Dân Việt

Ngày đầu năm, bàn chuyện chọn cây để giàu

23/01/2012 07:54 GMT+7
(Dân Việt) - Chúng tôi cũng đã đi khắp đất nước, từ Bắc vào Nam, từ biển khơi lên tận núi non vùng biên giới. Cả 7 vùng sinh thái chúng tôi cũng đã qua. Năm mới tới, ta hãy cùng nhau bàn xem, năm nay nên làm gì?

Một năm vất vả đã trôi đi, với quá nhiều khó khăn, trở ngại nhưng dân mình vẫn kiên cường trụ vững. Ít người khen nông dân. Nhưng, hãy thử làm nông dân một ngày thôi, khối người không làm nổi! Nói vậy chứ, khổ đâu tại số phận và định mệnh, bà con luôn luôn tìm tòi và nghĩ cách để vươn lên.

Chúng tôi cũng đã đi khắp đất nước, từ Bắc vào Nam, từ biển khơi lên tận núi non vùng biên giới. Cả 7 vùng sinh thái chúng tôi cũng đã qua. Cái để khen cũng sẵn, cái để chê cũng nhiều. Thôi thì, năm mới tới, việc cũ bỏ qua. Ta hãy cùng nhau bàn xem, năm nay nên làm gì?

img
 

Ở nông thôn bây giờ, đâu chỉ có chăn nuôi và trồng trọt. Đủ thứ ngành nghề mọc lên, trăm hoa đua nở. Nhưng dù sao, chăn nuôi và trồng trọt vẫn là nền tảng của nông thôn. Trên cả hai mặt trận này, dân mình cũng nếm đủ cả ngọt bùi và cay đắng. Bà con mình quen chịu đựng rồi, vui cũng được, buồn chả sao. Tuy nhiên, cuộc sống phải càng ngày càng vươn lên mới tốt.

Tôi nhớ, năm 2008, rét thấu xương. Trâu bò ở miền núi phía Bắc chết như rạ. Bọn tôi đi một vòng các tỉnh biên giới. Đàn bà thì than thở, kêu khóc, còn đàn ông thì vẫn uống rượu với thịt trâu (mới chết) và cười nói ha hả. Rõ khổ, trâu chết mà vẫn... “lạc quan” lắm! Nhưng tại Công ty Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc (đóng ở Lạng Sơn), chúng tôi ngạc nhiên thấy thanh long vẫn ra hoa tươi tốt.

Té ra, đó là giống thanh long ruột đỏ (lấy từ Đài Loan). Chúng chịu rét rất giỏi, lạnh 10C mà nó vẫn không sao. Kỹ sư Hoàng Lê Minh - Giám đốc công ty cắt một quả cho chúng tôi xem ruột nó đỏ như thuốc tím nhưng ăn lại ngọt lừ. Thật tuyệt! Tôi đã mời nhiều tỉnh lên tham quan. Rất nhiều nơi đã học tập và làm theo. Thanh long ruột đỏ xuất hiện trên thị trường ngày một nhiều. Giá cả chúng vẫn gấp đôi, gấp rưỡi thanh long ruột trắng...

Ở Đăk Lăk, có một chàng trai người Nghệ An phiêu dạt lên đó. Từ một nông dân đi làm thuê, anh nung nấu ý chí muốn đổi đời bằng chính bàn tay và khối óc của mình. Anh chọn cây bơ - một đặc sản của Tây Nguyên để lập nghiệp. Anh say sưa với nó và đi khắp các tỉnh trong vùng để sưu tập bộ giống những cây bơ tốt. Sự nghiệp của anh lại chính từ đây. Anh cần mẫn theo dõi, chăm sóc và lai ghép bơ.

Đến nay, giống bơ Trịnh - Mười của anh nổi tiếng cả nước. Khắp nơi tìm về TP.Buôn Ma Thuột để được gặp anh, học tập anh và lấy giống bơ của anh về trồng. Giống bơ của anh nổi tiếng đến mức có người đã làm giả. Những ai không đến tận nhà, đôi khi mua phải giống bơ Thịnh- Mười rởm trên đường phố. Anh đúng là một “nhà khoa học chân đất”.

Tôi vòng vào Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. Anh hùng Lao động Huỳnh Văn Thòn - Giám đốc công ty mời tôi vào ăn một loại dưa hấu mới. Đó là giống “mặt trời đỏ”. Nó ngọt mát nhưng trong quả không có hạt nào. Đó là giống không có hạt. Nó do Thụy Sĩ sản xuất và Công ty Bảo vệ thực vật An Giang nhận độc quyền phân phối tại Việt Nam. Tôi hỏi, anh cho biết: Ai cần giống, Công ty sẵn sàng cung cấp”. Vậy, sao bà con ta không đưa nhanh nó vào sản xuất. Thị trường rất cần dưa hấu không hạt, có bao nhiêu cũng hết...

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn điện cho tôi. Ông đề nghị tôi đi thăm một loạt các cơ sở đã trồng cây mắc ca. Cách đây 7-8 năm, ông đã đưa giống từ Australia về và giao cho các nơi. Nhiều cơ sở trồng lấy lệ, không chăm sóc gì cả. Có người còn coi nó như cây để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng xong là quên ngay. Ấy ậy mà nó vẫn sống, vẫn ra hoa. Tới nay, trên cây quả chi chít.

Đọc tài liệu mới biết, đó là loại quả khô ngon nhất thế giới. Người ta dùng nó làm nhân kẹo socola, làm nhân bánh cao cấp, sản xuất các loại dầu ăn hảo hạng và các loại dầu dùng trong mỹ phẩm. Nó được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại quả khô”.

Tôi đi thăm rất nhiều cơ sở như: Đá Chông (Hà Nội), Bắc Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và vòng vào Đăk Lăk, Lâm Đồng... Ở đâu cây cũng mọc tốt. Chị Hà Trang ở Chiềng - Sinh (Sơn La) nói: “Đâu biết nó quý thế này, Tôi cứ trồng ra đó để phủ xanh phần đất còn để trống. Có bón gì đâu mà nó ra quả nhiều quá! Họ tranh nhau tới mua và trả giá rất cao. Thật không ngờ...”.

Còn ông Nguyễn Đức Ba ở Đơn Dương (Lâm Đồng) thì lại trồng thử nghiệm cả cây ghép và cây thực sinh (tức là cây gieo từ hạt). Ông có ngót nghét 100 cây. Ông cũng không ngờ nó tốt vậy. Nó có bao nhiêu hạt là họ tới mua hết. Ông mừng lắm, cười suốt ngày, cười tới rụng cả răng!...

Giáo sư Hoàng Hòe cũng lặn lội từ Hà Nội vào. Ông xây một trại nhân giống mắc ca lớn để cung cấp giống cho cả vùng Tây Nguyên. Rất nhiều nơi trồng xen mắc ca với cà phê, kết quả rất triển vọng. Công ty Donafood đã cam kết, có bao nhiêu hạt mắc ca, họ sẽ mua hết. Hiện tại, họ phải nhập hạt mắc ca từ Australia về để chế biến.

Tôi rẽ xuống Đà Lạt, thăm gia đình bác Phương. Bác là một Việt kiều nhưng luôn hướng về Tổ quốc. Bác đã thu thập nhiều giống quý để đưa về nước. Trong số đó có rất nhiều giống cam, quýt, chanh mà không có hạt. Các giống này, bác đã thử nghiệm ở Việt Nam. Nó mọc tốt và đều cho quả không có hạt. Rất nhiều nơi đã đến lấy giống chanh của bác về trồng. Tôi cứ nghĩ, nhà nào cũng nên có ít nhất một loại cây của bác Phương. Tối thiểu, mỗi nhà phải có một cây chanh không hạt. Sao bà con mình không làm?...

Tôi có gặp một người phụ nữ đầy ấn tượng, đó là một cô gái trắng trẻo, mũm mĩm, xinh xắn, miệng luôn cười tươi như hoa nhưng lại là một tổng giám đốc. Cô bước một bước là có xe ô tô đưa đón. Thế nhưng cô lại lặn lội lên tít tắp tận Phù Yên, Bắc Yên của Sơn La để tổ chức trồng bông. Nghề của cô là dệt sợi. Nhưng hiện nay ta luôn phải nhập bông, ta mới tự túc được có vài phần trăm. Hơn 90% bông phải nhập từ nước ngoài về. Cô đã phối hợp với Viện Nghiên cứu bông ở Nha Hố (Ninh Thuận) để đưa các giống bông mới vào canh tác.

Kết quả thật bất ngờ. Cây bông lên rất tốt, ít sâu, nhiều hoa. So với ngô ở vùng này, cây bông cho kết quả hơn hẳn. Thế là bà con đua nhau đăng ký trồng thêm bông. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lên thăm. Ông rất khen và ủng hộ cho phương án này. Tỉnh Sơn La quyết định mở rộng thêm ra 6 huyện nữa. Điện Biên và Lai Châu đã sang thăm. Họ cũng sẽ làm lớn... Biết đâu, với các giống bông mới, bà con ta ở những vùng khó khăn lại tìm được một hướng đi nhiều triển vọng.

Tôi bay vào Nha Trang rồi xuôi xuống Ninh Thuận. Thăm lại Phước Dinh, tôi hết sức ngạc nhiên. Đây là nơi rất nóng, rất khô, cát mênh mông, núi trơ đá. Ta dự định xây nhà máy điện nguyên tử tại đây. Thế nhưng, một cánh rừng rộng lớn, xanh tốt đã mọc lên. Hồi trước tôi vào, họ trồng cây neem (hay còn gọi là cây xoan chịu hạn). Lúc đó cây còn nhỏ, trông còi cọc lắm. Không ngờ, nó chịu hạn rất giỏi nên nay đã thành rừng.

Riêng trong lĩnh vực trồng trọt, trong những năm qua, ta đã thấy xuất hiện những đối tượng sáng giá. Một loạt giống cây trồng mới được thử nghiệm ở nhiều nơi và có những tín hiệu khả quan. Biết đâu năm nay, chúng sẽ lên ngôi để cùng bà con mình đổi đời.

Rừng xanh tốt, chim chóc về đầy; từng đàn dê, cừu đi tha thẩn trong rừng cây; mấy chú sóc nhảy nhót trên cành trông thật vui. Có lẽ, đây là tiền đề để chúng ta phủ lại màu xanh cho cả dải đất miền Trung khô nóng và đang bị sa mạc hóa dần dần. Có rừng, ta sẽ giữ được nước, sẽ hồi phục sự sống cho muôn loài...

Theo lịch trình của Bộ NNPTNT, năm 2012 ngô chuyển gen bước đầu được triển khai và sản xuất. Đây là vấn đề mà nhiều nước trên thế giới đã làm từ lâu. Tôi đã đi băng qua nước Mỹ và chứng kiến những cánh đồng ngô bạt ngàn, tươi tốt. Họ dùng giống ngô chuyển gen, ít sâu bệnh mà năng suất lại cao. Công nghệ của họ rất tốt và họ cũng đã lo đủ điều rồi. Vậy, ta còn băn khoăn làm gì. Hãy mau chóng đưa ngô chuyển gen vào sản xuất.

Giở lịch ra tôi thấy, còn rất nhiều vùng tôi đã đi qua và đã chứng kiến rất nhiều loài cây đã được các nhà khoa học và bà con mình chọn lọc. Chúng đầy triển vọng. Tiềm năng sinh học của chúng ta còn rất lớn...

Năm mới đã đến rồi. Mỗi nhà hãy chọn lấy một loại cây, một cách làm để chúng ta vươn lên cùng đất nước. Tương lai tươi sáng cho mỗi nhà ở trong tay bà con chúng ta.