Dân Việt

Cứu sống bé trai suy tim nhờ hệ thống phổi nhân tạo

Quốc Hải 06/03/2019 12:16 GMT+7
Bị suy tim nặng có nguy cơ nguy kịch, bé trai được các bác sĩ can thiệp bằng cách đưa máu ra khỏi cơ thể từ tĩnh mạch qua màng lọc có chức năng như phổi của con người. Màng lọc sẽ gắn kết máu với oxy trước khi trả lại về tĩnh mạch để đi vào cơ thể trở lại.

img

Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhi (Ảnh: Quốc Hải)

Bé trai 15 tuổi, ngụ TP.HCM, nhập BV Quận Thủ Đức trong tình trạng sốt cao, khó thở, tay chân lạnh, rối loạn tri giác, suy tim nặng. Nhận thấy tình trạng của bệnh nhi quá nguy kịch, đe dọa tính mạng, các bác sĩ BV Quận Thủ Đức nhanh chóng hội chẩn với các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 và quyết định chuyển bé đến BV Nhi Đồng 1.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức Chống độc tích cực BV Nhi Đồng 1 cho biết, sau khi thăm khám nhận thấy bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết nặng, dẫn đến viêm cơ tim cấp, tổn thương đa cơ quan, nguy cơ tử vong cao, không thể chữa trị bằng can thiệp thông thường, bác sĩ đã tiến hành hội chẩn với BV Chợ Rẫy và quyết định dùng kỹ thuật ECMO (kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể, máu sẽ được đưa ra khỏi cơ thể bệnh nhân và chạy qua một hệ thống máy có màng lọc sau đó trả về cho người bệnh) để cứu bệnh nhi.

“Viêm cơ tim là tình trạng các tế bào cơ tim bị tổn thương dẫn đến hiện tượng viêm, hoại tử tế bào cơ tim. Có nhiều nguyên nhân gây viêm cơ tim, trong đó nguyên nhân hàng đầu là nhiễm một số loại virus hoặc vi khuẩn. Hiện các biện pháp dự phòng viêm cơ tim chủ yếu vẫn là giữ gìn sức khỏe (nhất là đối với trẻ em, người già, phụ nữ có thai, những người mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch…), giữ gìn vệ sinh chung, chống ô nhiễm môi trường, cách ly đối với những bệnh nhân bị nhiễm virus có nguy cơ viêm cơ tim cao và tiêm chủng đối với một số virus như rubella, influenza…”, BS Quang chia sẻ thêm.

Theo BS Quang, sau khi hội chẩn với BV Chợ Rẫy, đơn vị này đã cử BS Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu (BV Chợ Rẫy) nhanh chóng đến BV Nhi Đồng 1 để hỗ trợ các bác sĩ tại đây thực hiện kỹ thuật chạy ECMO để cứu chữa bệnh nhi.

“Sau 30 phút chạy máy lọc máu, tình trạng huyết động học của bệnh nhi có cải thiện, bệnh nhi được dùng kháng sinh liều cao. 4 ngày sau đó, bệnh nhi thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Sau 12 ngày, tình trạng bệnh nhi ổn định. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhi hồi phục dần, đã cai máy thở, ăn uống được và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới…”, BS Quang cho biết.

Theo BS Phan Thị Xuân, có những ca bệnh suy hô hấp cấp, suy tim cấp tưởng như đã vô phương cứu chữa nhưng nhờ kỹ thuật ECMO bệnh nhân đã từ cõi chết trở về.

Cụ thể, hệ thống máy sẽ thay thế chức năng của phổi trong những trường hợp bệnh nhân suy hô hấp. Máu được đưa ra khỏi cơ thể từ tĩnh mạch qua màng lọc có chức năng như phổi của con người, màng lọc sẽ gắn kết máu với oxy trước khi trả lại về tĩnh mạch để đi vào cơ thể. Tương tự, việc lấy máu từ tĩnh mạch qua hệ thống màng lọc nhưng được trả về động mạch sẽ được áp dụng cho những trường hợp cần hỗ trợ tuần hoàn (hỗ trợ tim). Tuy nhiên, đây là kỹ thuật có chi phí điều trị rất cao.

Được biết, bệnh nhi nhà rất nghèo, em đã nghỉ học và đi làm kiếm tiền phụ gia đình, em không có bảo hiểm y tế. Chi phí chạy máy và chữa trị cho bé đã lên đến con số nửa tỷ đồng. Bệnh viện đang tìm cách nhờ các tổ chức xã hội chung tay giúp đỡ bệnh nhi.