Đặc biệt, Chủ tịch nước cũng đã gửi những tình cảm tin cậy và thân thương nhất đến đông đảo bà con nông dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Kính thưa Chủ tịch nước, năm 2012, do suy thoái kinh tế thế giới và trong nước, sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, xin Chủ tịch nước cho biết những giải pháp vĩ mô của Đảng, Nhà nước ta để khắc phục trong ngắn hạn và dài hạn những khó khăn này?
- Đảng, Nhà nước ta đã xác định về dài hạn, cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, sẽ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và các khuôn khổ pháp lý; phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn Báo NTNN nhân dịp đón xuân mới. |
Trước mắt, Đảng, Nhà nước ta chủ trương tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Một mặt, tiếp tục thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ chặt chẽ; mặt khác miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp, cán bộ hưu, người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa... Chúng ta tin rằng, với những giải pháp trước mắt và lâu dài, ngắn hạn và dài hạn như vậy, nhất định đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn hiện nay, tiếp tục phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững trong những năm tới.
Thưa Chủ tịch nước, góp phần vào sự tăng trưởng chung của đất nước, trong đó có những đóng góp rất lớn của nông nghiệp, nông thôn. Vậy, Đảng, Nhà nước tới đây sẽ có chủ trương gì để hỗ trợ, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển?
- Ở bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng Việt Nam, nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng đều có những đóng góp to lớn về mọi mặt, cả về kinh tế lẫn ổn định chính trị, xã hội. Ngay trong khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới mấy năm vừa qua, nếu không có sự phát triển vững chắc của nền nông nghiệp, không có sức mạnh dồi dào của lương thực, thực phẩm, của các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, chắc rằng tác hại của ảnh hưởng kinh tế thế giới vào nước ta sẽ còn dữ dội hơn nhiều...
Mặc dù có vai trò hết sức quan trọng và có nhiều đóng góp to lớn về nhiều mặt, nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi vẫn còn là sản xuất nhỏ, trình độ khoa học công nghệ thấp, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn yếu. Nông thôn là khu vực mà tỷ lệ dân số rất cao, nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng ở nhiều nơi vẫn còn rất yếu kém; đời sống nông dân mặc dù đã được cải thiện song còn nhiều khó khăn...
Vì vậy, để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khu vực này, T.Ư đã ra Nghị quyết về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp toàn diện, gắn với công nghiệp chế biến, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, chế biến hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.
Đồng thời, Đảng, Nhà nước ta triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hướng vào xây dựng lại hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, phát triển văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị ở nông thôn.
Chúng ta tin rằng, thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nước ta nhất định sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới.
Thưa Chủ tịch nước, truyền thống của người Việt Nam ta, mỗi dịp Xuân về, lại nghĩ nhiều hơn đến những người có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi, trẻ em tàn tật, những người có hoàn cảnh không may. Đảng, Nhà nước ta đã làm gì để hỗ trợ, giúp đỡ những đối tượng này?
- Dân tộc ta có truyền thống nhân ái “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” hết sức tốt đẹp. Kế thừa và phát huy truyền thống đó, từ ngày thành lập nước đến nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, ban hành nhiều chính sách xã hội, hình thành một hệ thống cơ chế, chính sách tương đối đồng bộ để bảo vệ, chăm sóc tốt hơn những người tàn tật, trẻ em mồ côi, những người có hoàn cảnh khó khăn...
Chính phủ cũng đã phê duyệt các đề án chăm sóc trẻ em tàn tật, trẻ em mồ côi, trẻ em lang thang, trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học, nhiễm HIV/AIDS và trợ giúp người tàn tật... Nhà nước cũng đã dành một nguồn lực quan trọng để thực hiện các chính sách, vừa tăng cường công tác truyền thông, tạo sự quan tâm của xã hội, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc, giúp đỡ người tàn tật, trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn, không may mắn ở nước ta, tạo điều kiện và cơ hội cho họ vươn lên, hòa nhập với cộng đồng.
Tôi cũng được biết các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân, các đơn vị kinh tế, tổ chức xã hội đã có nhiều cố gắng, không những thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với người tàn tật và trẻ em mồ côi, mà còn có nhiều nghĩa cử cao đẹp với các đối tượng thuộc diện chính sách, đã góp công, góp của, chia sẻ, nuôi dạy, đỡ đầu, dạy văn hóa, dạy nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh, phẫu thuật phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ chỉnh hình, làm nhà tình thương, nhà “Đại đoàn kết”, cùng nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện khác đã trở thành việc làm thường xuyên trong xã hội ta.
Những việc làm ấy vừa thể hiện trách nhiệm với xã hội, vừa thể hiện tính nhân đạo, sống có nghĩa, có tình, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Nhân dịp đầu Xuân mới Nhâm Thìn, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, có nhiều hành động cụ thể, thiết thực vì người tàn tật, trẻ em mồ côi, đặc biệt là những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa và những người là nạn nhân chiến tranh.
Thưa Chủ tịch nước, Xuân về cũng là thời điểm nặng lòng nhất của những người Việt xa xứ, Chủ tịch có nhắn gửi gì đến đông đảo kiều bào ta ở nước ngoài?
- Chúng ta vui mừng thấy rằng, mặc dù sống xa quê hương, song đại đa số đồng bào ta vẫn luôn nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức giữ gìn truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam, không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc ở nơi định cư, sinh sống, đồng thời vẫn luôn hướng về cội nguồn, gắn bó với gia đình, quê hương và suy nghĩ, trăn trở để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Trong thời gian tới, tôi mong đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định, thành đạt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước.
Đầu Xuân, qua Báo NTNN, tôi thân ái gửi đến đông đảo bà con nông dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc những tình cảm tin cậy và thân thương nhất; tôi gửi tới những người khuyết tật, tàn tật, các cháu nhỏ có hoàn cảnh không may sự sẻ chia và những lời chúc tốt đẹp nhất; tôi bày tỏ sự trân trọng đối với tấm lòng và tâm huyết của bà con kiều bào ta ở nước ngoài, chung sức, chung lòng cùng đồng bào trong nước xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước!
Phan Huy Hà (thực hiện)