Vang bóng một thời
Cách đây già nửa thế kỷ, vào năm 1945 Thái Bình là một trong những tỉnh chịu tác động nặng nề của nạn đói, với 280.000 người chết đói. Nguyên nhân một phần do chiến tranh, phần vì tập quán sản xuất lạc hậu, giống lúa cũ thoái hóa, cộng với việc xâm nhập của nước biển do đê vỡ… nên năng suất thấp, dẫn đến đói.
Những giống lúa chất lượng đang được gieo cấy ở Thái Bình với hy vọng nâng cao năng suất. |
Mãi những năm 1960 – 1966, khi Nhà nước, tỉnh có chủ trương thành lập HTX và các tổ đổi công, cải tiến giống lúa, phương thức sản xuất thì năng suất lúa của Thái Bình mới được cải thiện, đỉnh điểm là năm 1966 năng suất đạt 5 tấn/ha/năm, trong khi các tỉnh khác chỉ cùng lắm chỉ đạt 4 tấn.
Mặc dù chỉ chiếm 5% diện tích đất đai miền Bắc, nhưng trong 10 năm (1965 – 1975) kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lượng thóc Thái Bình đóng góp chiếm tới 12% tổng số lương thực chi viện cho cuộc kháng chiến này.
Hỏi về quá khứ oai hùng của “quê hương 5 tấn”, bà Phạm Thị Kim Hoàn – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Thái Bình) tỏ rõ sự phấn khởi, tự hào. Bà lôi trong tủ ra một đống tài liệu, đó là những cuốn kỷ yếu về tình hình phát triển cây lúa từ năm 1953 đến nay. Bà nói, thời điểm đó, năng suất lúa của Thái Bình phải nói là số 1 ở miền Bắc, trong đó các huyện Đông Hưng, Tiền Hải, Hưng Hà là những địa phương đầu tiên đạt năng suất 5 tấn, có nơi còn lên 7 tấn.
Gặp chúng tôi, ông Trần Minh Tiến – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiền Hải nói chắc nịch: “Không chỉ đạt năng suất 5 tấn/ha/năm, nhiều xã ở Tiền Hải còn đạt năng suất 8 – 9 tấn/ha/năm, như xã Tây Giang, An Ninh. Nếu không tin, anh sang hỏi cụ Trần Đức Mô – nguyên Chủ nhiệm HTX xã Tây Giang là rõ nhất!”.
Mặc dù đã ở cái tuổi bát thập, nhưng cụ Mô vẫn còn minh mẫn lắm, đặc biệt khi chúng tôi gợi lại cái thời kỳ “thăng hoa” của cây lúa Thái Bình. Cụ kể với vẻ mặt đầy tự hào: “Đó là tính chung cả tỉnh, chứ tính riêng xã tôi phải 9 tấn, còn cả huyện cũng phải 7 tấn/ha/năm mới phải”.
Ngày đó xã sử dụng giống lúa gì và cày, cấy như thế nào mà năng suất lại cao đột biến vậy? Cụ nói: “Để đạt năng suất cao, phải có giống tốt. Khi đó chúng tôi chủ yếu cấy giống bao thai, tám hương, dự, mộc tuyền, nhưng năng suất nhất vẫn là bao thai và mộc tuyền. Thứ nữa, hồi đó chúng tôi tiến hành dồn điền, đổi thửa thành những thửa rộng lớn, nên hạn chế được sâu bệnh, chuột và công chăm sóc…”.
Người trồng lúa vẫn… đói, nghèo
Cái tên “quê hương 5 tấn” vẫn còn đó, diện tích lúa của toàn tỉnh hiện nay là 166.000ha, tăng 4.000ha và năng suất hơn 12 tấn/ha/năm. Nhưng Thái Bình không còn là vị trí số 1 về năng suất nữa, bởi “anh” láng giềng là Nam Định (14 tấn/ha/năm), đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL năng suất đạt tới (16 tấn/ha/năm). Đó là chưa nói đến chất lượng, giá thành lúa, gạo ở Thái Bình đang thấp hơn rất nhiều so với Nam Định…
Điều đáng lo là người trồng lúa nơi đây có thu nhập thấp và đang rất nghèo, nên nhiều người đã quay lưng lại với đồng ruộng. Người thì cho thuê ruộng giá rẻ, người thì cho làm không cốt là để giữ ruộng. Lao động làm nông nghiệp giờ chủ yếu là phụ nữ, còn đàn ông người thì vào làm ở các khu công nghiệp, người hành nghề thợ xây, phụ vữa…
Về vấn đề này, ông Trần Minh Tiến đã thừa nhận, tình trạng người dân bỏ ruộng nhưng vẫn giữ ruộng đang rất phổ biến, dẫn đến năng suất, sản lượng lúa giảm. Theo ông, nguyên nhân khiến người dân không còn mặn mà với cây lúa, là bởi trồng lúa đầu tư nhiều, thời gian dài, rủi ro cao, nhưng lợi nhuận lại thấp.
“Nếu hạch toán người trồng lúa chỉ lãi vài trăm ngàn đồng/sào/vụ, trong khi đó mỗi khẩu chỉ có gần 1 sào ruộng, thu nhập không đáng là bao. Bây giờ người dân không còn coi trồng lúa là nghề chính nữa và chưa có ý thức sản xuất lúa hàng hóa, nên không có sự đầu tư thích đáng. Trong khi đó, làm nghề khác họ có thể thu nhập vài triệu đồng/tháng” – ông Tiến lý giải.
Lão nông Trần Văn Hà, xã Tây Giang (Tiền Hải), một trong những nông dân sản xuất giỏi phàn nàn: “Mặc dù lúa là cây để giữ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, là mặt hàng xuất khẩu, nhưng lại được đầu tư rất ít. Trong khi các mặt hàng khác đều tăng, vật tư nông nghiệp, giống lúa, dịch vụ… tăng vài chục phần trăm, nhưng giá hạt thóc của nông dân làm ra thì chỉ tăng nhỏ giọt. Nhiều vụ chỉ lấy công làm lãi, chứ tính chi li, trừ chi phí thì chỉ hòa vốn!”.
Bà Phạm Thị Kim Hoàn – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Thái Bình) thì cho rằng: “Chúng tôi đã cấy đến 60 – 70% lúa lai cho năng suất và 30% lúa chất lượng, nhưng dường như năng suất lúa ở đây đã kịch đỉnh, còn lúa chất lượng giá cả vẫn chưa cạnh tranh. So với năng suất lúa ở ĐBSCL thì chúng tôi thua xa. Đây cũng là điều trăn trở của những người làm nông nghiệp ở địa phương vốn được con là quê hương 5 tấn như chúng tôi”.
Việt Tùng