…Ngược dòng thời gian trở về thuở sơ khai của bóng đá châu Âu, Real Madrid vô địch C1 5 lần liên tiếp, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Những gương mặt tiêu biểu cho thời đại ấy là Di Stefano, Puskas, Kopa, Gento hay… Chủ tịch Santiago Bernabeu chứ mấy ai biết tên HLV dẫn dắt Real Madrid.
Sau đó chỉ vài năm, ở những năm đầu thập niên 1960, nhắc đến Giacinto Facchetti, nhắc đến Grande Inter là phải nhắc đến Helenio Herrera với Catenaccio. Đến cuối thập niên 1960, chỉ với 1 chiếc cúp C1, Sir Matt Busby đã đi vào lịch sử Manchester United như là nhà cầm quân vĩ đại nhất cho đến trước thời đại Sir Alex Ferguson.
HLV Zidane đã đồng ý trở lại dẫn dắt Real Madrid.
Đến những năm đầu thập niên 1970, Johan Cruyff được ví là linh hồn của thứ bóng đá Total Football mê hoặc cả thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, HLV Rinus Michels cũng có được vị trí trang trọng trong lịch sử bóng đá thế giới. Rồi cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980 là Bob Paisley của Liverpool...
Thập niên 1990 thì có Johan Cruyff, Arrigo Sacchi, Alex Ferguson, Arsene Wenger. Thập niên 2000 ghi dấu ấn Jose Mourinho, Pep Guardiola... Tất cả những cái tên vừa nêu, đều là những HLV không chỉ thành công vang dội ở giải quốc nội lẫn đấu trường châu Âu mà còn tạo ra tầm ảnh hưởng cực lớn tại đội bóng họ dẫn dắt. Họ thét ra lửa và can thiệp vào tất cả mọi vấn đề liên quan đến đội bóng.
Bây giờ quay trở lại với Real, để trả lời cho câu hỏi nêu trên thì kỷ lục vô tiền khoáng hậu của Real có sự đóng góp của 4 HLV, với 3 người có vinh dự nâng cúp và tổng cộng 5 lần thay tướng. Bẵng đi 30 năm, ai nhớ Jupp Heynckes đã chấm dứt cơn khát danh hiệu C1/Champions League cho Real hay chỉ nhớ vị chiến lược gia này giành cú ăn ba với Bayern Munich?!
Rồi Vicente Del Bosque 2 Champions League, 2 La Liga cũng bị sa thải cái một vì trông dáng cục mịch quê kệch, không hợp với phong thái Hoàng gia. Rồi Đanh đá chua ngoa cỡ Jose Mourinho cũng cuốn gói không kèn không trống. Vậy Zidane hơn gì những người tiền nhiệm? Cho đến thời điểm vô địch Champions League thứ ba liên tiếp thực ra chẳng hơn gì!
Thời điểm đó, bất chấp công trạng hiển hách, Zidane vẫn chỉ là “Head Coach” tương tự những người tiền nhiệm, tức chỉ làm chuyên môn bóng đá đơn thuần. Trong khi đó, Real hoạt động theo dạng hiệp hội, có Hội đồng thành viên, Chủ tịch CLB (được bầu theo nhiệm kỳ), Tổng giám đốc, các vị Giám đốc kỹ thuật, Quan hệ đối tác... Mọi vị trí đều có thực quyền, có tầm ảnh hưởng hơn cả HLV.
Đao to búa lớn như vậy nhưng hiểu nôm na là BLĐ Real giao cho Zidane con người như thế nào thì ông cứ thế mà dẫn dắt, không có chuyện can thiệp vào vấn đề mua bán của đội bóng. Thế cho nên mới có chuyện đề xuất giữ chân Cristiano Ronaldo chứ không phải Gareth Bale của vị chiến lược gia người Pháp vẫn bị gạt phăng.
Nhưng cái hơn người của Zizou là khả năng cảm nhận nhạy bén tình huống. Nếu như trên sân cỏ vị chiến lược gia người Pháp luôn có những quyết định dùng người hay thay người cực kỳ hợp lý thì trong cuộc đối đầu với BLĐ Real, ông quyết định dừng lại chờ thời khiến tất cả phải ngỡ ngàng.
Và thời thế, thế thời chẳng biết đâu mà lần. 3 năm chiến công hiển hách không bằng 9 tháng ngồi chơi. Từ thời điểm Zidane tuyên bố từ chức, Real sa sút một cách thê thảm hơn cả chữ thê thảm. Tiêu biểu là tuần tan tác với 2 chiến bại trước Barcelona và 1 thảm bại trước Ajax Amsterdam khiến cơ hội chinh phục danh hiệu mùa này xem như tan biến.
Điều đó đồng nghĩa Real sẽ phải tái thiết trong mùa Hè, bắt đầu từ vị trí HLV. Vị trí ấy thì đâu có ai phù hợp hơn Zidane được, từ chuyện năng lực, thấm nhuần văn hóa CLB cho đến tầm ảnh hưởng đến các cầu thủ. Thế nên Chủ tịch Perez phải xuống nước cầu cạnh, đồng nghĩa vị thế Zinedine Zidane hoàn toàn khác xưa. Từ thu nhập đến quyền hành đều tăng lên gấp bội.
Đơn cử như chuyện Zizou ra điều kiện với Perez mới chịu trở lại như toàn quyền kiểm soát đội bóng, đẩy đi những cầu thủ không hợp mắt, giữ chân trò cưng hay mua Mbappe, không mua Neymar. Những HLV Real xưa nay có mơ cũng không dám nghĩ đến những quyền lợi như vậy. Vậy người xưa mới có câu Bất chiến tự nhiên thành.