Dân Việt

Kỷ niệm 8.3: Phụ nữ nông thôn hết thời...   “chân lấm, tay bùn”

Tạ Nguyệt - Thu Hà 08/03/2019 06:23 GMT+7
Vượt qua những định kiến về giới với những bó hẹp nơi góc bếp, mảnh vườn, nhiều phụ nữ ở khu vực nông thôn đã mạnh dạn đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, giúp bản thân và nhiều người thoát cảnh “chân lấm tay bùn”.

Đáng mặt… nữ nhi

Chị Hà Thị Nu (dân tộc Mường, 34 tuổi, Bản Lằn, xã Mường Gio, huyện Phù Duyên, tỉnh Sơn La) chia sẻ, trước đây, chị Nu và những người phụ nữ ở bản Lằn suốt ngày cắm mặt làm lụng vất vả quanh mấy quả đồi và túp nhà tranh. Nhà chị Nu có tới 6ha chè nhưng các đồi chè hầu hết đều hoang hoá. Đa số lá chè được người dân hái về sao tay để uống, chỉ số ít lá chè tươi được người dân mang bán với giá rất rẻ chỉ từ 6-7 nghìn đồng/kg. Kinh tế gia đình chị và nhiều hộ dân nơi đây đều khó khăn, thiếu thốn.

img

Lao động nữ ở Đà Lạt áp dụng công nghệ nhà kính trong trồng, bảo quản hoa tươi. Ảnh: Thu Hà

“Xưa chị em chỉ biết vò, sao tay nên công xuất làm chè rất thấp. Một lao động dù làm quần quật suốt ngày đêm cũng chỉ làm được 2kg chè. Không chỉ năng suất thấp, chất lượng bảo quản hàng hoá và giá trị hàng hoá cũng thấp. 1kg chè khô cũng chỉ bán được 60-80 nghìn đồng, thậm chí bán rẻ cũng không có người mua” – chị Nu nói.

Nhưng từ khi được hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất cuộc sống của chị đã thay đổi rất nhiều. Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc nay kinh tế đã phát triển, chị còn được đi tham gia những sự kiện cung ứng hàng hoá, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hoá. Càng không ai ngờ rằng đến một ngày, chị Nu lại có mặt tại Đại sứ quán Úc trong một cuộc thi liên quan tới “Công nghệ thúc đẩy bình đẳng giới”, để giới thiệu cho  khách hàng trong nước và quốc tế về sản phẩm Sơn Trà do tổ hợp tác của chị sản xuất.

Chị Nu tự hào kể: “Sau một thời gian dài sống chật vật, cam chịu số phận, giờ đây chúng tôi đã thành lập được Tổ hội sản xuất chè sạch Mường Do. Sản phẩm chè được làm đa dạng, đẹp, vì thế mà năng suất tăng gấp 10 lần, giá trị hàng hoá cũng được nâng lên, cao gấp 3 - 4 lần trước. Mỗi kg chè bán giá ra với giá 300-400 nghìn đồng”.

Theo chị Nu, không có kinh tế, cuộc sống người dân nghèo lắm. Cơm không đủ ăn nói gì có cơm thịt, cơm cá. Thế nhưng, từ ngày được trung tâm hỗ trợ làm chè sạch chị em trong bản mới bớt khổ. Trung tâm được chị Nu nhắc tới là là Trung tâm phát triển và Hội nhập. Từ khi được Trung tâm  phát triển và Hội nhập hỗ trợ đánh giá tiềm năng, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ máy móc và làm thương hiệu thì chị em phụ nữ nơi đây đã được đổi đời.

Chủ động nắm bắt cơ hội             

Chị Dương Thị Thu Huệ (Thanh Hoai) Hà Nội cũng là một trong nhiều những người phụ nữ làm chủ công nghệ, biết nắm bắt cách mạng công nghệ 4.0 để vươn lên làm giàu.

Từ chỗ chỉ có một xưởng sản xuất thực phẩm nhỏ, liên tục làm ăn thua lỗ, chị Huệ đã chủ động đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất và chế biến của Nhật vào sản xuất. Năm 2008, chị Huệ đã mạnh dạn thuê 3ha đất chuyển cơ sở nấm về xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức để mở xưởng trồng nấm công nghiệp. Nhận thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm nấm trên thị trường ngày một tăng, năm 2011, chị Huệ thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao.

“Từ trước đến nay, trồng nấm để thoát nghèo thì có thể nhưng để vươn lên làm giàu là điều cực kỳ hiếm bởi với cung cách sản xuất thủ công ngoài trời, cây nấm rất dễ bị dịch bệnh, chậm phát triển, một vụ thu thì hai vụ thất thu. Nhiều đêm trăn trở tôi quyết định chuyển hướng không sản xuất nấm kiểu thủ công nữa” – chị Huệ nói.

Nhưng chị Huệ không vì khó mà lùi. Sẵn có nhà xưởng rộng 3ha nơi có nguồn nước, không khí rất trong lành chị ấp ủ sản xuất nấm kim châm theo công nghệ cao quy mô công nghiệp kiểu Nhật Bản. Năm 2016, chị đã quyết định cầm cố toàn bộ nhà cửa của gia đình ở ngoài trung tâm TP Hà Nội với số tiền đầu tư khoảng 3 triệu USD (gần 70 tỷ đồng Việt Nam) để nhập toàn bộ công nghệ, dây chuyền, máy móc từ Nhật Bản rộng 3 ha để đưa mô hình sản xuất nấm công nghệ cao của thế giới về với Việt Nam.

Hiện tại, công ty đang sản xuất 2 loại nấm chính là nấm kim châm và nấm sò tím với công suất ban đầu hơn 500kg/ngày. Đến nay, nhà máy sản xuất và đóng gói nấm theo công nghệ Nhật Bản có công suất 1,5 tấn nấm/ngày. “Việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất không chỉ làm gia tăng năng suất, chất lượng và giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần định vị thương hiệu, tạo công ăn việc làm cho lao động nữ tại địa phương” – chị Huệ nói.

Tăng “quyền năng” cho phụ nữ nông thôn

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, mặc dù nông nghiệp chỉ đóng góp 16,3% GDP của Việt Nam nhưng có đến 41,9% lực lượng lao động tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có 44% trên tổng số 26,2 triệu lao động nữ của cả nước đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ở nông thôn, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong nông nghiệp là 63,4%, so với 57,5% nam giới. Phụ nữ là lực lượng lao động quan trọng và chủ chốt trong sản xuất nông nghiệp. Phụ nữ nông thôn đã và đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong rất nhiều những rào cản và thách thức của phụ nữ khi tham gia làm nông nghiệp thì khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất, công nghệ và dịch vụ tài chính là “điểm nghẽn” lớn nhất trong việc giải phóng dần sức lao động cho phụ nữ nông thôn.

Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở phụ nữ nông thôn nói chung còn rất ít, chỉ xảy ra ở một số các tập đoàn, công ty hoặc hợp tác xã. Phần đa phụ nữ sản xuất nông nghiệp theo kiểu canh tác nhỏ lẻ, nông trại hoặc hộ gia đình chưa thể tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất”.

bà Ngô Minh Hương - Giám đốc Trung tâm hội nhập và Phát triển

Theo bà Ngô Minh Hương – Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập,  đa số phụ nữ nông thôn vẫn đang canh tác, sản xuất theo kiểu truyền thống. Điều này khiến cho việc canh tác gặp nhiều bất lợi, năng suất, chất lượng, giá trị sản lượng đều rất thấp. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất còn rất hiếm, chính bởi vậy mà đời sống của chị em cũng gặp nhiều khó khăn. Đa phần những phụ nữ không có cơ hội thay đổi lối canh tác, áp dụng khoa học công nghệ là hộ nghèo, cận nghèo.

Ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hiện nay việc ứng dụng khoa học công  nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam còn khá nhiều hạn chế, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào sản xuất cho phụ nữ nông thôn. Mặc dù là nước đi đầu trong việc tiếp nhận, ứng dụng thành quả công nghệ 4.0 vào sản xuất, canh tác nhưng những giải pháp công nghệ của Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ. Rất hiếm những đơn vị có thể ứng dụng những dây chuyền công nghệ cả triệu đô.

“Ứng dụng công nghệ vào sản xuất có thể góp phần nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua việc gia tăng giá trị sản lượng, chất lượng của sản phẩm. Điều này sẽ góp phần tích cực vào việc xoá đói giảm nghèo nói chung ở Việt Nam, đặc biệt là giảm nghèo cho đối tượng nghèo đói cùng cực là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa” – ông Duy chia sẻ.