Dân Việt

Dứt khoát phải tích tụ đất đai

22/01/2012 06:15 GMT+7
(Dân Việt) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở, muốn hiện đại hoá nền nông nghiệp, tiến tới sản xuất lớn thì việc chuyển dịch cơ cấu, tích tụ ruộng đất cần phải được thực hiện sớm.

Làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ NNPTNT sau chuyến khảo sát thực tế tại các tỉnh Nam Bộ vào tháng 9.2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở, muốn hiện đại hoá nền nông nghiệp, tiến tới sản xuất lớn thì việc chuyển dịch cơ cấu, tích tụ ruộng đất cần phải được thực hiện sớm. Trong Nghị quyết 26, Trung ương cũng xác định: "Mở rộng hạn mức sử dụng đất; thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai…". Vậy tích tụ đất đai như thế nào?

Đem những vấn đề này trao đổi với TS Vũ Trọng Bình - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT), và câu trả lời là: "Dứt khoát phải tích tụ đất đai". Điều này giúp tăng quy mô kinh tế, giảm chi phí sản suất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, phát triển tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng các chuỗi giá trị gia tăng cao… trong bối cảnh cạnh tranh với các chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu hiện nay.

img
Đất đai lớn sẽ tạo điều kiện cho sản xuất lớn.

Không tích tụ cưỡng bức

Vậy ai là người tích tụ đất đai, thưa ông?

- Nông dân là chủ thể của nông thôn, là thành viên của liên minh công- nông. Đời sống của nông dân khó khăn nhất. Do vậy, trong quá trình tích tụ phải có sự hài hòa, đảm bảo chính sách ưu tiên người nông dân tích tụ, đảm bảo yêu cầu ưu tiên sản xuất nông nghiệp trực canh. Nên khuyến khích doanh nghiệp tích tụ ở những nơi nông dân ít quan tâm, tích tụ để làm những lĩnh vực sản xuất mũi nhọn đòi hỏi cạnh tranh cao mà nếu không có họ, sẽ mất thị trường.

Ví dụ, nếu chỉ để doanh nghiệp tích tụ mà nông dân bị gạt ra khỏi quá trình này, chúng ta có thể có nhanh chóng một nền nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại, phát triển nhanh, nhưng chỉ giải quyết được vấn đề nông nghiệp mà không giải quyết được vấn đề nông dân.

Hiện nay có nguy cơ là, sản xuất nông nghiệp càng phát triển, nhưng giá trị gia tăng của các chuỗi giá trị nông nghiệp người dân được hưởng tỷ lệ thấp, bị khống chế bởi các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Rõ ràng, khi tích tụ đất đai phải xác định rõ quan điểm ưu tiên người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, gắn với quá trình phát triển quan hệ sản xuất mới mà ở đó nông dân là chủ thể, liên kết với doanh nghiệp, thị trường.

Vậy còn tiến trình tích tụ đất đai như thế nào?

- Tích tụ đất đai có quan hệ chặt chẽ với tiến trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước và quá trình chuyển dịch lao động khỏi nông thôn. Hiện nay, điều kiện kinh tế- xã hội ở các khu vực khác nhau nên không thể có một chính sách duy nhất, mà phải đa dạng trong chính sách tích tụ. Ở nơi công nghiệp hóa mạnh thì phải thúc đẩy nhanh tích tụ.

Khi tích tụ, phải đảm bảo người dân không bị mất sinh kế. Cần tạo điều kiện để người nông dân rời bỏ nông nghiệp có việc làm ổn định, khi đó đất đai sẽ được tích tụ để cho những nông dân còn lại sản xuất lớn. Nếu tích tụ đất đai cưỡng bức thì nông nghiệp được lợi nhưng vấn đề nông dân lại bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tiến tới nền nông nghiệp cấp phép

Khi đất đai được tích tụ thì trình độ quản lý nền nông nghiệp cũng phải thay đổi, thưa ông?

- Đúng vậy! Đó là trình độ quản lý một nền nông nghiệp hiện đại. Bởi tích tụ đất đai phải gắn với phát triển quản lý sản xuất, xây dựng một nền sản xuất chuyên nghiệp có điều kiện. Chúng ta có một số khu vực sản xuất chuyên môn hóa, như chuyên về rau, hoa, chăn nuôi lợn… nhưng lại không chuyên nghiệp hóa nên rủi ro cao.

Sự quản lý nhà nước, liên kết với thị trường, đóng thuế, tham gia bảo hiểm, quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý dịch bệnh… ở một hộ nông dân 0,3ha không thể giống hộ nông dân 5 - 10 hay 50ha. Khi quy mô tăng lên, người sản xuất phải tuân thủ điều kiện sản xuất chuyên nghiệp hơn do Nhà nước quy định về quản lý trang trại, bảo hiểm, quản lý chất lượng, tài chính…

Khi tích tụ là phải đảm bảo minh bạch về chất lượng, tài chính. Nếu sản xuất lớn, một sự cố trong sản xuất, đổ vỡ đều ảnh hưởng đến xã hội. Sản phẩm của một nông dân 2- 3 sào đất phải quản lý khác với sản phẩm của hộ nông dân có 10ha. Nhà nước phải xác định mức độ, quy mô như thế nào thì cần cấp phép sản xuất, từ đó làm cơ sở cho liên kết nông dân, bảo đảm bền vững liên kết nông dân - doanh nghiệp.

Từ đó, mới kiểm soát được sản xuất nông nghiệp. Đó là xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp có điều kiện theo hướng chuyên nghiệp hóa. Tích tụ không đơn giản là tăng quy mô, diện tích đất mà đi cùng đó là nền tảng quản lý; tích tụ về vốn, thị trường, quản lý, quy hoạch… để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.

Hiện nay, một số vùng nông dân đã tích tụ đất đai tự phát, nông dân đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long… đã mua, thuê đất để sản xuất. Nông dân làm ngầm thì rõ ràng chính sách có vấn đề, không theo kịp thực tiễn. Làm sao Nhà nước phải tạo điều kiện để quá trình tích tụ đó nổi lên và bảo hộ bằng pháp luật.

Ngoài ra, quá trình tích tụ đất đai cần chú ý đến vùng dân tộc thiểu số. Phải có những khu quy hoạch dành riêng cho đồng bào canh tác, ít bị ảnh hưởng bởi thị trường đất đai. Nếu không đồng bào sẽ nảy sinh vấn đề xã hội.

Vậy làm sao để đẩy nhanh được quá trình tích tụ?

- Như tôi nói phải xác định rõ quan điểm, tích tụ cho ai và xác định quy hoạch vùng nào là ưu tiên, vùng nào phải đẩy nhanh tích tụ, đối tượng nào sẽ được ưu tiên trong quá trình tích tụ, vai trò công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng trong quá trình tích tụ như thế nào, quản lý sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị cạnh tranh ra sao…

Từ đó, có một chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cấp vùng gắn với quy hoạch sản xuất, tích tụ đất đai. Một số vùng bây giờ có thể làm ở quy mô thử nghiệm. Xây dựng các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp có điều kiện (chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản...) gắn với tích tụ đất đai, cấp phép sản xuất cho hộ nông dân quy mô lớn, doanh nghiệp, ưu tiên họ tích tụ.

Phải cấp phép sản xuất mới quản lý được về rủi ro, hợp đồng, quản lý chất lượng, môi trường... còn sản xuất như hiện nay thì Nhà nước quản lý rất khó khăn trong tất cả các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, trồng trọt.

Thay đổi quy hoạch phải đền bù

Như vậy là lại quay về câu chuyện quy hoạch và quản lý quy hoạch, thưa ông?

- Chúng ta đặt mục tiêu nông nghiệp gắn với công nghiệp, nông thôn gắn với đô thị, xây dựng nền nông nghiệp thị trường thì phải có quy hoạch vùng. Trong đó, quy hoạch phải ổn định. Bởi từ quy hoạch mới cấp phép sản xuất và giấy phép sản xuất là bảo đảm an toàn khi đầu tư dài hạn.

Kiến nghị bỏ chính sách hạn điền

Tại buổi làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân, sửa đổi Luật Đất đai theo hướng giao quyền sử dụng đất cho nông dân từ 20 lên 50- 70 năm. Hội Nông dân Việt Nam cũng kiến nghị bỏ chính sách hạn điền để tạo điều kiện cho các loại hình nông nghiệp có quy mô lớn, hiện đại phát triển, từ đó nâng cao thu nhập đời sống nông dân.

Một ông chủ muốn đầu tư làm một nhà máy phải biết trong vùng có quy hoạch diện tích nguyên liệu là bao nhiêu. Nếu chính quyền làm sai quy hoạch, ví dụ cấp phép thêm xây dựng một nhà máy chế biến trong vùng nguyên liệu mà không có trong quy hoạch, thì doanh nghiệp có thể kiện chính quyền. Tôi làm một nhà máy đường, nhưng hôm sau lại cho phép xây một nhà máy sắn bên cạnh để cạnh tranh nguyên liệu thì rất rủi ro cho nhà đầu tư. Như vậy, mới có môi trường để người ta đầu tư lâu dài vào nông nghiệp.

Hiện nay, thiếu an toàn nhất trong đầu tư nông nghiệp là quy hoạch luôn bị phá vỡ. Bài học nhãn tiền là vùng nguyên liệu cho các nhà máy đường. Chúng ta mất bao nhiêu năm xây dựng ổn định nhưng khi giá sắn tăng thì một số tỉnh quay sang cấp phép xây dựng nhà máy chế biến sắn ngay cạnh nhà máy đường.

Điều này là vô cùng lãng phí và không ai dám đầu tư lâu dài nữa. Tích tụ đất đai phải gắn với quy hoạch có tính pháp lý cao, chứ không phải quy hoạch thích thay đổi thế nào cũng được. Nhà nước thay đổi quy hoạch, gây ảnh hưởng đền đầu tư, sinh kế thì phải đền bù cho doanh nghiệp, nông dân theo cơ chế thị trường.