Với việc chỉ số VN-Index tiệm cận ngưỡng 1000 điểm, nhà đầu tư đã cho thấy sự thận trọng cao trong quyết định mua bán cổ phiếu. Bên cạnh đó, sự đi xuống của các thị trường chứng khoán Châu Á trong phiên hôm nay cũng đã tác động tiêu cực lên thị trường Việt Nam.
Thị trường sụt giảm khá ngay đầu phiên giao dịch, sau đó hồi phục vào giữa phiên rồi quay trở lại với sắc đỏ khi đóng cửa. Kết phiên ngày 5/2, VN-Index giảm nhẹ 1,54 điểm (0,15%) xuống 992,45 điểm. Thanh khoản giao dịch đạt trên 5.900 tỷ đồng, tăng khá so với trung bình các phiên trước đó. Còn trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng giảm 0,28 điểm (0,26%) xuống 108,24 điểm.
Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường trong phiên hôm nay
Thị trường trong phiên hôm nay không có nhóm cổ phiếu nào đủ mạnh để làm trụ đỡ và dẫn dắt đà tăng điểm. Nổi bật nhất là một vài cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngành ngân hàng – bảo hiểm, cụ thể là BID tăng 3%, BVH tăng 1,7%, VCB và CTG tăng nhẹ. Ngoài ra còn một số ông lớn khác như GAS, SAB cũng có được sắc xanh và đóng góp tốt cho thị trường.
Các cổ phiếu thị giá thấp tiếp tục thu hút được dòng tiền lớn, điển hình là FLC, HAG, HSG, TSC, FIT, HQC, DLG…
Ở chiều ngược lại, nhiều bluechips “hạng nặng” lại đuối sức trong phiên hôm nay. VIC (Vingroup) giảm nhẹ 100 đồng, VHM (Vinhomes) mất 2.200 đồng, MSN cũng giảm nhẹ 100 đồng, PLX giảm 1000 đồng.
Đáng chú ý, cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 tiếp tục diễn biễn rất tiêu cực khi giảm kịch sàn phiên thứ hai liên tiếp. Kết phiên hôm nay, YEG mất 15.900 đồng xuống 212.000 đồng/cổ phiếu. Tính cả phiên hôm qua, YEG đã giảm 15,6% giá trị, vốn hóa của tập đoàn này bốc hơi khoảng 1.010 tỷ đồng.
Sự cố lớn với Youtube gây thiệt hại không nhỏ cho Yeah!
Đà bán tháo của nhà đầu tư tại YEG diễn ra ngay sau khi Yeah1 thông báo về việc YouTube chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA - Content Hosting Agreement) sau ngày 31/3/2019 đối với các công ty con/công ty đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của Tập đoàn này, bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Tập đoàn Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh không phù hợp với chính sách của YouTube. Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc Tập đoàn Yeah1.
Hiện Yeah1 đang là đơn vị quản lý hàng ngàn kênh Youtube lớn nhỏ với hàng tỷ lượt xem mỗi tháng. Việc YouTube ngừng hợp tác đồng nghĩa Yeah1 Network sẽ không thể thu nhận và quản lý tiền quảng cáo của tất cả kênh YouTube có trong hệ thống.
Trước đó không lâu, vào đầu năm 2019, Yeah1 thông báo chi tối đa 20 triệu USD để mua lại ScaleLab – một công ty tại Mỹ chuyên về tối ưu hóa nội dung và tối đa hóa người xem trên YouTube. Ngay sau thương vụ ScaleLab, Yeah1 tiếp tục mạnh tay chi hàng triệu USD để mua lại Thoughtful Media (Mỹ) và Thoughtful Thailan Limited (Thái Lan) với tham vọng trở thành “ông trùm” trong lĩnh vực hệ thống video kỹ thuật số của thế giới.
Cổ phiếu của HAGL bất ngờ tăng đột biến về giá và khối lượng giao dịch.