Lưu Bị từ đầu đến cuối luôn lấy danh nghĩa dòng dõi Hán thất, tự xưng là hậu nhân của Trung Sơn Tĩnh vương, lấy việc phục hưng Hán thất làm trách nhiệm bản thân. Về phần Tuân Úc cũng một dạ trung thành với nhà Hán, không muốn mắt thấy giang sơn nhà Hán phải rơi vào tay kẻ khác. Về bề mặt thì Lưu Bị và Tuân Úc đều chung một mục tiêu, tuy nhiên Tuân Úc lại chọn đi theo Tào Tháo chứ không chọn Lưu Bị, nguyên nhân vì sao?
Đầu tiên cũng bởi điểm xuất thân không giống nhau tạo thành. Lưu Bị tuy miệng nói là dòng dõi Hán thất, là hậu nhân của Trung Sơn Tĩnh vương, như thể vượng khí hào hùng, danh thơm tiếng vọng. Tuy nhiên Lưu Bị lại không thể lấy gì làm căn cứ, thực lực cũng chẳng bằng ai khi đó, ngay từ nhỏ Lưu Bị đã phải đan giày cỏ bán để mưu sinh. Với xuất thân như vậy nên các vương gia vọng tộc cũng như các chư hầu đều không xem trọng Lưu Bị, thậm chí còn cho là đáng chê cười.
Còn về phần Tuân Úc, xuất thân thuộc dòng dõi gia tộc danh giá tại Dĩnh Xuyên. Ông nội Tuân Úc là Tuân Thục làm tới chức huyện lệnh, cha là Tuân Côn cùng 7 anh em đều là tài tử, được gọi là Bát long (tám con rồng). Tuân Côn từng làm Tế Nam tướng, em Tuân Côn là Tuân Sảng (chú của Tuân Úc) làm tới chức Tư Không trong triều Hán. Với xuất thân như vậy, so với Lưu Bị quả là khác muôn trượng, không thể sánh bì. Kỳ thực, việc Tuân Úc phò tá ai, đó không chỉ là việc của một cá nhân ông, mà phía sau đó còn là cả danh tiếng của gia tộc, gia tộc ông sẽ không đời nào chịu để ông đi phò tá một kẻ bán giày dạo để sinh nhai như Lưu Bị được.
Điểm này cũng có thể nhìn thấy trong số các mưu sĩ của Tào Tháo và Lưu Bị. Những mưu sĩ ngay từ thời đầu của Lưu Bị như My Trúc, Giản Ung, Tôn Càn… tất cả đều có chung một đặc điểm đó là gia cảnh bần hàn. Cũng như Từ Thứ là một mưu sĩ có thực tài là một sĩ nhân áo vải nghèo khó, không quyền không lực, sau cùng được Thủy Kính tiên sinh tiến cử đầu quân cho Lưu Bị.
Ngược lại, số mưu sĩ dưới trướng của Tào Tháo, có thể nói đến như Châu Hoa, Ngọc Bút, Tuân Úc, Quách Gia, Tuân Du, Trình Dục, Mao Giới, Đổng Chiêu… đại đa số đều là danh gia vọng tộc, không những xuất thân phi phàm mà trí huệ, mưu lược cũng vạn người khó được. Còn My Trúc, Giản Ung, Tôn Càn mà đem so sánh với những người này thì thật không thể nghĩ bàn, cơ bản là không thể xứng tầm về mặt gia thế.
Hình ảnh Tuân Úc tái hiện trên màn ảnh qua bộ phim Tân Tam Quốc Diễn Nghĩa 2010 . (Ảnh: youtube.com).
Một điểm nữa, Tào Tháo vốn dĩ là một đại trung thần của nhà Hán, từng bất chấp nguy cơ bị giáng chức để dâng sớ tâu bảy điều hay lẽ phải, bảo vệ người ngay chính, ngăn cản kẻ xấu. Chỉ tiếc là mọi nỗ lực can gián đều thất bại. Hoạn quan tiếp tục lộng hành, làn sóng cải cách bị ngăn chặn. Vậy nên, trong mắt các lộ chư hầu, có thể nói Tào Tháo là người có biểu hiện ưu tú nhất.
Đương thời khi đó, Hán Hiến Đế vẫn là chính thống, Tuân Úc chỉ một mực trung thành với Hán thất, bất luận các lộ chư hầu ai xưng bá thế nào, trong tâm Tuân Úc chỉ có mình Hán đế là chủ, trên danh nghĩa, Tào Tháo vẫn là quân thần của nhà Hán, phục vụ Hán đế, Tuân Úc phò Tào Tháo cũng chính là phò tá Hán đế.
Tiếp nữa, các bậc nhân sĩ xưa kia luôn lấy trung hiếu làm kim chỉ nam sống cho mình, con người sống vì đức vì danh chứ không vì quyền vì lợi. Có câu: “Một thần không thể thờ hai chủ”, tuy nhà Hán đã đến thời mạt tận, loạn thế khắp nơi, nhiều người bỏ nhà Hán ra đi, tuy nhiên Tuân Úc lại khác. Xuất thân dòng dõi danh môn, ông tự có niềm tin của riêng mình, nếu như ông quy thuận Tào Tháo rồi thì sẽ không dễ gì mà thay đổi chủ ý lại theo Lưu Bị.
Sau cùng, Tuân Úc chọn theo Tào Tháo cũng bởi nếu như đem so sánh giữa Tào Tháo tài ba văn võ song toàn thì Lưu Bị quả là mờ nhạt. Ngay từ đầu khi mới bước chân vào chốn quan trường, Tào Tháo đã thể hiện mình là một bậc anh hùng, trung thần nhà Hán, sẵn sàng xả mình vì sự an nguy của thiên hạ. Tào Tháo lấy tấm lòng đãi người quân tử, đối nhân xử thế rất khẳng khái, trọng nhân tài, vậy nên việc ông được các mưu sĩ khắp thiên hạ quy về phò tá làm lên nghiệp đế vương sau này cũng là điều tất nhiên.