Dân Việt

Nhạc sĩ Huy Tuấn: Vui vì đã có lớp khán giả nghe nhạc

22/01/2012 07:48 GMT+7
(Dân Việt) - Trò chuyện với Dân Việt về âm nhạc Việt Nam trong một năm qua, nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ: “Năm 2011 thực sự là một dấu hiệu tốt lành với âm nhạc Việt, rất nhiều album và show diễn có chất lượng nghệ thuật đến với khán giả. Đó chính là sự khởi đầu tốt đẹp, một chu kỳ mới của âm nhạc Việt”.

Là một nhạc sĩ, một nhà sản xuất, nhạc sĩ có những cảm nhận gì về những cái được của đời sống âm nhạc trong năm?

- Năm 2011 thực sự là một dấu hiệu tốt lành với âm nhạc Việt, rất nhiều album và show diễn tốt và nhiều nhân tố mới cũng rất hứa hẹn như album “Một ngày” của Mỹ Linh; album “Vòng tròn” của Hồng Nhung, “Body language” của Thu Minh… Ngoài ra, những show diễn của Đức Tuấn, Tùng Dương, Hồ Ngọc Hà… cũng rất chất lượng.

img
Nhạc sĩ Huy Tuấn

Bên cạnh đó, tôi còn nhận thấy những nhân tố mới như Uyên Linh, Văn Mai Hương, Noo Phước Thịnh rất hấp dẫn lớp khán giả trẻ. Sự ra đời của hàng loạt các chương trình âm nhạc như "Music on the roof", "Không gian âm nhạc" với những tên tuổi Tùng Dương, Nguyên Thảo, Thu Minh, Thanh Lam, Anh Khoa, Nguyên Lê, Tuấn Ngọc… là những sân chơi thực sự có chất lượng dành cho những người muốn nghe âm nhạc chứ không phải chỉ đơn thuần là người đi xem ca nhạc.

Tôi nghĩ, chúng ta có thể hy vọng vào một năm 2012 tốt đẹp hơn từ những gì chúng ta đã thấy trong năm 2011. Cái được nhất năm 2011 là sự khởi đầu của một chu kỳ mới của âm nhạc Việt.

Phải chăng chính sự phân chia ngày càng rõ nét về đẳng cấp âm nhạc, giữa một bên là giải trí đơn thuần, một bên là giải trí mang giá trị nghệ thuật đích thực đang tạo nên những bức tranh “sáng- tối” của âm nhạc Việt Nam?

- Tôi thấy đây chính là dấu hiệu của sự chuyên nghiệp, khán giả đã có thể tìm thấy được ngôn ngữ âm nhạc riêng để thưởng thức theo đúng với trình độ cũng như thẩm mỹ của mình. Tôi sợ nhất là những gì “nhờ nhờ” và những khán giả chẳng biết chính mình muốn gì.

Là một nhà sản xuất, anh nhìn thấy sự khó khăn và thuận lợi nào trong việc đưa âm nhạc Việt ra thế giới?

- Cho đến thời điểm này, tôi nghĩ rằng việc khó khăn nhất chính là chúng ta đòi… đi ra ngoài quá sớm, trong khi bản thân công việc trong nhà thì chưa làm tử tế mọi thứ. Đối với âm nhạc Việt bây giờ chính là cái nền tảng và cần phải mất rất nhiều thời gian để chúng ta xây dựng được. Theo tôi, hãy làm một việc nhỏ đó trước và chúng ta không nên vội vã quá.

Thường thì những người cả đời chuyên tâm với giá trị nghệ thuật đích thực sẽ thấy “chối tỉ” với những sản phẩm quá dễ dãi mà công chúng đang gọi bằng một cái tên chung là “thảm họa nhạc Việt”. Nhưng ngược lại, những người theo đuổi dòng nhạc thị trường cũng không hề thích những tác phẩm chất lượng nhưng kén người nghe (như mới đây, Đàm Vĩnh Hưng trả lời báo chí rằng, “tôi không hề thích âm nhạc của Quốc Trung”). Nhạc sĩ ở “chiến tuyến” nào với những quan điểm này?

- Tôi chẳng thấy ai bảo không thích ở nhà sạch bao giờ.

Từ khi nhạc sĩ chuyên tâm vào công việc đào tạo ca sĩ và là nhà sản xuất, khán giả dường như không còn được thưởng thức những sáng tác mới của nhạc sĩ. Vì sao vậy?

- Tôi nghĩ một nhà sản xuất trước hết phải là một nhạc sĩ và hai công việc này luôn đi liền với nhau. Tất nhiên cũng có những người chỉ chuyên về sản xuất, có những người lại thiên về sáng tác, nhưng nếu có được cả hai thì điều đó sẽ rất tốt. Bởi khi là nhà sản xuất, bạn sẽ tìm một ý tưởng xuyên suốt và lúc đó bạn chính là người đặt nền móng, hay cái khung cho album đó bằng những sáng tác của mình, hoặc những tác phẩm mình hòa âm phối khí.

Nếu để chọn một cái tên trong số những ca sĩ trẻ hiện nay để đào tạo, đầu tư, nhạc sĩ sẽ nhắm đến ai? Vì sao?

- Tôi sẽ chọn Văn Mai Hương, bởi vì tôi đã và đang làm việc này rồi. Tôi nhìn thấy Hương có đầy đủ mọi thứ để trở thành một ngôi sao mới của lứa tuổi teen.

"Giải thưởng Video âm nhạc Việt không hẳn là “ao làng” mang tên quốc tế. Bởi đó cũng là một việc sáng tạo và cần làm. Còn đừng vội phải đòi hỏi có tầm cỡ quốc tế, đừng nên tự huyễn hoặc với nhau những lời đao to búa lớn. Hãy cứ giữ cái “ao làng” sạch trước khi có thêm sức khỏe ra biển."

Nhạc sĩ có thể nói rõ hơn về những chiêu trò?

- Tôi nghĩ, cái gì cũng có tính hai mặt, khi chiêu trò được thực hiện ở những chương trình nghệ thuật, nhất là những chương trình mang tính giải trí nhiều, thì đó là điều cần thiết. Nhưng nếu những chiêu trò đó mà không đặt đúng nơi, đúng chỗ và bị lạm dụng quá nhiều thì khán giả chỉ nhìn thấy chiêu trò mà không thể nhìn được giá trị của nghệ thuật. Đặc biệt đối với các ca sĩ khi có những chiêu trò, trước hết họ nên có khả năng ca hát. Nhưng như tình hình hiện nay thì hầu hết các ca sĩ trẻ đều là những người kém cả về tài năng âm nhạc và về kiến thức xã hội. Trong khi đó, họ lại được tung hô quá đà, nên nhầm tưởng.

Trong một năm qua, điều gì khiến nhạc sĩ hài lòng nhất?

- Tôi hài lòng nhất là về Dự án “Music on the roof” - có nghĩa là âm nhạc trên tầng cao. Đó là seri chương trình đầu tiên ở Hà Nội, khi mà chưa có nhiều những chương trình âm nhạc chất lượng khác như "Không gian âm nhạc"... Tôi nhận thấy khán giả bây giờ đã biết cách thưởng thức một không gian âm nhạc tinh tế hơn, có chiều sâu hơn, chất lượng hơn và chấp nhận bỏ một số tiền rất cao để được nghe một đêm nhạc xứng đáng.

Cảm ơn nhạc sĩ Huy Tuấn.