Trong đó, riêng huyện An Phú, từ lâu được mọi người ví như “mỏ lúa vàng” sản lượng lúa bình quân của huyện đạt năng suất từ 6,5 – 6,7 tấn/ha/vụ.
Mười mấy năm trước, từng có câu chuyện truyền miệng ở An Giang: Rằng ngày nọ, một lão nông dân đến săm soi mấy chiếc xe Dream II cáu cạnh ở cửa hàng. Thấy lão nông ăn mặc có vẻ lôi thôi, anh chủ cửa hàng lạnh lùng, chẳng muốn tiếp. Nào dè, ông mở giỏ đệm, đếm tiền mua một lúc 5 chiếc Dream cho ông và mấy đứa con cháu, mỗi người một chiếc…Đã qua nhiều năm, không ai còn nhớ chính xác tên lão nông này. Chỉ biết, đó là câu chuyện có thật và lão nông đó là người ở huyện An Phú này. Trúng mùa lúa ông nổi hứng chơi trội…
Vùng lúa huyện An Phú từ lâu được ví như “mỏ vàng” của An Giang. |
Từ câu chuyện đó, chúng tôi đã đến An Phú - huyện vùng biên có nhiều cửa khẩu tiếp giáp nước bạn Campuchia. Chạy dài cặp QL 91, qua cầu Cồn Tiên, gặp bà con nông dân ở các xã Vĩnh Trường, Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Hậu, Đa Phước… đang tất bật thu hoạch lúa thu đông. Lão nông Sáu Kế (ngụ xã Vĩnh Trường) cho biết: “Vùng này từ xưa đến nay chủ yếu chỉ làm lúa 2 vụ ăn chắc. Nhờ trời phú nên thổ nhưỡng phù hợp, nên nơi đây trồng lúa cho năng suất rất cao. Bình quân năng suất mỗi vụ đông xuân đạt từ 8,1 - 8,3 tấn/ha”.
Giữa trưa nắng, mồ hôi nhễ nhại, lão nông Nguyễn Văn Buôn (ngụ xã Vĩnh Hội Đông), cười tươi roi rói: “Tranh thủ thu hoạch 2ha lúa thu đông để làm đồng gieo sạ vụ đông xuân. Lúa năm nay vừa trúng mùa lại được giá nên bà con rất phấn khởi. Thu hoạch xong, thương lái vào tận đồng thu mua lúa tươi với giá từ 6.500 - 7.000 đồng/kg”.
Ông Huỳnh Thanh Phong - Trưởng phòng NNPTNT huyện An Phú cho biết: Diện tích sản xuất lúa của toàn huyện lên đến 38.763ha, năng suất bình quân từ 6,5 - 7 tấn/ha. Hiện nay lúa có giá, sau khi trừ chi phí, nông dân đạt lợi nhuận từ 27 - 30 triệu đồng/ha. Mưa lất phất, nhờ cán bộ Phòng NNPTNT huyện An Phú hướng dẫn đường, chúng tôi qua đò Phú Hữu, xã Phú Hữu, để tìm đến nhà chú Nguyễn Văn Hồng - một trong những lão nông thoát nghèo, trở thành tỷ phú nhờ cây lúa.
Lão nông Tư Hồng hồ hởi: “Nhờ cây lúa mà gia đình tôi mới có được ngôi nhà tường khang trang như ngày hôm nay. Thu nhập chính của cả gia đình mỗi năm từ làm ruộng khoảng vài trăm triệu đồng”. Dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa bạt ngàn, chú Tư Hồng kể rằng, nhờ cây lúa mà đời sống của bà con từng bước đã được cải thiện, có của ăn của để. Cũng nhờ cây lúa, ngày nay việc canh tác lúa của gia đình chú Tư Hồng được làm theo mô hình “khép kín” từ việc gieo sạ, thu hoạch, đến tiêu thụ đều có máy móc hỗ trợ.
Vẫn áp dụng những cách bón phân, vun lúa, gieo sạ… như nhiều vùng khác ở ĐBSCL, nhưng nông dân vùng này “quyết tâm” chỉ là 2 vụ lúa/năm. Nhờ vậy, đất có thời gian để “thở”. Có lẽ nhờ đó, cộng thêm thổ nhưỡng phù hợp, nên năng suất lúa của vùng luôn đứng hàng đầu…
Đức Khánh