Dân Việt

1001 chiêu trò dụ... ôsin ở lại đón Tết

20/01/2012 14:12 GMT+7
Một diễn đàn trực tuyến dành cho gia đình trẻ cũng đang khá rôm rả chủ đề làm cách nào giữ chân ôsin dịp tết. Đủ gợi ý được đưa ra, trong đó chiếm số đông là giải pháp tăng lương, thưởng tết, tặng quà, nói ngon ngọt...

“Trời ơi là trời, ngày cuối năm quyết toán sổ sách đủ thứ, lại phải gánh thêm việc nhà nữa thì xoay thế nào cho kịp!” – đó là lời ta thán của chị Nguyễn Võ Ái Phương, kế toán trưởng một doanh nghiệp nhà nước, vừa đưa lên Facebook cá nhân.

Và chỉ trong ngày 14.1, đã có 40 ý kiến vào động viên, đồng thời góp thêm vài tiếng than của những người đồng cảnh ngộ.

img

Đi chợ trực tuyến, gửi con cho ông bà

Chị Phương cho biết, hồi có ôsin ở nhà, chị chẳng phải suy nghĩ xem con cá con mắm nó ra sao, cũng không phải vất vả tay gõ máy tính mà đầu thì nghĩ sẽ giặt cái đống mùng màn chăn chiếu thế nào cho kịp khô để dùng mấy ngày tết, rồi mua cây mai hay trái cây chưng bàn thờ không biết lựa thế nào để không bị xấu, hư thối...

“Mấy chị đồng nghiệp bày tôi cách đi chợ trực tuyến. Tranh thủ nghỉ trưa ở công ty, tôi tìm hiểu thông tin hàng hoá trên mạng và đặt mua một số đồ dùng tết. Chấp nhận mất thêm chi phí chuyển hàng và đắt đỏ hơn chút nhưng bù lại tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Từ bánh kẹo, đồ ăn thức uống, đến cả hoa chưng tết... tôi cũng đặt trên mạng”, chị Phương nói.

Còn chị Hoàng Trinh (ngụ Tân Bình, TP.HCM) năm nay lần đầu nếm mùi “tết vắng ôsin”, khi chị giúp việc đã ăn cùng năm cái tết với nhà chị, tết này phải về quê vì mẹ mất, “Không cho nghỉ thì tội nghiệp chỉ mà cho nghỉ thì tội nghiệp... mình.

Cái gì cũng quen giao chị ấy làm, giờ phải tự tay làm, cực trần thân. Hai đứa nhỏ phải đưa về bên ngoại nhờ coi giùm chứ mấy ngày cận tết này tìm chỗ giữ trẻ đâu ra. Tôi cũng đã thử gọi điện thoại đến các trung tâm môi giới người giúp việc theo giờ nhưng đa số đều lắc đầu vì đã nhận việc kín lịch rồi. Chỗ có người thì hét giá trên trời, thuê ôsin mà còn hơn thuê hoa hậu”, chị Trinh chậc lưỡi kể.

Nghĩ đủ chiêu trò dụ ôsin ở lại

Anh Nguyễn Tuấn Vinh, nhân viên tập đoàn truyền thông D.A.T (TP.HCM) bảo vợ chồng anh đang loạn cào cào khi chị giúp việc nhà đã thống nhất 28 tết mới về quê, bù lại vợ chồng anh thưởng thêm tháng lương, thế mà đùng một phát ngày 13.1 đi làm về, chẳng thấy chị ta đâu, vợ anh gọi điện thì được biết chị về quê mất rồi! “Chị ta kêu vợ chồng tôi thông cảm, tại quê xa quá, tết sợ không bắt được xe về”, anh Vinh kể.

Một diễn đàn trực tuyến dành cho gia đình trẻ cũng đang khá rôm rả chủ đề làm cách nào giữ chân ôsin dịp tết. Đủ gợi ý được đưa ra, trong đó chiếm số đông là giải pháp tăng lương, thưởng tết, tặng quà, nói ngon ngọt...

Cũng vẫn là “chiêu” lấy lòng ôsin nhưng cách làm của chị Mai Linh (Bình Thạnh, TP.HCM) có phần đỡ tốn kém hơn. Chị kể, dịp Noel vừa rồi, chị tự nguyện đưa chị ôsin đến nhà thờ cầu nguyện, vì biết cô này có đạo. “Chỉ vậy thôi mà chị ấy xúc động quá chừng. Tết này, tôi muốn chị ta ở lại đón tết cùng gia đình tôi, và chị vui vẻ nhận lời...” chị Linh chia sẻ.

Tết chưa qua, đã lo... qua tết

Tình trạng ôsin không trở lại đúng ngày hoặc cho chủ nhà “leo cây” để tìm chỗ làm mới, được nhiều gia đình dự đoán sẽ lặp lại vào những ngày sau tết Nhâm Thìn. Tìm ôsin mới cũng sẽ khó vì thường phải sau rằm tháng giêng, các trung tâm giới thiệu người giúp việc mới đáp ứng được người mới, vì thời điểm đó ôsin trẻ thì ham vui chơi, người già thì chưa muốn đi làm.

Thạc sĩ xã hội học Võ Thị Quỳnh Lam, trung tâm Tâm lý thực hành Gia Việt (TP.HCM) cho biết, việc ôsin nghỉ làm sau tết không còn là chuyện lạ. Có thể họ có công việc ở nhà nên xin nghỉ, không hiếm trường hợp tự ý bỏ việc để sang làm cho một gia đình khác, với hứa hẹn mức lương cao hơn.

Hơn nữa, phần lớn ôsin ở nông thôn lên, chỉ coi giúp việc là công việc tạm thời, nên chẳng màng đến chủ nhà cũ... “Để tránh tình trạng người giúp việc phá hợp đồng sau tết, trước khi cho họ nghỉ tết, không nên thanh toán hết tiền lương. Quan trọng nhất là có chính sách trả lương hợp lý. Người chủ cũng nên coi những người giúp việc như bạn, người trong gia đình, thường xuyên quan tâm đến họ, không nên coi họ là nô lệ, bắt họ làm mọi việc mình thích...” – ThS Lam tư vấn.

Ông Nguyễn Văn Thái, giám đốc một công ty chuyên đào tạo và giới thiệu người giúp việc gia đình cho biết, không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có nhu cầu cao về người giúp việc ngày tết mà các địa phương như Đà Nẵng, Cần Thơ... nhu cầu cũng tăng mạnh. “Để giữ được người giúp việc làm lâu cho gia đình mình, mỗi người trước khi thuê ôsin về, nên có một buổi trò chuyện với nhau, nói rõ quan điểm của gia đình về cách sống, cách xử thế.

Gia chủ cũng không nên quá kỳ vọng vào người giúp việc mà đẩy hết mọi việc cho họ. Nếu nhà có con nhỏ, người già mà không muốn lâm vào cảnh khó khăn sau tết, tốt nhất nên thuê người lớn tuổi hoặc đã nghỉ hưu làm theo giờ, giá tuy hơi cao nhưng bù lại họ biết làm việc, cùng nếp sống với gia chủ và không tốn chi phí ăn ở.

Các gia chủ cũng phải kiên quyết, chặt chẽ với mọi điều khoản hợp đồng với ôsin từ đầu. Nếu muốn, hãy ghi nhận công sức của ôsin, cho họ biết số tiền công, tiền thưởng và sẽ trao đủ khi hoàn tất hợp đồng...”, ông Thái gợi ý.

Theo Sài Gòn tiếp thị