Dân Việt

Phiếm đàm về chữ “ổn”

27/01/2012 07:36 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là chữ “ổn” trong mệnh đề “phi nông bất ổn”, một đúc kết kinh nghiệm ngàn đời không chỉ riêng của ông cha ta trong sự nghiệp dựng nước.

Đúc kết mang tính quy luật của sự nghiệp dựng nước và phát triển đất nước. “Nông” đứng hàng đầu chuỗi quan hệ “sĩ nông công thương” với mối tương tác biện chứng: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”. Với nền nông nghiệp lạc hậu kéo dài triền miên như nước ta thì sự khái quát nói trên càng có ý nghĩa lớn lao: Vừa là đúc kết kinh nghiệm lịch sử vừa là định hướng cho những dặm đường phía trước của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

img
 

Chỉ cần coi nhẹ một trong bốn hoạt động nằm trong chuỗi quan hệ đó là cỗ xe của dân tộc sẽ rơi vào tình thế “Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” (Truyện Kiều) trên con đường trải dài với bao “Hình khe thế núi gần xa, dứt thôi lại nối thấp đà lại cao” (Chinh phụ ngâm), thậm chí có thể chập choạng “Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” (Cung oán ngâm khúc), không tìm thấy lối ra.

Thế nhưng hiểu chữ “ổn” thế nào cho thỏa đáng đây? Có sự ổn định trì trệ mà cũng có sự ổn định để phát triển. Khi mà con thuyền đất nước đã từ ao nhà ra biển lớn thì người ta ngày càng hiểu ra rằng sóng đại dương khác một trời một vực với thứ “sóng biếc theo làn hơi gợn tí” ru người trong “chiếc thuyền câu bé tẻo teo” đang ngủ quên trên ao làng của cụ Yên Đổ ở cuối thế kỷ XIX! Đã có lúc từ cái ao làng đó người đã ra đến sát mép Thái Bình Dương mênh mông sóng vỗ, nhưng hãi sóng nước lại quay về với niềm an ủi “Ta về ta tắm ao ta, Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Cái kiểu tư duy “ta về ta tắm ao ta”, ngại mở cửa, ngại đổi mới đã làm chậm bước chủ động hội nhập để rồi phải trả giá. Dần dần, chúng ta hiểu ra rằng, cái mất oan uổng nhất là mất thời cơ lịch sử! Nghiêm khắc nhìn lại những bước đường lịch sử, đã từng có những cái mất oan uổng đó mà e rằng chỉ riêng chặng đường lịch sử đương đại cũng đã có quá nhiều những điều “Rằng hay cũng thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” (Nguyễn Du).

Lối tư duy tiểu nông được biến thái và thăng hoa trong chủ nghĩa giáo điều, duy ý chí khước từ kinh tế thị trường đã làm chậm bước tiến của lịch sử khiến cho trong sự ổn định trì trệ kéo dài, cái cày chìa vôi từ đời Lý vẫn còn hiện diện cùng với máy cày, máy gặt đập trên cánh đồng Việt Nam thế kỷ XXI. Chẳng thế sao, xin hãy đọc bài “ca dao mới” vừa xuất hiện gần đây:

“Dưới đồng ông lão đi bừa,

Hệt như cụ cố ngày xưa đi cày

Rõ ràng là, nếu duy trì một sự “ổn định” kiểu này thì lịch sử bị kéo lùi hàng trăm năm. Đừng quên rằng, sự giằng co giữa “bảo thủ” và “đổi mới”, giữa “trạng thái cân bằng cũ” với “sự mất cân bằng tạm thời” luôn luôn diễn ra trong mỗi sự vật, mỗi con người cũng như mỗi xã hội để tự phát triển.

Không có một con mắt biện chứng để nhìn sự vật, thì khó mà thấy đuợc sự mất cân bằng tạm thời nhằm phá vỡ sự ổn định trì trệ chính là nhân tố thúc đẩy phát triển. Vì vậy, phải đầu tư thích đáng cho nông thôn, nâng cao trình độ học vấn và tri thức sản xuất, kinh doanh cho thế hệ trẻ nông dân, chuyển dịch cơ cấu đầu tư để thay đổi được cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động để tạo nên một diện mạo nông thôn mới.

Vì thế, chữ “ổn” trong “phi nông bất ổn” chỉ có ý nghĩa khi chữ “nông” được hiểu một cách đầy đủ trong chỉnh thể nông dân, nông thôn, nông nghiệp. Chỉ nói nông nghiệp mà không nói rõ chủ thể của cái nghiệp ấy là người nông dân, không nói đến địa bàn hoạt động của nó là nông thôn với cơ sở vật chất và diện mạo tinh thần của nó là chỉ nhìn thấy cái ngọn mà không tìm ra cái gốc. Quên “con người”, coi nhẹ nhân tố “con người”, quên chú ý đến nông thôn, “môi trường sống của con người đang làm nông nghiệp”, đây là “sự quên” chết người! Ấy vậy mà đã có lúc “quên” đấy thôi.

Thì ngay trên diễn đàn Quốc hội vừa rồi, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã cảnh báo về chuyện “đầu tư cho nông thôn, nông nghiệp giảm đáng lo”! Cách đây mười năm, tỷ lệ đó chiếm khoảng 13,85% thì đến 2008 giảm xuống còn 6,45% và rồi năm 2010 và năm 2011 chỉ còn khoảng hơn 6%!. Không kịp thời khắc phục sự lệch lạc này thì một sự thật đáng buồn mà người viết bài này đã đưa ra cách đây hơn mười năm: “Nông thôn sẽ là nơi những ai có chút hoài bão sẽ rời xa, thanh niên nông dân ra tỉnh kiếm việc làm hoặc học hành có chút kiến thức sẽ nhất quyết không về lại nơi mình đã ra đi”.

Vì sao? Vì thừa lao động, thiếu việc làm vì thiếu đất, vì mất đất, vì năng suất thấp không đủ bù vào giá vật tư nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp tăng, phải bỏ làng ra phố làm thuê, đến các khu công nghiệp bán sức lao động rẻ mạt, tạo nên“lợi thế giá nhân công rẻ”! Nông thôn cũng lại là nơi gánh chịu những hệ lụy mà công nghiệp hóa và đô thị hóa gây nên.

Những rác rưởi của công nghiệp thải về nông thôn ngày càng nhiều. Những dòng sông “nước gương trong soi tóc những hàng tre” đang ngả sang màu đen sẫm và bốc mùi. Các làng nghề phát triển tự phát và thiếu sự quản lý chặt chẽ đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến tuổi thọ của cư dân làng nghề giảm mười năm so với nơi khác.

Xót xa hơn nữa khi thị trường nông thôn là nơi tiêu thụ những hàng “quá đát” mà đô thị thải về. Không phải bà con ta không thấy được điều tồi tệ đó nhưng vì quá nghèo nên đành “nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu!”

Chữ Đại hay chữ Thái?

Tương truyền thuở nhỏ, một hôm cậu bé Lê Quý Đôn cởi truồng đi tắm với các bạn. Có một vị quan Thượng thư đồng liêu với cha (là Lê Trọng Thứ) tới thăm, hỏi đường đến nhà. Cậu liền đứng dạng chân và dang tay ra bảo quan Thượng:

Nếu ông biết được cháu đang ra dấu chữ gì, cháu sẽ chỉ nhà cho ông.

Quan Thượng cũng tha thứ cho sự nghịch ngợm của tuổi trẻ nên bỏ đi. Cậu cười ầm lên và bảo với các bạn:

Ông ấy làm quan to mà không biết chữ các bạn ơi!

Quan Thượng bực mình quay lại nói:

Trẻ con đừng hỗn láo. Mày mới học lỏm được chữ Đại mà đã dám đi trêu chọc người rồi.

Cậu càng cười to hơn:

Thế thì ông không biết chữ thật! Có cái chấm ở dưới nữa thì là chữ Thái chứ sao lại chữ Đại!

Liệu có thể tạo ra sự “ổn định” với việc cổ vũ cho thái độ cam chịu “một sự nhịn là chín sự lành”. Thái độ cam chịu đó có thể xuất phát từ một phẩm tính tốt đẹp của người nông dân là “sự tha thứ ”, cũng có thể là một dạng phái sinh của “sự thích nghi”, vốn là một nhân tố tích cực trong phẩm tính nông dân!

Tuy vậy, không thể không nói lên một sự thật nghiệt ngã: Do sống quá lâu trong sự thiếu thốn nên chỉ cần một chút cải thiện được ban phát là phần lớn bà con nông dân ta đã thành thật tri ân. Phải nhìn cho ra đây là một di chứng của tập quán thần phục “thần dân” kéo dài trong lịch sử mà không phải là tư thế công dân trong một thể chế dân chủ. Di chứng này đang biến thành liều thuốc an thần nhằm làm dịu đi những bức xúc, và cùng với nó, làm thui chột hoặc triệt tiêu khát vọng bứt phá nhằm thay đổi cuộc sống của mình.

Liệu có thể vô tư đánh đổi một nông thôn xanh tươi và hài hòa với thiên nhiên, nơi ấp ủ nền văn hóa truyền thống dân tộc, nơi nuôi dưỡng sự trong lành, ấm áp của tuổi thơ bao thế hệ Việt Nam, để đổi lấy những ngôi nhà bê tông vô hồn đang kệch cỡm mọc lên, đổi lấy một lối sống lai căng ngấu nghiến những cặn bã của văn minh đô thị chưa kịp tiêu hóa, đổi lấy những dòng sông đen đang cạn kiệt nguồn nước tưoi mát bao đời tắm tưới, thanh lọc tâm hồn Việt Nam bằng một chữ “ổn” được hiểu một cách lệch lạc theo hướng “ổn định trì trệ”?

Ước gì cụ Lê Quý Đôn sống lại để nhờ cụ, với sự uyên bác tuyệt vời thêm vào chữ “ổn” một nội dung mới theo cách biến chữ “đại” thành chữ “thái” trong truyền thuyết dân gian xưa thì hay biết mấy!