Trong xu hướng thiết kế màn hình tràn viền bắt buộc các nhà sản xuất phải bỏ khóa vân tay điện dung ở phía mặt trước smartphone. Và trong khi Apple phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt Face ID thì các ông lớn Android lại hướng tới cách xử lý khác - khóa vân tay nhúng màn hình cảm ứng, cho phép chạm trên màn hình cảm ứng để mở khóa.
Vivo Nex là mẫu smartphone đầu tiên trên thế giới được trang bị khóa vân tay trên màn hình cảm ứng.
Vivo Nex S ra mắt hồi đầu năm 2018 là chiếc smartphone đầu tiên sở hữu khóa vân tay trên màn hình cảm ứng, và cho đến nay, hàng loạt các thương hiệu khác cũng đã lần lượt cho ra đời các thiết bị sở hữu công nghệ hiện đại này, trong đó có bộ tứ flagship nhà Samsung mới ra mắt.
Tuy cùng có vị trí khóa vân tay nằm ở màn hình cảm ứng nhưng trên thực tế, độ chính xác, tốc độ mở khóa của các smartphone này đều khác nhau, nguyên nhân là do các nhà sản xuất đã sử dụng các công nghệ khác nhau để đưa khóa vân tay lên màn hình cảm ứng ở các thiết bị của mình.
Công nghệ cảm biến quang học
Hầu hết các smartphone có khóa vân tay trên màn hình cảm ứng hiện nay như là Nokia 9 PureView, Huawei Mate 20 Pro, Xiaomi Mi 9 ..đều sử dụng công nghệ cảm biến quang học để nhúng khóa vân tay vào màn hình cảm ứng. Theo đó, công nghệ này sẽ sở hữu một camera nhận diện dưới màn hình, "chụp" hình ảnh vân tay sau đó đối chiếu với kho khóa vân tay đã thiết lập trước đó rồi ra quyết định mở khóa hay không.
Công nghệ này có thể chia là nhiều loại: cảm biến đặt phía dưới mặt kính, phía dưới màn hình OLED hoặc là được tích hợp vào màn hình. Và với các vị trí khác nhau của cảm biến thì khả năng nhận diện của các smartphone cũng không hề giống nhau, điều này đòi hỏi công nghệ phát triển riêng của từng hãng. Một yếu tố tiên quyết để có thể sử dụng công nghệ nhận diện bằng cảm biến quang học là màn hình sử dụng phải là tấm nền OLED để đảm bảo độ trong giúp máy ảnh của cảm biến hoạt động tốt.
Công nghệ cảm biến siêu âm
Samsung lại đưa tới Galaxy S10 một công nghệ khác, đòi hỏi những trang bị hiện đại hơn và đắt đỏ hơn. Cụ thể, thay vì hình ảnh "phẳng" như cảm biến quang học trên đây, S10 sử dụng một máy siêu âm, nhận diện 3D của ngón tay để đối chiếu, nhận diện và mở khóa. Về cơ bản, cảm biến siêu âm không những có khả năng nhận diện chính xác hơn mà còn phù hợp cho nhiều hoàn cảnh khác nhau (tay bị ướt, da dầu hoặc có bôi kem chống nắng...).
Không chỉ thế, công nghệ cảm biến siêu âm, với việc sử dụng cảm biến hồng ngoại, cho phép nhận diện ở "khoảng cách" xa hơn (khoảng 800 µm đối với kính và 400 µm với kim loại) và thiết bị không nhất thiết phải dùng màn hình OLED, mà có thể là LCD, AMOLED...
Và không chỉ dừng lại ở đó...
Khoảng nhận diện được mở rộng hơn trên màn hình cảm ứng...
Trong MWC 2019 vừa rồi, hàng loạt các hãng lớn đã đưa tới những công nghệ mới của mình nhằm phát triển tốt hơn công nghệ khóa vân tay ở màn hình cảm ứng. Đơn cử Oppo trình diễn công nghệ nhận diện rộng với diện tích nhận diện khóa vân tay trên màn hình cảm ứng lớn gấp 15 lần so với bình thường; Huawei giới thiệu cảm biến lực nhấn để cải thiện sự chính xác của khóa vân tay hiện tại...
Sự xuất hiện của Galaxy S10+ như một mũi tên đâm trúng iPhone XS Max - mẫu smartphone vốn đang vẫn lao đao tìm cách tiêu thụ.