Dân Việt

"Khúc ru lại về" vùng tình yêu hoài niệm

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ 05/03/2019 07:20 GMT+7
Xuyên suốt cả tập thơ "Khúc ru lại về" 50 bài của Kim Nhũ là một giọng thơ dịu dàng, dường như trung thành với dòng thơ kinh điển, không tìm cách cách tân, lạ hóa ngôn ngữ với nhiều mệnh đề  rắc rối.

Tôi quen biết chị Kim Nhũ trên Facebook đã dăm bảy năm nay. Ngày ấy tôi ở nước Đức, thấy một truyện ngắn hay của chị trên Facebook, bèn nhắn xin biên tập, rồi viết lời bình đi trên Nhân Dân Hàng tháng, nơi tôi biên tập phần văn nghệ.

Rồi tôi trở về Việt Nam, Kim Nhũ tới, gửi vài truyện ngắn nữa và cả những chùm thơ. Mến mộ con người đôn hậu, đằm thắm dịu dàng, tôi chân thành khuyên chị nên chú ý vào thơ, bởi văn xuôi dù đã in một truyện ngắn trên tờ báo uy tín, vẫn không phải thế mạnh dài hơi của chị.

img

Tác giả thơ Kim Nhũ và vhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong buổi ra mắt tập thơ "Khúc ru lại về".

Thơ Kim Nhũ, cả tập đầu in cùng bạn thơ và tập thơ "Khúc ru lại về" in riêng lần này, nói chung là tạng thơ không cầu kì uốn éo chữ nghĩa. Mạch thơ luôn tự nhiên giản dị và bầy tỏ ý tứ khá chân thành như con người ngày thường ở chị.

Trong buổi ra mắt tập thơ "Khúc ru lại về" tại quán sách Cá Chép, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ rằng, chị chỉ làm thơ lúc buồn. Ở đó, chị gửi gắm vào thơ nỗi buồn, sự hờn dỗi... Nguyễn Thị Hồng Ngát nói khâm phục Kim Nhũ, người chỉ dành cho thơ nói về hạnh phúc và khẳng định chị là người hạnh phúc.

Tôi trộm nghĩ, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đã chỉ ra điều cốt lõi của điểm xuất phát thơ Kim Nhũ. Thơ, bản chất chung - chính từ sâu thẳm tâm hồn con người. Dường như nó là lời không dễ nói lúc thường ngày. Có người thất vọng, buồn tẻ mà làm thơ, có người hờn giận mà ra thơ. Kim Nhũ không kìm nén những yêu thương thắm thiết vô bờ của mình với nhiều đối tượng mà viết thơ.

"Khúc ru lại về" là sự hồi tưởng của trái tim Kim Nhũ muốn chia sẻ với đời về nơi chị đã trưởng thành ở lứa bè bạn quê hương Hưng Yên - vùng đất trái nhãn ngọt lịm sâu thẳm mãi trong lòng kẻ đi xa, hay có khi về vùng núi rừng Điện Biên nơi chị là giáo viên, hoặc với Báo Nông thôn Ngày nay, nơi có những đồng nghiệp yêu quý và người chị Tổng biên tập đã dìu dắt chị trưởng thành trong chức phận làm báo.

Chị viết về tình cảm của chị với chồng, con, cháu nội ngoại và cả những người không quen biết như chị quét rác đêm đêm cho đường phố Hà Nội sạch sẽ... Tôi gọi chung đó là vùng tình yêu hoài niệm mà nên thơ.

Hãy đọc lời chị viết về người bạn bậc chị Tổng biên tập cũ:

Cánh buồm nâu lại ra khơi

để ai ngơ ngác dưới trời mưa bay...

Thương chị thương cả những ngày

đói cơm, sốt rét, muỗi vây trên rừng...

Lời thơ thực giản dị, chân thành, mộc mạc, làm ta tin ở tình cảm người em giúp việc dành cho người chị từng lãnh đạo mình.

img

Tác giả thơ và nhà văn Di Li.

Xuyên suốt cả tập thơ 50 bài thơ của Kim Nhũ là một giọng thơ dịu dàng, dường như trung thành với dòng thơ kinh điển. Không tìm cách cách tân, lạ hóa ngôn ngữ với nhiều mệnh đề  rắc rối, Kim Nhũ cố gắng diễn đạt chính xác nhất những tình cảm nảy sinh trong lòng mình.

Ở đây, xác nhận một quan niệm rằng, dù cách tân hay kinh điển, công chúng cần thơ hay. Cố thi sĩ Bùi Giáng có hai bài thơ nổi tiếng thể lục bát "Chào Nguyên Xuân" và "Quần Mầu" (hay là Người con gái mặc quần). Cả hai bài thơ lục bát và song thất lục bát này đều có những câu lơ ngơ khó cắt nghĩa, nhưng công chúng đều thích nó, bởi cái nhạc điệu kì ảo của ngôn ngữ làm nên sự hấp dẫn của thi ca.

Thơ Kim Nhũ đi vào cũng chiều hướng giản dị nhưng dễ hiểu để ta lí giải được từng câu từng ý và khá chặt chẽ trong cấu trúc tổng thể khi vẫn tạo ra trong nhiều bài những thi ảnh đẹp.

Kim Nhũ khiêm tốn nói chị là người viết thơ nghiệp dư. Nhưng chân thành mà nói, nghiệp dư gì mà vẫn tạo nên những câu thơ lấp lánh. Viết về mùa xuân phố phường Hà Nội, chị có câu thơ rất gợi, khá tinh tế, đủ để người đọc cảm nhận cho những ai quen thuộc một Hà Nội yêu thương khi trời đất đang chuyển mùa:

Chợt nghe xao xác giêng hai

hoa sưa rụng khẽ như ai nói thầm.

Trong lục bát cổ, ông cha ta cũng có câu nói về giêng hai:

Buồn chi một nỗi giêng hai

con chim cái cú thở dài nằm nghiêng

Kim Nhũ cũng bàn về giêng hai. Mùa thay mùa, cái xao xác thay chuyển thời khí được chợt nghe, làm câu thơ xao động. Hoa sưa rất nhỏ, khi rụng sao mà nghe được rụng mạnh hay rụng khẽ, nhưng người đọc vẫn chấp nhận bởi vì cái câu đầu "Chợt nghe xao xác giêng hai" là sự lắng nghe của tâm hồn rồi, đâu còn là sự lắng nghe vật lí của đôi tai nữa. Nhất là khi hạ "như ai nói thầm", thì câu thơ bảo đảm tính thống nhất được phép diễn tả trong ý tứ tài tình như Trần Đăng Khoa nghe được tiếng rơi nghiêng rất mỏng của chiếc lá đa đấy thôi.

Viết về em gái quét rác, chị chẳng tô vẽ mà chân thực: "Em chẳng xinh như trúc đứng đầu đình". Nhưng những công nhân vệ sinh thủ đô ấy chợt lạ hóa và vụt sáng lấp lánh ở câu thơ cuối cùng, tạo ra một hình  ảnh rất đẹp: "Phố sạch rồi lưng áo đẫm ánh trăng".

Đấy là thi ảnh đẹp. Vừa lãng mạn vừa hiện thực, nâng tầm một dạng lao động chân tay lam lũ nhưng rất cần thiết cho vẻ đẹp Hà Nội. Cô gái quét rác cần mẫn trên "con phố dài hằng đêm vẫn đợi", lưng đẫm mồ hôi và đẫm cả ánh trăng. Đọc bài thơ này tôi nhớ tới bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu, cũng có câu kết vẻ đẹp của ánh trăng khi ông hạ: "Đầu súng trăng treo".

Cũng một ánh trăng, đều tạo ra vẻ đẹp diệu kì, một phía cho người lính, một phía cho người lao động giản đơn. Và chỉ có thể nắm bắt vẻ đẹp ấy bằng một tình yêu thương thuần khiết và chân thành với con người. Một người tiền nhân là yêu thương đồng chí của mình. Một kẻ hậu sinh là sự chia sẻ với một người em gái quét rác không quen biết.

img

Tác giả thơ Kim Nhũ với nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát và nhà văn Trần Thị Trường.

Có thể tìm thấy nhiều câu thơ lấp lánh như thế trong tập "Khúc ru lại về" của Kim Nhũ. Ở đây xét về tình cảnh, có thể kết luận nhà thơ yêu thật, xét thêm về hoàn cảnh thì nhận ra Kim Nhũ thường quan sát rất tinh tế và đã dùng từ diễn đạt khá chân xác nên tạo nên được sự tin cậy, làm thơ không xáo mòn.

Ví dụ như trong "Thu muộn", chị viết:

Sao nỡ để cúc lẻ bông

Cốm vòng lẻ hạt, quả hồng sạm da

Mùa thu đến chậm, cúc không còn rộ nữa thì dễ viết, nhưng "cốm vòng lẻ hạt, quả hồng sạm da" thì không phải ai cũng viết ra được nếu không quan sát thật kĩ càng.

Viết lời tựa cho tập thơ này, nhà thơ nổi tiếng Phan Thị Thanh Nhàn nhận xét có tính khái luận, rằng tập thơ "Khúc ru lại về" là một tâm hồn thơ rất đàn bà Việt Nam là điều có lý chuẩn xác. Bởi thơ Kim Nhũ dường như phản ánh nhiều đặc tính phụ nữ trong sự duy cảm mà chỉ đàn bà Việt mới đôn hậu, ân nghĩa dày dặn đậm đặc như thế trong một thi phẩm.

Người như Kim Nhũ xứng đáng được gọi lên như thế trong đời sống ngày thường và có lẽ cũng chính như vậy, những bài thơ tình cảm của Kim Nhũ có chỗ đứng vững hơn so với vài bài thơ có tính  triết luận trong tập.