Dân Việt

Tái cấu trúc nông nghiệp: Đừng chạy theo số lượng

27/01/2012 06:30 GMT+7
(Dân Việt) - Mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp nhằm tăng giá trị và phát triển bền vững, đạt tốc độ tăng trưởng ngành từ 2,6-3%/năm, giảm 2% hộ nghèo/năm. Vậy làm thế nào để đạt những mục tiêu quan trọng này?

TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế TƯ: Nông nghiệp đang hấp dẫn đầu tư

Tái cấu trúc ngành nông nghiệp đề cập nhiều đến vấn đề vốn đi vào đâu nhưng điều mà tôi muốn đề cập đến là vốn từ đâu? Nhiều năm qua, tỷ lệ vốn đầu tư cho nông nghiệp rất "eo hẹp" và ngày càng có xu hướng giảm. Ngoài ra, lượng vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp thường chỉ chiếm 1% tổng vốn cam kết hàng năm của các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn toàn chưa mặn mà với nông nghiệp.

Nhưng hiện nay, thời thế và bối cảnh đã thay đổi. Trước cuộc khủng hoảng lương thực và theo cách nhìn mới về phát triển thì bản thân ngành nông nghiệp và giá cả nông nghiệp đang dần trở thành một lĩnh vực không chỉ quan trọng mà còn cực kỳ hấp dẫn đứng ở góc độ đầu tư.

Theo tôi, về vốn có 3 vấn đề. Thứ nhất đó là vốn nhà nước phải được đầu tư vào cơ sở kết cấu hạ tầng, là tiền đề đảm bảo nền tảng phát triển nông nghiệp ổn định. Thứ hai là Việt Nam còn xa mới sử dụng hết các nguồn hỗ trợ cho nông nghiệp mà theo cam kết quốc tế có thể đạt đến 10% giá trị sản xuất nông nghiệp, vấn đề là chúng ta dùng như thế nào để vừa phù hợp với cam kết quốc tế, vừa để nông dân được hưởng lợi. Và thứ ba là vốn nhà nước phải gắn với các định chế tài chính nhà nước như Ngân hàng NNPTNT và các ngân hàng không phải là nhà nước (các ngân hàng thương mại khác) tạo ra độ linh hoạt nhất định để tín dụng của các ngân hàng đổ vào nông nghiệp.

Bên cạnh đó, thật ra hiện nay nguồn FDI cũng đã quan tâm hơn đến nông nghiệp và mấu chốt cuối cùng vẫn phải là giá trị gia tăng. Trong đó, khâu sản xuất của người nông dân cho đến khâu sản xuất của doanh nghiệp và phân phối lưu thông phải có sự gắn kết. Nếu liên kết này tốt sẽ giảm chi phí và tăng tính hấp dẫn cho đầu tư nông nghiệp.

Chính vì vậy, thời gian gần đây, không chỉ có nguồn vốn FDI mà một số quỹ đầu tư cũng đã quan tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp. Thậm chí, một số doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, tạo được môi trường thân thiện kể cả góc độ chuỗi giá trị gia tăng và cạnh tranh khôn khéo để vươn lên. Đây là một giai đoạn cần thiết để tái cấu trúc, tạo tiền đề cho nông nghiệp phát triển tốt.

Ông Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế): Chuyển sang NN công nghệ cao

Nông nghiệp, nông thôn hiện đang còn rất nhiều việc để làm, trong đó sự cần thiết nhất là phải thực hiện các biện pháp để ứng phó biến đổi khí hậu. Việc các nước thi nhau ngăn sông làm thủy điện đã khiến cho nguồn nước phục vụ nông nghiệp bị thay đổi. Tranh chấp năng lượng cũng khiến cho cấu trúc sản xuất nông nghiệp thay đổi.

Do đó, đã đến lúc không chỉ chú trọng các chỉ tiêu xuất khẩu lương thực, mà nhất quyết phải chuyển sang nền nông nghiệp chất lượng cao. Việc VN có nền nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp cho quá trình sản xuất tiết kiệm được năng lượng, tiết kiệm nước... Ngoài ra, muốn sản xuất nông nghiệp có năng suất cao cần phải tập trung đất canh tác, thay vì manh mún đất đai như hiện nay.

Ông Vũ Khoan - Nguyên Phó Thủ tướng: Tái cấu trúc giúp nông dân khá lên

Khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua giúp chúng ta rút ra bài học là không thể lơi lỏng nông nghiệp, đảm bảo ổn định vĩ mô và an sinh xã hội. Hiện chất lượng và hiệu quả phát triển nông nghiệp của VN còn quá thấp, do đó hơn lúc nào hết đòi hỏi phải tái cấu trúc lại nền nông nghiệp VN song hành với việc tái cấu trúc nền kinh tế.

Trong tái cấu trúc, mục tiêu quan trọng nhất là việc cải thiện cuộc sống cho người dân, trong đó có nông dân. Đầu tiên là cải thiện thu nhập cho nông dân, khuyến khích nông dân sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, trong tái cấu trúc cần giải quyết cho được nghịch lý là VN là một nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, nhưng lại phải nhập ngô, đậu tương... vì năng suất thấp, giá thành sản xuất cao.

Ngoài ra, cần chú trọng cải thiện chăn nuôi vì đây vẫn là điểm yếu của nông nghiệp VN. Bên cạnh đó, cần cải thiện tình trạng mất cân đối, chủ yếu xuất khẩu hàng thô, giá trị gia tăng thấp. Đảm bảo đầu vào cho sản xuất nông nghiệp cũng như đẩy mạnh những ngành phục vụ nông nghiệp như phân bón, xăng dầu, máy móc..., các dịch vụ cho nông nghiệp. Lo đầu vào đầu ra cho lĩnh vực nông nghiệp cũng là những vấn đề phải sớm được giải quyết.

Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Đừng quá chú ý các ngành truyền thống

Chúng ta đang thảo luận khá sôi nổi về tái cấu trúc nền kinh tế. Trong quá trình phát triển, quốc gia nào cũng phải trải qua. Nếu quốc gia nào có tầm nhìn sớm hơn thì họ đi trước một bước, quốc gia nào có tầm nhìn muộn hơn thì vấp mới sửa. Chúng ta nằm ở vế thứ 2 nhiều hơn và đó là tất yếu của quá trình chuyển đổi.

Theo tôi, thực tế của Việt Nam cho thấy, quá trình tái cấu trúc tập trung vào 3 lĩnh vực lớn đó là: Sản xuất, lưu thông và tín dụng (vốn). Trong đó, đối với sản xuất thì tập trung mạnh vào nông nghiệp vì phát triển nông nghiệp mang lại sự ổn định, tăng trưởng và nâng cao vị thế quốc gia thông qua xuất khẩu.

Nhưng đến nay, tôi chưa thỏa mãn chút nào đối với cấu trúc nông nghiệp vì chúng ta vẫn chỉ tập trung một số ngành truyền thống năng suất, chất lượng chưa cao; sản phẩm xuất khẩu chưa tinh; cơ cấu nội ngành nông nghiệp lỏng lẻo; lựa chọn và phát huy thế mạnh chậm; chưa khai thác được hết các lợi thế và thế mạnh. Đây là những vấn đề thiết thực cần phải đặt ra một cách quyết liệt khi đề cập đến tái cấu trúc nông nghiệp.

Ông Trang Hiếu Dũng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NNPTNT: Sẽ tập trung về chăn nuôi, thủy sản

Tiến trình tái cấu trúc có những cái khó riêng. Ví dụ như chúng ta có hàng chục nghìn ha cà phê, cao su nên muốn chuyển đổi cũng không hề dễ dàng. Còn nhiều vấn đề khác liên quan đến chính sách, nguồn nhân lực để tái cơ cấu, do đó cần hoạch định những chính sách mới để phát huy tối đa các nguồn lực.

Trong định hướng tái cấu trúc nông nghiệp, ưu tiên hàng đầu là tái cấu trúc đầu tư, nghĩa là phải sắp xếp lại ưu tiên đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu chuyển giao KHCN và đào tạo cho người nông dân. Ngoài ra việc cải cách thủ tục hành chính và khuôn khổ pháp lý cũng rất cần thiết cho tái cơ cấu. Chúng tôi cho rằng, với những đổi mới mạnh mẽ về chính sách, các nhà tài trợ sẽ quan tâm tới nông nghiệp, nhất là lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê, rau, hoa quả...

Trong định hướng tái cơ cấu ngành, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao tỷ trọng các ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Trong đó, đối với ngành trồng trọt sẽ ưu tiên cao hơn cho nhóm rau và hoa; nhóm ngành thủy sản sẽ ưu tiên phát triển nuôi tôm, cá tra và nhuyễn thể ở vùng ĐBSCL, vùng ven biển…

Đối với tái cơ cấu sản xuất, sẽ cần phải thúc đẩy nhanh hơn kinh tế hộ theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn cũng như hoàn thành việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ NNPTNT ngay trong năm 2012 này.