Dân Việt

Nên duyên từ kéo vợ sau Lễ hội ăn trộm

29/01/2012 06:12 GMT+7
(Dân Việt) - Kết thúc Lễ hội ăn trộm (15 tháng Giêng âm lịch), người Dao đỏ ở Sì Lở Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) tổ chức tục “kéo người thương về làm vợ”. Không biết có bao nhiêu đôi tình nhân đã nên duyên vợ chồng từ tục lệ này.

Ăm trộm để… cầu may

Vào những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đặt chân lên mảnh đất Sì Lở Lầu (Phong Thổ, Lai Châu), nơi được coi là xa xôi nhất của đất trời Tây Bắc, cao hơn mực nước biển 1.450m. Dẫn chúng tôi đi thăm các bản làng là một chàng trai người Dao kiêm phiên dịch Tẩn Lao Lở.

img
Một kẻ trộm đang cắt thịt ở dưới bếp.

Anh Lở đã kể tỉ mỉ cho chúng tôi nghe về Lễ hội ăn trộm mà chính anh là người đã rất gặp may trong cả mấy tết vừa qua, khi liên tiếp... ăn trộm thành công.

“Tết vừa rồi, tôi đã cùng nhiều anh em vào bản Thà Giàng lấy được hành, thịt và cả rượu của nhiều gia chủ mà không bị bắt quả tang nên cả năm đúng là tôi gặp rất nhiều may mắn” - anh Tẩn Lao Lở nói. Nghe anh Lở kể về các bước phải thực hiện trong Lễ hội ăn trộm mà anh đã tham gia, chúng tôi ai nấy đều ngạc nhiên về những tập tục nơi đây.

Trước khi đi, người bản này sang bản khác ăn trộm phải thông báo cho trưởng bản được biết. Ngoài ra, đi ăn trộm còn phải theo đoàn, vào bản cũng phải gõ trống, chiêng và khi đã ăn trộm được phải xướng vật lấy được cho gia chủ biết. Người ăn trộm cũng chỉ được vào nhổ một vài cây hành, hoặc cắt một miếng thịt lợn đang treo trên gác bếp khoảng 3 lạng hay lấy mấy chén rượu của gia chủ… không được lấy nhiều và đặc biệt nghiêm cấm lấy tiền, vàng của gia chủ.

Để hiểu thêm về lễ hội độc đáo có một không hai của người Dao đỏ ở Lai Châu, chúng tôi tìm đến gặp ông Tẩn Phủ Sài (67 tuổi) nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Sì Lở Lầu. “Thực tế, nói về nguồn gốc của lễ hội này, bản thân tôi và nhiều người cao tuổi khác trong bản cũng chẳng biết đã có từ bao giờ. Chỉ nhớ, từ lúc bé xíu, tôi đã được theo chân những người lớn tuổi tham gia Lễ hội ăn trộm. Mục đích của lễ hội là đi lấy may cho cả năm, chứ không phải đi ăn trộm là để… làm giàu. Vì thế, tuyệt đối nghiêm cấm lấy các vật dụng có giá trị” - ông Sài nói.

Ông Sài cũng cho biết, nếu đi ăn trộm mà bị gia chủ bắt thì coi như cả năm đó sẽ kém may mắn. Ngoài ra, kẻ trộm còn phải chịu phạt uống 1 bát rượu đầy, cũng có khi phạt nhẹ hơn là 3 chén đầy. “Kẻ trộm bị tôi bắt là phải bị phạt uống 3 chén rượu đầy, nhưng phải uống với tinh thần cầu thị. Nếu uống mà mặt nhúm nhó lại là bị phạt uống tiếp” - chị Chẻo Sử Mẩy ở bản Thà Giàng là gia chủ hay bắt được trộm cho biết. Theo nhiều gia chủ đã từng bị ăn trộm đều cho biết, ngày tết mà có người đến nhà sẽ đem thêm niềm vui và may mắn, nhất là từ khi phục hồi lại Lễ hội ăn trộm có thêm người tới nhà càng vui hơn.

Năm nay, để chuẩn bị cho Lễ hội ăn trộm, ngay từ những ngày cuối tháng 10 (dương lịch), nhiều người dân ở Sì Lở Lầu đã háo hức chờ đợi. Nhất là từ hơn 1 năm nay, khi 44/6 bản của xã đã có điện lưới quốc gia về tận nơi. “Nhiều gia đình đã dành dụm tiền để kéo điện về nhà, họ dùng điện chủ yếu vào dịp tết, nhất là từ khi tổ chức lại lễ hội ăn trộm, còn ngày thường, đồng bào lên nương hết”, thượng tá Phạm Văn Toàn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tẩn Sài Đông – Bí thư Đảng bộ xã Sì Lở Lầu cho biết, Lễ hội ăn trộm bị gián đoạn khoảng 10 năm từ sau chiến tranh biên giới cho tới năm 2009 mới được khôi phục lại.

Kéo người yêu về làm vợ

Các vật phẩm lấy trộm được của các đoàn ăn trộm sẽ được mang về liên hoan, sau đó mỗi gia đình đều dùng can, thùng tới các máng nước lấy để cúng thần Nước rồi mang về đổ vào chum để dùng trong những ngày tết và cả năm mới. Với đồng bào dân tộc ở Tây Bắc, nước là thứ quý hiếm nên họ quan niệm nếu thờ cúng thần Nước trong những ngày đầu năm mới sẽ được phù hộ cả năm có đủ nước cho cuộc sống và trồng trọt.

img
Sau lễ hội ăn trộm sẽ tiến hành tục lệ kéo vợ.

Ngay sau Lễ hội ăn trộm, đồng bào Dao đỏ còn tổ chức các tiết mục văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian. Song thu hút được nhiều người, đặc biệt là thanh niên tham gia chính là tục “kéo người thương về làm vợ”.

Tẩn Sài Niền (SN 1982) thuộc diện hộ nghèo nhất bản Thà Giàng chia sẻ: “Mình tưởng như sẽ chẳng có cơ hội lấy được vợ nhưng may có cái tục kéo vợ nên giờ đã có gia đình. Vợ mình là Phàn Nở Mẩy đã sinh cho mình 2 đứa con kháu khỉnh nhưng cũng chẳng có điều kiện tổ chức đám cưới, miễn là hai gia đình đồng ý và thông qua tục kéo vợ nên mình đã có gia đình hạnh phúc”.

Bà Nông Thị Phương - Trưởng phòng Văn hóa huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho biết, từ năm 2009, UBND huyện Phong Thổ đã hỗ trợ kinh phí cho xã Sì Lở Lầu 25 triệu đồng để phục dựng Lễ hội ăn trộm nhằm lưu giữ lại những nét độc đáo là bản sắc văn hoá của đồng bào Dao đỏ. Lễ hội đã thu hút được sự tham gia và ủng hộ không chỉ của đồng bào dân tộc trên địa bàn xã, mà còn cả các xã lân cận khác.

Bí thư Đảng ủy xã Sì Lở Lầu Tẩn Sài Đông cho biết, muốn kéo người yêu về làm vợ cũng phải chờ sau nghi lễ ăn trộm (tức là sau ngày 15 tháng Giêng âm lịch). Có thể ngày xưa quy định ngày cụ thể như thế là bởi sau ngày 15 cũng là lúc kết thúc vụ thu hoạch, thóc đầy trong nhà, thịt treo kín gác bếp và con giống cũng sẵn sàng để chuẩn bị cho một vụ gieo trồng năm mới thì mới được tiến hành việc dựng vợ gả chồng.

“Nói là kéo vợ, nhưng không phải cứ đến lễ hội, thấy cô nào xinh đẹp là kéo về làm vợ, mà trước đó phải tìm hiểu nhau thật kỹ càng, khi các cô gái đã ưng cái bụng, đồng ý chờ đợi bạn trai đến kéo thì mới được kéo về. Cô gái sau khi được kéo về nhà sẽ ở 3 ngày trong nhà chàng trai, nhưng không được “làm gì” , nếu đồng ý thì mới về xin ý kiến gia đình để kết duyên nên vợ, nên chồng” - ông Đông nói.

Theo ông Đông, ở cả xã Sì Lở Lầu có 601 hộ với 3.900 nhân khẩu, nhưng có tới 45% là hộ nghèo. Chính vì thế, mấy năm nay cũng chỉ có 4 đến 5 gia đình đủ điều kiện đánh trống, thổi kèn và mang lễ vật tới rước người yêu về làm vợ. Còn lại, hầu hết các chàng trai, cô gái nên duyên vợ chồng đều theo nghi thức kéo vợ vì hoàn cảnh nghèo, không đủ lễ vật và điều kiện tổ chức đám cưới.

Từ nghi thức kéo vợ truyền thống ấy đã có hàng trăm cặp uyên ương kết đôi vợ chồng và sống với nhau rất hạnh phúc. Với người Dao đỏ, phụ nữ luôn đề cao sự thuỷ chung nên rất ít trường hợp ly hôn hay bỏ nhau.