Gần đây, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại một số tỉnh miền Bắc đã gây ảnh hưởng đến thị trường thịt lợn trên cả nước.Theo ghi nhận của PV, sức mua thịt lợn tại một số chợ khu vực Cầu Giấy, Cổ Nhuế, Mỹ Đình… giảm đáng kể so với thời gian trước.
Anh Trãi, một tiểu thương ở chợ khu vực Cổ Nhuế, cho biết lượng thịt bán ra hàng ngày giảm 1 nửa so với trước kia. “Ngày trước, tôi bán nửa ngày đã hết 1 con lợn, giờ chỉ bán được nửa con. Nhiều hôm ế ẩm, ngồi cả ngày mới bán hết thịt của nửa con lợn”, anh cho hay.
Mức tiêu thụ thịt lợn giảm đáng kể khi có tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Việt Nam.
Theo anh, dù các phương tiện truyền thông đưa tin dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, tâm lý khách hàng vẫn lo sợ lây nhiễm và ăn phải thịt nhiễm bệnh sẽ không tốt cho sức khỏe. Mặt khác, họ sợ mua thịt nhiễm bệnh về sẽ lây sang động vật nuôi trong nhà.
Giá thịt lợn cũng giảm hơn so với trước từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, tùy loại. Vì tâm lý lo lắng sợ lây bệnh, thịt lợn bán không chạy trong thời gian gần đây.
Chị Thu, tiểu thương tại chợ khu vực Mỹ Đình, Hà Nội cho biết bình thường, cả ngày chị bán được cả tạ thịt lợn các loại nhưng nửa tháng nay số lượng bán ra giảm còn 30-40kg mỗi ngày. “Khá nhiều khách né tránh thịt lợn với tâm lý lo sợ lây nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, một số khách hàng vẫn tin dùng sản phẩm này vì coi đó là sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày”, chị Thu cho biết thêm.
Chị cũng khẳng định thịt lợn của chị được nhập từ các gia đình chăn nuôi lợn không bị nhiễm bệnh. Nhà chị tự mổ và bán nên đảm bảo chất lượng. Chỉ có những người quen biết tin tưởng thì mua thường xuyên, còn người lạ thì ít khi ghé vào mua trong thời gian này.
Không chỉ ở Hà Nội, một số tiểu thương tại Hưng Yên cũng than thịt lợn ế ẩm trong thời gian này. Mức tiêu thụ của người dân ngày càng giảm đi, một ngày bán thịt của nửa con lợn cũng không hết.
Nhiều tiểu thương than ế ẩm thịt lợn dù giá đã giảm nhiều.
Khi được hỏi về mức tiêu thụ thịt lợn trong thời gian gần đây, nhiều người cho biết hoàn toàn không mua và ăn thịt lợn kể từ khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nước ta. Anh Nam (Hà Đông, Hà Nội) có quan điểm: “Dẫu biết bệnh dịch tả lợn không lây nhiễm sang người, tôi và gia đình vẫn nhất quyết từ chối sản phẩm làm từ thịt lợn. Vì tôi có suy nghĩ nếu lợn nhiễm bệnh thì người ăn chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít – nhiều đến sức khỏe”.
Vì vậy, từ khi biết tin, gia đình anh không mua hay ăn bất kỳ sản phẩm nào từ thịt lợn. Không chỉ anh, không ít người cũng có suy nghĩ phòng còn hơn chữa nên họ quyết định từ chối thịt lợn và các sản phẩm làm từ thịt lợn.
Từ tình hình nhiều người dân lo lắng và có tư tưởng tẩy chay sản phẩm thịt lợn, các chuyên gia khẳng định dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người.
Theo đó, dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là vi rút, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn gây ra. Nếu người dùng không may ăn phải thịt lợn nhiễm dịch tả cũng ảnh hưởng gì. Vì thịt được nấu chín, ăn vẫn an toàn.
Người ăn thịt lợn sẽ nguy hiểm trong trường hợp con lợn mắc bệnh tả châu Phi đã chết, các vi sinh khác phát triển gây ra những độc tố. Vì khi lợn chết sẽ phát sinh ra các loại vi khuẩn và bệnh khác không phải là tả lợn.
Tuy nhiên, dịch tả lợn có thể lây sang các động vật, côn trùng khác như: muỗi, ruồi, gà, mèo, chuột, vịt...
Theo thông tin mới nhất của Bộ NN&PTNT, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên 9 tỉnh, thành trên cả nước. Đó là Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Điện Biên, Hòa Bình.
Tới nay, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 7 tỉnh/thành của Việt Nam.