Việt Nam thức tham gia thị trường gạo đồ
Kể từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức tham gia vào thị trường gạo đồ thế giới. Thực ra, từ năm 2000 đã có doanh nghiệp (DN) nước ngoài xây dựng nhà máy chế biến gạo đồ tại tỉnh Long An, nhưng số lượng xuất khẩu (XK) khá khiêm tốn, khoảng 3 – 4 nghìn tấn/năm và gần như chỉ dừng ở mức thăm dò thị trường.
Cơm được nấu từ gạo đồ có vị ngọt hơn gạo thường. |
Hiện nay, ngoài khu vực Trung Đông là nơi tiêu thụ chủ yếu gạo đồ của Việt Nam, ở các nước Đông Âu, châu Phi và một số quốc gia châu Á gạo đồ Việt Nam cũng đã có mặt. Trong 200 nghìn tấn gạo mà VN ký bán cho Bangladesh hồi trung tuần tháng 3.2011, trong đó có 100 nghìn tấn gạo 15% tấm và 100 nghìn tấn gạo đồ, bán với giá 585 USD/tấn.
Năm 2010, Công ty cổ phần Đầu tư Vinh Phát đã tham gia thị trường XK gạo và đây cũng là DN đầu tiên của VN khai phá thị trường này.
Ông Trần Ngọc Trung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vinh Phát cho biết, thời gian qua, mỗi năm công ty đã XK khoảng 20 - 30 nghìn tấn gạo đồ. Riêng năm 2011, thị trường gạo đồ khá thuận lợi nên công ty đã tăng sản lượng XK lên khoảng 42.000 tấn/năm. Giá xuất bình quân 570 USD/tấn, thị trường của công ty là Nigeria, Nga và các nước Trung Đông, châu Phi. Giá gạo đồ hiện nay đang ở mức tương đối cao so với gạo trắng, do vậy năm 2012, công ty có kế hoạch tăng sản lượng XK lên 60 nghìn tấn, nếu thị trường thuận lợi sẽ nâng lên 90.000 tấn.
Đầu năm 2010, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (VinaFood 2) bắt đầu tham gia thị trường XK gạo đồ với số lượng hơn 10 nghìn tấn. Ngoài các nhà máy đang hoạt động, VinaFood 2 đang đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất gạo đồ, gồm: Long An, Tiền Giang và An Giang. Khi 3 nhà máy này hoàn thành đi vào hoạt động VinaFood 2 sẽ XK khoảng 300 nghìn tấn/năm, 100 nghìn tấn còn lại sẽ do các DNTN đảm nhiệm. Gạo đồ dễ chế biến mà giá cả lại cao hơn gạo 5% tấm bình quân từ 50 - 60 USD/tấn, mà tỷ lệ thu hồi gạo cũng cao hơn gạo thường.
“XK gạo đồ nhiều thì lợi nhuận DN thu về sẽ cao hơn các loại gạo trắng thường và giải quyết được lượng lúa ướt của vụ hè thu cho nông dân, quả là lợi cả đôi đường. Vấn đề còn lại là tùy thuộc vào khả năng của các DN, liệu họ có thể giành được thị trường gạo đồ từ tay của các DN đã có thị phần ổn định trên thị trường gạo đồ thế giới nhất là đối với các DN Thái Lan” - một DN xuất khẩu gạo đồ cho biết.
Giải quyết vấn nạn lúa ướt
Loại lúa dùng chế biến gạo đồ không đòi hỏi chất lượng và gạo đồ không phân phẩm cấp như gạo thường, chủ yếu là công đoạn luộc lúa và độ đồng đều của hạt lúa. Muốn chế biến gạo đồ phải dùng lúa tươi, cho nên DN phải mua lúa trực tiếp với nông dân nhờ vậy giảm đáng kể khâu trung gian. Gạo đồ dễ chế biến, giá bán cao hơn gạo thường từ 50 - 60USD/tấn.
Đẩy mạnh XK gạo đồ sẽ giải quyết được 2 vấn đề quan trọng hàng đầu cho nông dân là: Lúa IR 50404 và lúa ướt trong vụ hè thu. Thu hoạch lúa hè thu thường rơi vào mùa mưa bão, nếu các DNVN chiếm được khoảng 30 - 40% thị phần gạo đồ trên thế giới, sẽ giải quyết rất lớn lượng lúa hè thu ướt.
Như vậy thu hoạch lúa hè thu trong mùa mưa lũ sẽ không còn là nổi ám ảnh của nông dân. Dự kiến cuối năm nay, nhà máy gạo đồ tại huyện Châu Thành, An Giang công suất 500 tấn/ngày của VinaFood 2 sẽ đi vào hoạt động.
Để đảm bảo nguồn cung cho các nhà máy kể trên, VinaFood 2 có kế hoạch phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy gạo đồ.
Theo một DN ở ĐBSCL, cái được đầu tiên trong XK gạo đồ là góp phần vào mở rộng thêm thị trường gạo VN nhất là ở những nước lâu nay vẫn tiêu thụ gạo đồ với khối lượng lớn, nhưng cái được lớn hơn chính là hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa.
Mặc dù chất lượng gạo đồ VN còn thua gạo đồ Thái Lan nhưng lại tốt hơn gạo đồ của Pakistan và Ấn Độ nên có thể cạnh tranh tốt với họ. Giá gạo đồ tuy cao hơn gạo trắng bình quân tới 50 - 60 USD/tấn nhưng chi phí sản xuất cũng cao hơn, nên lợi nhuận DN thu được chỉ cao hơn gạo trắng đôi chút, nhưng nông dân thì có thêm được khoản tiền không nhỏ nhờ bán lúa cho nhà máy. Gạo đồ được làm trực tiếp ngay từ lúa tươi vì thế các nhà máy phải mua lúa trực tiếp với nông dân mà không phải qua nhiều tầng nấc trung gian như gạo trắng.
Sở dĩ lâu nay các DNVN chưa mạnh dạn tham gia vào thị trường gạo đồ là vì xây dựng nhà máy gạo đồ cần vốn đầu tư lớn hơn các nhà máy thường. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề, mà cái chính là làm sao chen chân thị trường gạo đồ thế giới, vì đây là lối đi hẹp nên muốn có vị trí ở thị trường này DN phải rất cố gắng mới mong chiếm được thị phần.
Lâm Nguyễn