẽ phải trả tiền cho VTV để được quảng cáo và VTV dùng tiền này để trả lại cho VPF để VPF chia lại cho các CLB. Sẽ không ai dám chắc tiền bán bản quyền thu về chia cho các CLB sẽ nhiều hơn chi phí quảng cáo trên truyền hình mà các đội bỏ ra.
Và thực chất ở đây là tiền chạy từ túi này đến túi kia, chứ giá trị thực của bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam không thể cao đến mức ngất ngưởng như vậy. Tính một cách chi tiết, số tiền cuối năm tất toán mà các CLB nhận được có thể ít hơn 100 triệu đồng mà AVG đang trả và lũy tiến tăng 10% hàng năm.
90 triệu đồng + 30% lợi nhuận hàng năm
Nhiều người cho rằng, số tiền bản quyền các CLB thu về chỉ khoảng 90 triệu đồng/mùa thì không thấm vào đâu so với số tiền vài chục tỉ các đội bỏ ra một mùa. Nhưng còn một khoản mà rất nhiều người chưa nghĩ đến là 30% lợi nhuận bản quyền truyền hình sẽ được AVG chia cho VFF hàng năm và VFF sẽ chia 50% này cho các CLB.
Khoản lợi nhuận 30% này là con số vô hình và nó cao hay không phụ thuộc vào chất lượng giải đấu, vào sự hấp dẫn của giải đấu mang lại.
Trên các báo ra những ngày qua đã có nhiều comment (bình luận) về cách chia lợi nhuận bản quyền này khi đa phần đều nhận định với điều kiện mà VTV đưa ra như thế các CLB chẳng được lợi lộc gì. Một bạn ở địa chỉ bieng56@yahoo.com bình luận: “Thực chất BQTH bóng đá nội có giá trị thương mại lắm đâu. Túi nọ sang túi kia để tạo giá trị ảo để lừa dư luận thôi. Vậy mà vẫn thấy khối người mơ hồ đó!!!”
Bạn Thanh Trung (trungthanhvu@yahoo.com) - cho rằng: “Nếu VPF bán cho VTV kiểu này thì thực chất là cho không VTV rồi còn gì. Thay vì mỗi đội bóng được nhận 90 triệu đồng/năm như hiện nay, họ sẽ được nhận khoảng 3 tỷ đồng/năm với điều kiện phải bỏ ra 3 tỷ mua quảng cáo của VTV”.
Bầu Kiên khi bình luận về cách chia lợi nhuận bản quyền truyền hình của AVG cho rằng cách chia bánh quan trọng nhưng cái bánh để chia to hay nhỏ còn quan trọng hơn. Nếu thế, “cái bánh” mang tên 76 tỷ đồng, hóa ra lại bé hơn rất nhiều.
Vinh Sơn