Dân Việt

Ký ức Tết Trường Sa

30/01/2012 06:36 GMT+7
Trong hành trình làm báo của mình, tôi đi công tác Trường Sa nhiều lần. Và cũng tại nơi ấy, tôi có những trải nghiệm Tết mà có lẽ chẳng nơi đâu có được.

Đón Giao thừa với giá xào… dầu

Năm 2000, tôi cùng anh em bộ đội Hải quân tàu HQ-996 chuyển hàng Tết ra Trường Sa. Gió chướng cuối năm thổi ràn rạt. Tôi và anh Trần Văn Lương, Thuyền phó chính trị Tàu HQ-996 đang ngồi uống nước trên boong, bỗng nhiên bộ ấm chén chao đi rồi nhảy tót xuống sàn sắt, vỡ tan.

Anh Lương lầm bầm: “Lại mấy con sóng hỗn đây, lát nữa tàu lắc phải biết. May mà cơm nước đã xong, không thì lại khổ mấy anh nuôi”. Gặp “sóng hỗn”, các anh nuôi rất vất vả. Trong ngăn bếp chật hẹp, tàu cứ nghiêng bên nọ, hất bên kia, thành thử anh nuôi luôn phải giữ thăng bằng cho... đồ ăn. Lắm lúc, phải nhấc bổng nồi canh lên kẻo sóng tát hết nước ra ngoài. Trông các anh nuôi lúc ấy chẳng khác gì diễn viên xiếc.

img
Các chiến sỹ trên đảo đang gói bánh chưng

Sau hai đêm một ngày hành xác, uống hết nửa lít rượu để... chống say sóng, chúng tôi cũng đến được đảo Song Tử Tây. Sóng to, gió lớn, vào được đảo không phải chuyện đùa. Với chúng tôi, những người cũng đã được rèn luyện chút ít ở đơn vị trước khi đi làm báo thì không nói làm gì, còn với các anh nhà báo ngoài quân đội thì quả là nỗi khiếp sợ thực sự.

Chuẩn bị xuống xuồng chuyển tải, các nhà báo vai đeo ba lô, ngực mang máy ảnh, lủng lẳng đồ nghề, chầu chực ở hành lang với khuôn mặt nhợt nhạt vì say sóng nhưng hào hứng vô cùng. Từng người một, cả bốn chân tay túm chặt vào lan can tàu, lủng lẳng như một quả đu đủ treo trên cao, chờ cho con sóng dềnh lên thì nhảy vào lòng xuồng.

Khối anh chậm chân, nên khi xuồng đã tụt xuống rồi thì “quả đu đủ” mới... rụng xuống, đầu va vào thành xuồng đánh cốp, mặt mũi nhăn nhó, nhưng miệng lại hềnh hệch cười “không sao, không sao”.

img
Quà tết đến đảo Song Tử Tây

Lên Song Tử Tây, tôi may mắn làm sao khi gặp ngay được thằng bạn thân thời còn cơm nắm, nằm sương ở Trường Sĩ quan Lục quân 1 - Thượng úy Nguyễn Duy An, Cụm phó cụm chiến đấu số 1. Tối ấy, An kéo tôi về cụm của nó “đón giao thừa trước”. Nó lôi trong tủ súng ra mấy hộp thịt rồi gọi cậu liên lạc bảo “Đem đi xào giá!”.

Ái chà, ở đây mà cũng có giá (đỗ) cơ à? Thì ra lính ta cũng khôn thật. Sau gần một tháng gió chướng, bao nhiêu rau cỏ trong vườn chết sạch vì bụi muối bay vào, trên mâm cơm chỉ còn thịt hộp và cá khô. Xót ruột không chịu được.

Một hôm, có anh lính tình cờ đi khơi cống rãnh sau bếp phát hiện ngay ra mấy mầm đỗ xanh đang vươn lên trong lòng cống. Sau nhiều ngày “vỡ óc suy nghĩ, chúng tôi mới nghĩ ra cách ngâm giá đỗ bằng cát và bao tải, mặt mũi mới phởn phơ thế này. Chứ không thì thằng nào thằng ấy đều nhăn nhó, nhất là lúc đi từ... toa-lét ra” –An nói vậy khi trịnh trọng gắp một đũa giá xào thịt hộp bỏ vào bát tôi.

Vừa nhấm nháp chút giá xào của bạn mặt tôi đã nhăn tít. Trời ạ, nó vừa cay nồng, vừa... hôi rình, toàn mùi dầu hỏa. Tôi nói điều đó với An, nó còn lớn tiếng: “Bậy nào, rau sạch hoàn toàn đấy” và nó cũng thử một miếng rõ to. Quai hàm nó vừa cử động đến lượt thứ hai thì bỗng trợn mắt, lắc đầu: “Hỏng, hỏng. Mấy thằng này mắt mũi để đâu mà nhầm lẫn kiểu này”. Thì ra trong bếp có chai dầu hỏa để cạnh chai mỡ nước, lại chả có đèn đóm gì, nên cậu liên lạc trong phút lơ đễnh đã dốc tuột chai dầu hỏa vào chảo giá xào.

Không còn giá xào với thịt hộp, chỉ còn lại chai rượu trắng tôi thủ được từ trên tàu, chúng tôi “đón giao thừa trước” giữa Trường Sa bằng chén rượu suông nhắm với... những câu chuyện về đồng đội. Đúng 0 giờ, tôi và An đi ra mép biển thắp hương cho ba đồng đội đã hy sinh ở Trường Sa mà chưa đưa về đất liền được. 1 giờ sáng, chúng tôi cấp tốc ra tàu bởi lúc ấy sóng yên...

Tết trồng cây bằng… thó

Giờ đây, ra các đảo nổi ở Trường Sa, chỗ nào cũng thấy cây xanh ngút mắt. Để có được những hàng cây ấy cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức. Tôi được nghe Thiếu tá Trần Văn Tài, Quyền cụm trưởng Cụm chiến đấu số 3 kể về việc phát động “Tết trồng cây” trên đảo Trường Sa Lớn với những chi tiết không thể quên khi tôi ra Trường Sa vào năm 2007.

img
 

“... Sáng mồng hai Tết chúng tôi đã phát động “Tết trồng cây”. Buổi sáng, cứ hai người được phát một chiếc thó mới tinh cộng với một chiếc búa. Chỉ tiêu đưa ra là mỗi người trồng một cây sống. Phần thưởng là 10 cân... rau xanh cho bộ phận nào trồng được nhiều cây sống nhất. Mấy anh lính trẻ vừa từ đất liền ra thay quân, tay cứ mân mê chiếc thó, mặt mũi ngẩn ngơ.

Trồng cây thì phải mang xẻng, cuốc ra chứ, ai lại mang cái thó sắt ngắn tũn ra, kiểu như trẻ con đi ngoáy dế thế này thì trồng cây sao được. Ngay sau lễ phát động, cánh lính trẻ đã quăng thó, bỏ búa, mỗi anh một cái xẻng hăng hái phóng ra bãi cát san hô phía sau cột mốc chủ quyền. Sức khỏe tốt, lưỡi xẻng sắc, vậy mà không sao ấn được xuống cát. Thì ra trên bề mặt đảo chỉ có lớp cát khoảng hai chục phân, còn bên dưới toàn đá san hô.

Bấy giờ, mấy chàng mới cuống cuồng đi tìm thó, tìm búa. Cái giống đá san hô ngấm nước biển lâu ngày dẻo như kẹo kéo, thành thử các chiến sĩ phải nậy từng tí một. Đến chiều, đầu những chiếc thó đã xòe ra như rau muống chẻ mà cái hố trồng cây vẫn nông choèn.

Thế nhưng đến ngày mồng 5 Tết, cụm của Tài đã đào được gần hai chục hố sâu lút đầu người. Bấy giờ cát, lá cây mới được cho vào hố ủ, chờ đến giữa xuân bắt đầu trồng cây.

img
 

Khi chúng tôi ra đảo, gần hai chục cây phong ba do Tài và các chiến sĩ trồng đã nhú những mầm xanh mướt. Tài lôi dưới gầm giường ra một ba lô nặng chịch khoe với tôi “của chìm” toàn những chiếc thó cũ chỉ còn ngắn cỡ ngón tay. Tài bảo: “Tôi sẽ đem về đất liền làm kỷ niệm...”.

Cho đến hè vừa rồi (2011), Tài (quê Bắc Giang) đưa vợ xuống Hà Nội chơi. Gặp chúng tôi, vợ cậu ta chưa hết xúc động “Cứ mỗi lần nhìn những chiếc thó cũ của anh Tài, em lại rưng rưng cảm phục ý chí của bộ đội Trường Sa. Cũng vì thế mà em yêu chồng hơn...”.

“Trưởng nhớ… u”

Đêm 30 Tết, trời trên đảo nhờ nhờ tối. Sóng biển vẫn ì oạp đập vào thềm san hô. Thiếu tá Phạm Văn Hiến, Đảo trưởng đảo Phan Vinh đi kiểm tra một vòng quanh đảo trước khi về sở chỉ huy chuẩn bị cho bộ đội đón giao thừa. Khi đến gần trạm canh gác phía Tây của đảo, anh bỗng nghe tiếng sụt sịt lẫn vào tiếng sóng biển.

Chẳng lẽ trời rét thế này mà bọn vích cũng mò vào đảo hay sao? Hướng tai ra phía biển, Hiến chẳng nghe thấy gì. Quay về phía vọng gác, tiếng sụt sịt có vẻ rõ hơn. Hiến tiến về phía vọng gác và thấy một chiến sĩ trẻ, vai mang súng, tay cầm thứ gì giống như một tấm ảnh.

Nhìn hình dáng, anh nhận ngay ra Trung sĩ Bùi Đình Trưởng, Khẩu đội trưởng pháo 23mm. Cậu này mới ra đảo nhận nhiệm vụ chưa được 1 tháng. Trưởng quê Nam Định, cao ráo, đẹp trai, nói năng khá trôi chảy, hình như đã có bạn gái ở quê, bởi lần nào tàu ra cũng thấy Trưởng nhận được một xấp thư, nét chữ mượt mà. Gia đình cậu ta bố mẹ còn khỏe. Trưởng là con út, trên còn có anh và chị gái.

img
 

Hiến gõ nhẹ vào vách vọng gác. Trung sĩ Trưởng giật mình, giấu ngay vật đang cầm trên tay vào ngực áo. Nhìn thấy đảo trưởng, anh chàng quệt ngang mắt rồi nức nở: “Anh ơi...ơ... i! Em nhớ... nhớ... u em quá”. Hiến nhẹ nhàng động viên: “Nào bình tĩnh đi, chiến sĩ Trường Sa phải cứng cáp như cây phong ba trên đảo. Ai lại như đào, như liễu thế kia. Ở nhà mà biết chuyện thì xấu hổ chết...”. “Dưng mà, dưng mà em nhớ...”. “Nhớ u chứ gì? Hoàn thành nhiệm vụ trên đảo, cậu sẽ tha hồ ở cạnh u. Chỉ sợ lúc ấy cậu lại nhớ chúng tớ ở đảo thì khó mà ra được...”.

img
 

Sáng mồng một Tết, Hiến đi kiểm tra các phân đội trước khi tổ chức chấm giải trang hoàng nơi đón Tết. Khi đến chỗ Trưởng nghỉ, Hiến phát hiện ra trong yếm ba lô của Trưởng có tấm hình một cô gái khá xinh. Anh chợt hiểu ra câu chuyện của Trưởng trong vọng gác tối qua.

Lúc ấy Trưởng cũng đi rửa mặt về, Hiến vờ như không biết hỏi nhỏ: “Trưởng này, sao u cậu... trẻ thế?”. “Dạ... dạ đấy là... là ảnh... u em hồi trẻ đấy ạ”. Biết là cậu chiến sĩ của mình nói dối, anh bèn bâng quơ: “Ừ, u... xinh thế nên nhớ là phải”. Nghe câu nói của đảo trưởng, mặt mũi Trưởng đỏ lựng...

img
 

Cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ trên đảo, ngày chuẩn bị theo tàu vào đất liền nhận nhiệm vụ mới, Trưởng mới khai thật với đảo trưởng Hiến: “Đêm giao thừa ấy, bất chợt bị anh bắt gặp nên em ngượng, đành nói dối là... nhớ u. Chuyện này, em xin anh đừng nói cho ai biết, kẻo em xấu hổ chết...”.

Giữ lời hứa với Trưởng, mãi sau này Hiến mới kể cho mình tôi nghe. Thế nhưng không hiểu tại sao, ngay sau khi Trưởng về đất liền thì anh em trong phân đội thuộc Lữ đoàn 146 đã gọi Trưởng bằng biệt danh “Trưởng nhớ u”. Đến bây giờ ở Lữ đoàn 146 vẫn còn cái biệt danh ấy...

Theo Sức khỏe