Ông Phan Văn Hoà và gạo thương phẩm AC5. |
Xuất ngũ năm 1984, ông Hoà về quê, lấy vợ, chăm lo việc cuốc cày. Nghị quyết 10 ra đời, ông làm đơn xin UBND xã cải tạo 5ha đất ở đầm Hói Sác, nơi năn lác ken dày, nổi tiếng nhiều rắn độc.
Đánh bạc với đầm năn lác
"Gần 2 năm vợ chồng tôi dựng lán cải tạo đầm, dọn năn lác để nuôi cá, nhưng dọn xong vài hôm nó lại mọc. Tôi nghiên cứu, thả cá trắm cỏ. Cá trắm ham ăn năn lác, mầm nào lên xơi mầm ấy. Cá lớn nhanh như thổi, nhưng sắp đến kỳ thu hoạch thì nước lũ, gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần túng bấn"- ông Hòa nhớ lại.
Thất bại, ông chuyển sang trồng lúa. Ông thuê thợ ngày đêm cày, bừa 5ha đầm để kịp vụ gieo cấy. Đầm Hói Sác một lần nữa lại thử thách ý chí của ông. Đến kỳ thu hoạch, cả đồng lúa trổ bông nhưng không có hạt.
Vợ chồng ông đứng trên bờ ôm nhau khóc. Thất bại ấy khiến ông bạc cả tóc. “Phải cơ giới hoá”- ông Hòa quyết định. Ông lại vay tiền, nhờ một người bạn ở nhà máy cơ khí sang Trung Quốc mua 2 chiếc máy cày. Từ đó, nhờ 2 con "trâu sắt" mà đồng Hói Sác luôn kịp lịch thời vụ, cho những mùa vàng bội thu.
AC5 - thương hiệu gạo xứ Nghệ
5ha lúa-cá cho thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng, nhưng ông Hòa vẫn trăn trở: "Giống lúa lai đắt lại không chủ động khâu giống, có năm dân làng mua phải giống “rởm", chịu cảnh mất mùa, đau lắm. Giống lúa thuần rẻ, chất lượng, tại sao mình không trồng".
Năm 2001, ông làm hồ sơ trình huyện xin thành lập HTX sản xuất lúa giống, chờ mãi không thấy hồi âm. Nhờ người tư vấn, ông làm thủ tục, thành lập Công ty TNHH Vĩnh Hòa. Trình đề án với Sở Nông nghiệp, ý tưởng tìm giống lúa thuần chất lượng cao của ông được nhiệt liệt ủng hộ. Lãnh đạo tỉnh giúp ông gửi công văn ra Viện Giống cây trồng. “Thật may, tôi gặp Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam. Giáo sư đưa tôi đến Viện Cây lương thực. Viện cho tôi 5 giống lúa về trồng khảo nghiệm. Giáo sư còn đưa tôi đến Viện Cơ điện lấy phân vi sinh về trồng lúa”- ông Hòa kể.
Về quê, ông đưa ngay 5 giống lúa ra đồng Hói Sác trồng. Trong 5 giống, giống AC5 cho năng suất cao nhất. Từ thành công của ông, vụ mùa 2005, chính quyền xã Hoa Thành vận động bà con gieo cấy giống lúa AC5. Tiếng lành đồn xa, giống AC5 nhanh chóng có mặt ở khắp Yên Thành và các huyện Đô Lương; Hưng Nguyên, TP.Vinh... Tỉnh giao kế hoạch trồng 3.000ha lúa AC5, năm 2009 đã đạt 4.000ha.
Theo ông Hòa, giống AC5 rẻ, cho năng suất cao (bình quân 7,2 tấn/ha/vụ), giá bán cao hơn lúa lai. Thời điểm này, giá lúa lai là 5.000 đồng/kg, lúa AC5 tới 6.500 đồng. Lúa AC5 được coi là "gạo sạch", người tiêu dùng rất thích. Thành công, ông Hòa xây dựng thương hiệu "gạo xứ Nghệ", được Cục BVTV và Viện Dinh dưỡng công nhận về chất lượng
Tại Hội chợ Techmart- ASEAN+3 mới đây, Công ty TNHH Vĩnh Hoà đã mua bản quyền giống lúa AC5 của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm. Hiện công ty đang cung cấp giống lúa AC5 cho hơn 80.000ha ruộng ở Nghệ An và được nhiều huyện ở Hà Tĩnh, Thanh Hoá đón nhận. Gạo AC5 chất lượng cao đã có mặt trên toàn quốc.
VH1 “đỉnh nhất châu Á”
Say mê với cây lúa, ông Hoà khăn gói ra Hà Nội theo học Đại học Nông nghiệp. Không chỉ học ở trường, ông đến các viện nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm của những giáo sư, tiến sĩ danh tiếng, lên mạng tìm tài liệu về nghiên cứu. Kết thúc khoá học, ông về quê bắt tay nghiên cứu và lai tạo thành công giống lúa mới VH1. "Giống lúa này tôi ấp ủ đã lâu, năm 2008 mới bắt đầu tiến hành. Lúa VH1 cây và hạt màu tím Huế, gạo màu hồng, năng suất cao, có thể trồng trên mọi địa hình, chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu.
Gạo VH1 thơm, ngon; hàm lượng các vi chất Vitamin A, E, chất sắt, kẽm... cao. Dòng lúa VH1 còn gia tăng đáng kể oryzanol - chất có tác dụng chống ôxy hóa, giúp giảm hàm lượng cholesterol trong máu”. Cũng theo ông Hòa, dòng lúa VH1 có ưu điểm kháng sâu bệnh, dễ trồng, có thể đưa vào sản xuất lúa hàng hoá vì chúng khắc phục được những khiếm khuyết về tính không ổn định thường gặp ở cây biến đổi gien.
Ông Hòa đã đăng ký bảo hộ giống lúa VH1 và đã được Tổ chức Bảo hộ giống cây trồng quốc tế (UPOV) chấp thuận. “Vụ đông xuân này, tôi sẽ trồng thực nghiệm 5ha giống lúa VH1”- ông cho biết.
Tiến dũng