Hải Hậu là huyện ven biển của Nam Định, với điều kiện địa lý, thổ nhưỡng rất thích hợp cho việc canh tác cây lúa, đặc biệt là lúa tám xoan đặc sản. Lúa tám có tới 19 loại như: Tám xoan, tám cổ ngổng, tám kiêu, tám nghệ… nhưng tám xoan vẫn là giống lúa có chất lượng tốt nhất. Hạt gạo tám xoan nhỏ, mình mỏng, màu xanh lơ, cơm gạo tám xoan trắng, dẻo, thơm ngon.
Sản xuất “gạo tám xoan Hải Hậu” tại hiệp hội. |
Mặc dù có chất lượng hơn hẳn những loại gạo khác, nhưng giá gạo tám xoan cũng chỉ nhỉnh hơn các loại gạo khác chút ít. Để đòi lại công bằng, những người dân trồng lúa tám xoan ở Hải Hậu đã ngồi lại và tháng 10.2004 đã thành lập lên “Hiệp hội Gạo tám xoan Hải Hậu”, do bà Hoàng Thị Nhẫn làm Chủ tịch Hội. Bà Nhẫn bảo: “Thành lập hiệp hội là để bảo vệ quyền lợi cho người nông dân. Tiền nào của ấy, gạo chất lượng thì tiền cũng phải… “chất lượng”.
Lúc đầu hội chỉ có 370 hội viên và đến nay đã có gần 300 hội viên (xã Hải Toàn tách ra do chưa đảm bảo chất lượng). Theo đó, các hội viên sẽ được hỗ trợ về giống, phân bón, được tập huấn kỹ thuật do các kỹ sư nông nghiệp giảng dạy và lo đầu ra. Tuy nhiên, khi tham gia vào hiệp hội các hội viên phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy trình chăm bón, thu hoạch của hiệp hội.
Ông Nguyễn Văn Thuấn (ở xóm 6, xã Hải Đường), một trong những xã có diện tích lúa tám xoan cao nhất Hải Hậu (6 sào) vui vẻ nói: “Đã bao đời nay, dân chúng tôi chỉ trồng duy nhất giống lúa tám, trong đó lúa tám xoan là chủ yếu. Bởi giống lúa này rất hợp với chất đất, nước, khí hậu ở đây. Trước chúng tôi chủ yếu cấy để ăn, chứ chưa làm hàng hóa như bây giờ. Từ khi có hiệp hội, giá hạt gạo tám xoan được nâng lên rõ rệt, lại không lo đầu ra nên ai cũng phấn khởi”.
Vào tháng 5.2007 hạt gạo tám xoan Hải Hậu chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận thương hiệu chỉ dẫn địa lý: “Gạo tám xoan Hải Hậu”, thương hiệu cao nhất về hàng nông sản, niềm vui như vỡ òa đã đến với người dân Hải Hậu.
Ông Mai Thanh Long
- Phó GĐ Sở KHCN Nam Định
Khi hỏi về cách gây dựng và xây dựng thương hiệu cho gạo tám xoan, bà Nhẫn bảo: “Muốn có thương hiệu, trước tiên phải có chất lượng. Để lúa tám xoan đạt chất lượng, trước tiên phải có giống lúa tốt, lúa phải được cấy ở nơi có đất pha cát, mưa không úng, nắng không hạn. Cấy với khoảng cách 28 x 25cm, phân bón nhất thiết phải là phân chuồng đã qua ủ khoảng 350kg/sào, đạm 5kg/sào, lân, kali 15 - 20kg/sào, gặt khi lúa vừa chín 75 – 80% là tốt nhất (chính vì vậy nó có tên là tám, còn xoan là hạt có hình đẹp, sáng như khuôn mặt trái xoan). Khâu phơi rất quan trọng, tuyệt đối không được phơi mỏng, nắng gắt, mỗi mẻ phơi 3 – 4 nắng là tốt nhất. Phơi mỏng, nắng gắt hạt gạo sẽ khô, đục và giảm đi mùi thơm, vị ngọt của hạt cơm”.
Để có được hạt gạo “mỏng mày hay hạt”, trắng trong, mỏng manh như con gái 16, tất cả các khâu chế biến từ xay, giã, sàng sảy đều phải làm thủ công. Hiệp hội đã đầu tư hai máy tách hạt, 8 cối giã bằng sắt và pít tông, riêng khâu sàng sảy đều làm thủ công. Bà Thân cho biết thêm, mỗi năm hiệp hội mới chỉ sản xuất được khoảng 80 – 100 tấn gạo/năm (chưa bằng 1/3 sản lượng lúa tám xoan ở Hải Hậu), với giá từ 26.000 – 28.000 đồng/kg. Trong khi đó, gạo tám xoan ở nơi khác giá chỉ 16.000 đồng/kg.
Nguyễn Tùng