GS-TS Nguyễn Lân Hùng giới thiệu những cuốn sách dạy nghề cho nông dân của ông. |
Để hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi luôn luôn có mặt ở mọi miền đất nước, gặp gỡ với đông đảo bà con nông dân, trao đổi với các đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học, tìm hiểu các chủ trương, chính sách hiện hành, xin ý kiến của các cấp lãnh đạo…để tìm ra những vấn đề cần giới thiệu. Tính đến hôm nay, hơn 70 nội dung đã được nêu ra trong Chuyên mục "1001 cách làm ăn".
Bà con có
thắc mắc hay mong muốn được chia sẻ, tư vấn về các vấn đề liên quan đến
hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, học tập kinh nghiệm từ các mô hình,
điển hình làm giàu từ nghề nông... có thể gửi câu hỏi về email: ketnoinhanong@gmail.com để được chuyên gia tư vấn, giải đáp.
So với con số 1000 thì nó còn quá nhỏ. Để đạt tới con số 1001 có lẽ chúng tôi phải tới 15 - 20 năm nữa, không biết có còn thời gian để viết..., vì năm nay tuổi cũng đã cao rồi!
Chuyên mục "1001 cách làm ăn" đã đưa ra cho bà con hơn 30 loại cây trồng và hơn 30 loài vật nuôi cùng một số phương pháp chế biến để mọi người tham khảo. Nhiều đối tượng quen thuộc nhưng cũng có nhiều đối tượng rất xa lạ với bà con. Có những người lần đầu biết tới thanh long ruột đỏ, cam chanh không hạt, chôm chôm, ca cao, mắc ca, xoan chịu hạn…
Nhiều đối tượng động vật nhưng lần đầu bà con biết chúng được nuôi trong gia đình như: Rắn ri voi, nhộng cát, cầy hương, gà J-DABACO, rắn hổ mang…Tuỳ từng vùng, từng điều kiện mà chúng ta chọn lấy những loại cây gì hoặc con nào để đưa vào sản xuất. Mỗi nhà một hoàn cảnh, mỗi người một ước vọng khác nhau. Chúng ta phải lượng sức để chọn ra những hướng đi phù hợp cho gia đình mình.
Chính các bài báo của chúng tôi là phương tiện để mỗi bà con đi vòng quanh đất nước. Bà con ta cần nắm bắt xem các nơi đã làm được những gì. Mỗi miền có những kinh nghiệm và sáng kiến riêng. Mỗi gia đình lại có cách làm ăn độc đáo. Ai giỏi, ta học, đối tượng nào hay, ta làm theo.
Tôi còn nhớ, ngay sau bài đầu tiên đăng trên Chuyên mục ("Trồng thanh long ruột đỏ"), đã có hàng trăm người khăn gói tới tận các địa chỉ đã trồng để học tập. Hoặc sau bài "Nuôi nhông cát", rất nhiều bà con ở phía Nam đã tới tận Bình Thuận để tham quan.
Thế rồi các mục: Nuôi đà điểu, nuôi cầy hương, trồng mắc ca, nuôi bồ câu Pháp, trồng xoan chịu hạn, làm mạch nha, nuôi tắc kè, làm hầm biogas bằng composite…liên tiếp được bà con hưởng ứng. Những ngành nghề mới, những đối tượng mới sẽ nhen nhóm lên khát vọng làm ăn cho bà con chúng ta. Rất nhiều gia đình đã giàu lên nhờ nuôi ba ba, nuôi nhím, nuôi cua biển, trồng nấm ăn, nuôi ếch, nuôi lươn, trồng bông giống mới…
Một nông thôn mới chỉ có thể hiện rõ khi cuộc sống của nông dân ngày một nâng cao. Tiềm năng sinh học còn rất lớn. Mỗi gia đình hãy chọn thêm cho mình một cách làm ăn mới để đi lên.
Chúng tôi luôn sát cánh bên bà con. Trong trăm nghìn cánh cửa đưa chúng ta đến với khoa học kỹ thuật, Chuyên mục "1001 cách làm ăn" xin làm một cửa sổ nhỏ để tiếp tay thêm cho mọi người. Hãy đồng hành cùng chúng tôi.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng