Phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp (ảnh daibieunhandan.vn).
Ngày 6.3, Uỷ ban Tư ban của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.
Để xuất quy định người thi vi phạm là rớt ngay
Giải trình tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã đề cấp tới nhiều vấn đề, trong đó có công tác đào tạo sát hạch lái xe.
“Việc này hiên nay chúng tôi đã chỉ đạo tập trung rất cao độ. Chúng tôi vừa tham mưu cho Chính phủ cuối năm 2018 ban hành Nghị định 138 về trách nhiệm của các cơ sở đào tạo cấp giấy phép lái xe, tăng cường, thay đổi nội dung giảng dạy, tăng cường giám sát chất lượng giảng dạy, tăng cường giám sát kiểm tra và các tình huống tập lái xe trong sa hình”, Bộ trưởng Thể cho biết.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể (ảnh IT).
Ông cho biết thêm, đang đề xuất một số quy định trong đào tạo và thi lấy giấy phép lái xe (GPLX) nếu học viên vi phạm là cho rớt luôn. Ví dụ như người thi vi phạm đèn đỏ báo hiệu giao nhau với đường sắt; trường hợp đường đèo vẽ một vạch sơn liền, nếu người thi giấy phép lái xe vi phạm cũng cho rớt ngay.
Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay tất cả các cơ sở đào tạo GPLX là xã hội hoá. “Chúng tôi đã điều chỉnh lại nghị định, thông tư, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát. Những cơ sở vi phạm có thể sẽ bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn để bảo đảm tính răn đe. Đây là loại hình đào tạo đặc biệt, cần xử lý nghiêm một số cơ sở đào tạo vi phạm để bảo đảm cho các cơ sở khác”, Bộ trưởng Thể nói.
Giải pháp phải cụ thể
Về quản lý vận tải, theo người đứng đầu ngành Giao thông hiện nay cơ quan chức năng đang đi theo hướng quy trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) vận tải. Ông cho rằng với lái xe thì vài năm thi một lần, định kỳ có kiểm tra. Còn quy trình vận hành thì DN là đơn vị quản lý lái xe gần nhất, có trách nhiệm liên đới cả về kinh tế và hình sự.
Vụ tài xế lái đầu kéo containre sử dụng ma túy gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Long An đầu năm 2019 gây bức xúc dư luận (ảnh VNE).
Chúng tôi đang thực hiện theo hướng tất cả các lái xe thuê mà vi phạm thì phải xử lý nghiêm DN hoặc chủ đã giao phương tiện cho lái xe. Lái xe chỉ là người làm công. Từ trước tới nay chúng ta đi theo hướng chỉ xử lý lái xe khi họ gây tai nạn nhưng chúng tôi đi theo hướng xử lý nghiêm từ gốc, tức là xem trách nhiệm của DN. “Tôi nghĩ nếu chúng ta hoàn chỉnh được quy định và bảo đảm nghiêm minh thì chỉ cần làm vài vụ vi phạm thì ý thức xã hội sẽ khác”, Bộ trưởng Thể nói.
Ông nói thêm, người sử dụng ma tuý đã là vi phạm pháp luật, những lái xe đã vi phạm pháp luật (sử dụng ma túy) thì không đủ tư cách, đạo đức, điều kiện để lao động như một công dân bình thường.
Ông lấy ví dụ như tại Trung Quốc, hiện nay lái xe mà vi phạm nghiêm trọng sẽ tịch thu bằng vĩnh viễn. “Theo tình hình Việt Nam hiện nay, chúng tôi đang đề xuất nếu lái xe để xảy ra tai nạn nghiêm trọng thì một là thu hồi vĩnh viễn bằng lái, hoặc không cho lái xe nữa, hay tăng thời gian thu hồi bằng lái trong vòng 10,15 năm để bảo đảm tính răn đe. Các tai nạn giao thông hiện nay đa phần rơi vào ý thức chấp hành của lái xe là chủ yếu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Sau giải trình của Bộ trưởng Bộ GTVT, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, từ quan điểm và định hướng như Bộ trưởng Thể, thấy có một số vụ việc chúng ta có thể xử lý được. Theo bà Nga, một số vụ án liên quan đến tai nạn giao thông chúng ta phải làm điểm, kết hợp với Công an, Viện Kiểm sát, Toà án, phải tìm được trách nhiệm của DN vận tải, khi lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng việc đưa chủ DN vận tải ra truy tố thì không dễ. Bởi nếu ở vào trường hợp lái xe của DN mới sử dụng ma túy 1, 2 ngày rồi điều khiển phương tiện gây tai nạn thì không thể đưa chủ DN ra để xử lý được. “Chúng tôi thống nhất về chủ trương nhưng khi bàn giải pháp phải cụ thể”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.