Hội thi “Nhà nông đua tài” là hoạt động nổi bật thuộc chuỗi các hoạt động chính của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019. Hội thi có chủ đề “Canh tác cà phê thông minh” nhằm mục tiêu hướng người nông dân trồng cà phê chú trọng đến vấn đề canh tác và sử dụng các kỹ thuật canh tác thông minh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế.
Vòng sơ tuyển Hội thi "Nhà nông đua tài" tại Gia Lai.
Thông tin từ Ban tổ chức, so với các năm trước, Hội thi lần này không chỉ có nông dân các tỉnh Tây Nguyên tham gia mà còn mở rộng thêm 3 đội khách mời là Sơn La, Quảng Trị và Bình Phước. Đồng thời, Hội thi cũng đã được tổ chức một cách bài bản hơn bằng việc tổ chức vòng thi sơ tuyển tại các tỉnh để chọn ra các đội vào vòng bán kết.
Nội dung chính của Hội thi bao gồm những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và hiểu biết về canh tác, sản xuất cà phê và các vấn đề liên quan từ sản xuất đến chế biến, thị trường cà phê đặc sản cũng như các chính sách có liên quan đến lĩnh vực sản xuất cà phê…
Với việc tổ chức ngoài trời bằng hình thức gameshow, Hội thi "Nhà nông đua tài" năm nay đã có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Sáng 11.3, tại vòng thi bán kết, với 4 vòng tranh tài là: Nhà nông hội nhập, Nhà nông liên kết, Nhà nông hùng biện và Nhà nông hiểu biết (nội dung thi là những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, hiểu biết về canh tác, sản xuất cà phê và các vấn đề liên quan từ sản xuất đến chế biến, thị trường cà phê đặc sản cũng như các chính sách có liên quan đến lĩnh vực sản xuất cà phê), 4 đội xuất sắc là Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai đã lọt vào vòng chung kết.
Nói về chủ đề Hội thi, ông Ngô Văn Đông - TGĐ Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết, "Canh tác thông minh" là một chương trình mà Công ty thực hiện trên cây lúa, cà phê và nhiều loại cây trồng khác. Canh tác thông minh có thể được hiểu như một sự vận dụng khéo léo và phù hợp nhất các tiến bộ kỹ thuật, giải pháp canh tác hiệu quả trong bất kỳ điều kiện sản xuất nào, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Với chủ đề "Canh tác thông minh", Hội thi đã đem đến cho nông dân nhiều kiến thức bổ ích trong việc canh tác cà phê.
Ví dụ, trong canh tác lúa bà con thường áp dụng riêng lẻ các giải pháp, dựa vào kinh nghiệm là chính hoặc áp dụng máy móc theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Nhưng với chương trình “Canh tác thông minh”, bà con nông dân phải tiếp cận và hiểu hết các giải pháp canh tác từ chọn giống, chuẩn bị đất, quản lý sâu bệnh hại, quản lý dinh dưỡng, nước tưới và linh hoạt áp dụng giải pháp phù hợp nhất với điều kiện đất trồng, mùa vụ, thời tiết tại địa phương mình.
Bên cạnh đó, canh tác thông minh cũng phải thấu hiểu về thị trường để đạt được hiệu quả kinh tế cao. "Như vậy, thông qua Hội thi năm nay, Bình Điền muốn hướng người nông dân trồng cà phê chú trọng đến vấn đề canh tác và biết canh tác một cách thông minh để ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết giảm chi phí sản xuất để nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế"- ông Đông nói.
Hội thi năm nay được Công ty CP Phân bón Bình Điền và các đơn vị liên quan tổ chức với quy mô lớn hơn, sâu sát đến tận cơ sở hơn và có nhiều đổi mới hơn so với các lần tổ chức trước.
Theo ông Huỳnh Quốc Thích - nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, với việc mở rộng thêm 3 đội khách mời, Hội thi Nhà nông đua tài năm nay đã mang ý nghĩa toàn quốc.
Với việc tổ chức vòng thi sơ tuyển, Hội thi cũng đã đến được với nông dân trồng cà phê nhiều hơn, tạo ra một sân chơi hấp dẫn, bổ ích cho người trồng cà phê lúc nông nhàn, cũng là tạo ra phong trào nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đội Gia Lai đã xuất sắc giành giải nhất tại vòng chung kết.
Đặc biệt việc tổ chức vòng sơ tuyển theo hình thức gameshow “Người nông dân hiện đại”, đưa Hội thi ra ngoài trời đã làm sôi động cả một vùng rộng lớn khu vực tổ chức thi. Nội dung thi bám sát nhận thức của nông dân về kỹ thuật canh tác, chế biến, kinh doanh cà phê; một số hiểu biết về những chính sách xã hội lớn của nhà nước liên quan đến người trồng cà phê… đã tạo sự thích thú cho các đội thi và cả khán giả, cổ động viên.
Tại vòng chung kết, Hội thi đã được tổ chức hoành tráng với sự theo dõi của hàng ngàn nông dân, người dân và du khách… Đội Gia Lai đã xuất sắc vượt lên dẫn đầu giành giải nhất với trị giá 30 triệu đồng cùng một chuyến tham quan, học tập mô hình sản xuất công nghệ cao tại Thái Lan vào cuối tháng 3 này.
Đội Đắk Lắk và Lâm Đồng đồng hạng 3 với giải thưởng 10 triệu đồng, đội Kon Tum đã giành được ngôi "Á quân" với trị giá giải thưởng 20 triệu đồng. 4 đội vào được vào bán kết là Sơn La, Bình Phước, Đắk Nông và Quảng Trị cũng được trao giải khuyến khích.