Nắng ngập tràn và dã quỳ rực rỡ
Tết trên Công trường lúc nào cũng thật đặc biệt. Công trình thuỷ điện Yaly thuộc hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Sêsan. Với diện tích trên 20km2, công trình Nhà máy thủy điện Yaly nằm giáp ranh giữa 2 huyện Chưpăh (Gia Lai) và huyện Sa Thầy (Kon Tum). Nhà máy thủy điện Yaly có tổng công suất lắp đặt 720mw và điện lượng bình quân nhiều năm là 3,68tỉ KWh, là công trình lớn thứ 2 sau Công trình thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà.
Công trường thủy điện Yali |
Có dịp ăn Tết sớm trên công trường Thủy điện Yaly khi nhà máy đang ở thời điểm thi đua cho phát điện tổ máy 1. Ấn tượng với chúng tôi khi tới đây là tiết xuân thật đặc biệt. Ban ngày nắng nhưng lại se lạnh về đêm. "Đúng là một cô gái khó chiều nhưng sự "đỏng đảnh" ấy khiến người ta muốn chinh phục"- chúng tôi vẫn nhớ rõ câu nói đó của một kỹ sư rất trẻ tên Hà, khi đó chắc khoảng 23-24 tuổi, mới tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội đã vào Yaly công tác để thử sức mình. "Ở nhà "chê" bánh chưng nhưng đúng là đi xa lại nhớ, lại thèm dù ở đây Tết vẫn có bánh chưng. Vì lá dong với nếp quê nhà hình như thơm hơn, ngậy hơn", Hà bày tỏ.
Chúng tôi được đắm mình trong sắc vàng của hoa dã quỳ. Dã quỳ vàng rực trước cổng nhà, trên những con đường dẫn đến khu nhà của cán bộ, công nhân thủy điện Yaly. Tết công trường nơi đây ngập tràn nắng tôn lên vẻ đẹp khỏe khoắn của những miền dã quỳ vàng rực rỡ cùng màu lá xanh ngăn ngắt.
Những đường hầm khổng lồ "nuốt chửng" từng đoàn người. Bụi, tiếng ồn khiến Tết dường như ở rất xa. Vậy mà chúng tôi còn nguyên cảm xúc khi nhớ về một công nhân lành nghề trong đường hầm có gương mặt đầy bụi bặm với chiếc mũ bảo hộ gửi gắm lòng mình: "Nhớ tết quê nhà lắm vì những mưa xuân, mưa phùn se lạnh thật là không đâu có được".
Tết trên công trường thủy điện Yaly cũng khá đặc biệt. Phần lớn là anh em kỹ sư công nhân ngoài Bắc vào, nên ngoài món ăn của địa phương nơi "đóng quân" vẫn không thể thiếu món bánh chưng quê nhà. Lãnh đạo tập đoàn Sông Đà cũng lo cho anh em chu đáo, có hoa đào, bánh chưng, giò, thịt... "Thoáng sắc hoa đào trên tivi cũng là thấy mùa xuân”- nỗi nhớ Tết miền Bắc của người công nhân với gương mặt xạm nắng gió nơi vùng đất Tây Nguyên nắng gió khiến chúng tôi biết yêu Tết hơn. Giờ đây, khi Yaly đã trở thành một nhà máy thuỷ điện bề thế, nhưng những người đã từng ăn tết ở công trường Yaly năm nào, chắc chắn không quên được cái tết nắng và dã quỳ ở vùng đất Tây Nguyên này.
Thắp sáng cho ngày mai
Vắng bích đào của đồng bằng nhưng đào núi ở Sơn La lại mang một vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ khiến cho Tết ở Thủy điện Sơn La mang sắc màu đặc biệt. Những cây đào núi cành vươn cao hoang dã điểm lộc xuân với những cánh đào mong manh lại là món quà được người thân dưới xuôi mong chờ.
Công trường thủy điện Sơn La |
Năm 2011, Tập đoàn Sông Đà đã hoàn thành tiến độ phát điện các tổ máy số 2, 3, 4 thủy điện Sơn La, 3 tổ máy Thủy điện Sử Pán 2 và 2 tổ máy thủy điện Hương Sơn, hoàn thành mục tiêu chống lũ Thủy điện Lai Châu; Hủa Na; Bản Chát; Huội Quảng; Đăkrinh... Để có công trình bề thế, công nhân kỹ sư trên các công trường thủy điện đã lao động quên mình và chấp nhận xa nhà triền miên ngay cả khi Tết về.
Ông Kim Mạnh Hà (Phó Chủ tịch Tập đoàn Sông Đà), người gắn bó nhiều với công trường Thủy điện Sơn La cho biết, lúc cao điểm công trường có tới trên 15 ngàn người làm việc. Nhiều kỹ sư, công nhân của tập đoàn nhiều năm đón Tết xa nhà. Có năm Tết về nhưng lại là thời điểm công trình đang “căng” tiến độ, anh em chỉ được nghỉ từ chiều 30 Tết để quầy quần cùng nhau bên mâm cơm tất niên tiễn năm cũ, đón năm mới rồi sáng mùng 2 Tết lại lao vào công việc. Nhưng ăn Tết ngay tại công trường nơi đang thi công lại là “xúc tác” thêm gắn bó với nhau.
Với những cán bộ, công nhân Công ty CP Sông Đà 9, thuộc Tổng Công ty Sông Đà đơn vị thi công trên công trường Nhà máy thủy điện Sơn La tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, cuộc đời quanh năm gắn với các công trình Thuỷ điện trên cả nước. Từ Trị An trước đây, sau đến Sông Hinh lại về Sông Đà rồi bám trụ ở Sơn La. Tết Tân Mão vừa rồi, thợ hàn Nguyễn Văn Thanh, quê ở Nghệ An, mới 22 tuổi mà đã có tết thứ 3 xa quê.
Một người thợ trẻ, 23 tuổi đời quê ở Thanh Hóa ví von “Chỉ khoảng 10% số thợ trên công trình được về nhà nghỉ Tết. Ai bắt thăm được là coi như trúng số độc đắc”. Tết Nhâm Thìn này, hàng ngàn người lính thủy điện vẫn đón Tết xa nhà. Tất cả cho dòng điện ngày mai của tổ quốc.